Nông dân lao đao vì kiệu giống giảm giá
Hơn 1 tháng qua, vùng trồng kiệu Tam Nông (Đồng Tháp) rục rịch vào vụ thu hoạch. Nếu như những năm trước, vụ kiệu tháng 7 âm lịch (ÂL) giá khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, có lúc hút hàng lên đến 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Thời điểm này, kiệu giống ở huyện Tam Nông giá giảm nhiều. Kiệu giống chất lượng tốt chỉ 25.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 10.000 - 15.000 đồng/kg; kiệu chất lượng trung bình chỉ khoảng 20.000 đồng/kg; kiệu nhỏ khoảng 15.000 đồng/kg...
Bên cạnh đó, sức mua kiệu giống năm nay khá yếu, mặc dù diện tích trồng của người dân không kém gì so với năm trước. Theo nhiều hộ dân trồng kiệu trên địa bàn huyện Tam Nông, thị trường kiệu giống gặp khó khăn là do thời điểm hiện tại diện tích trồng kiệu giống tăng khiến cung vượt cầu. Đồng thời, các thương lái đưa kiệu giống từ miền Trung ra thị trường ồ ạt, đẩy kiệu giống sản xuất tại địa phương lâm vào khó khăn.
Ông Lê Văn Kịch – người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm kiệu giống ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết: “Gia đình tôi đang canh tác hơn 11 công kiệu. Gần đây, việc sản xuất kiệu gặp nhiều khó khăn do giá kiệu cứ đi xuống.
1 công kiệu từ ngày xuống giống đến thu hoạch phải bỏ ra 30 triệu đồng gồm các chi phí, phân thuốc. Để có lãi, phải cho năng suất khoảng 4 tấn/công. Nhưng giá kiệu thời điểm này thấp, năng suất cũng giảm khoảng 30% thì không có lời”.
Nhiều hộ dân trồng kiệu lâu năm cho biết, để củ kiệu giống đạt chất lượng, khả năng nảy mầm cao đòi hỏi người trồng phải đầu tư thâm canh, từ loại đất trồng phù hợp đến kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc.
Thời gian trồng kiệu giống kéo dài gần 8 tháng, bắt đầu từ tháng 11 ÂL đến giữa tháng 7 ÂL thì cho thu hoạch. Ngoài ra, do thời gian sinh trưởng kéo dài nên cây kiệu giống thường bị ảnh hưởng của thời tiết, gần đây, mưa nắng thất thường cũng làm chất lượng kiệu bị giảm năng suất, kéo theo đó nhiều lứa kiệu giống bị lép.
Ngoài ra, để giảm chi phí đầu vào, nông dân trồng kiệu Tết cũng tự trồng nhiều kiệu giống để phục vụ sản xuất.
Cây kiệu là một trong những cây trồng giúp nông dân huyện Tam Nông cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, đầu ra của cây kiệu vẫn chưa thật sự ổn định, giá cả còn bấp bênh. Thực tế cho thấy, có năm nông dân mở rộng diện tích canh tác thì bị mất mùa, rớt giá; những năm thu hẹp diện tích thì được mùa, trúng giá...
Để phát triển bền vững nghề trồng kiệu, ngoài nắm vững và áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, cách trồng đến khâu chăm sóc, thu hoạch, nông dân cần chủ động nhờ sự hỗ trợ của các ngành liên quan để có sự gắn kết với các đầu mối tiêu thụ nhằm tạo đầu ra ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) đang nhân rộng mô hình trồng trúc đóm trong nhà lưới, trồng cau vàng xen vườn cây ăn trái để bán lá, đã thu về lợi nhuận ròng trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Nếu không nhanh chóng có những giải pháp cho các vấn đề nội tại, ngành mía đường Việt Nam sẽ bị thua ngay trên sân nhà.
Hơn 1 tháng qua, nhiều hộ nuôi heo ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa, Phú Yên) lo lắng vì heo bị nhiễm bệnh sưng mắt, chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại.
Mới đây, sản phẩm xoài của Đồng Nai được Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản cấp phép cho XK vào thị trường này.
Cua đồng được nuôi tại ruộng chiêm trũng là phù hợp nhất, cua nhanh lớn và sinh sản nhanh do chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, cho năng suất cao.