Nông Dân Khá Nhờ Trồng Lúa Nhật Ở An Giang

Thực hiện mô hình liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất lúa Nhật, nhiều nông dân phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên - An Giang) đã cải thiện kinh tế gia đình và vươn lên khá giả. Hàng năm, Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật cung cấp cho công ty thu mua hơn 500 tấn lúa giống và thương phẩm, thu về lợi nhuận trên 4,5 tỷ đồng.
Năm 2000, Công ty Liên doanh Angimex - Kitoku mở rộng diện tích sản xuất lúa Nhật tại phường Mỹ Hòa, Hội Nông dân phường đã vận động nông dân tham gia. Do thời gian đầu nông dân còn e ngại với loại hình hợp tác sản xuất nên chỉ trồng thử 12 héc-ta trong vụ đông xuân. Sau đó, nhận thấy mô hình sản xuất khá hiệu quả, công ty đảm bảo uy tín chất lượng, nông dân mới mạnh dạn gieo trồng. Đến nay, Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật có 38 hội viên, sản xuất 125 héc-ta trong 2 vụ chính là đông xuân và hè thu. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Hòa cho biết, với nền tảng các tổ hợp tác kinh tế nên khi bắt tay vào sản xuất lúa Nhật, nông dân có nhiều thuận lợi trong các khâu, như: Bơm nước tưới tiêu, xuống giống đồng loạt, gia cố đê bao, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… Do vậy, đã giảm chi phí trong chăm sóc lúa và thu hoạch, đồng thời chất lượng sản phẩm và năng suất lúa Nhật cũng như các giống lúa thường đều tăng.
Nông dân Trần Thanh Hải, ngụ khóm Tây Khánh 6, phường Mỹ Hòa, chia sẻ: “Tôi rất mê trồng lúa Nhật do có đầu ra ổn định, tùy theo giá cả thị trường mỗi năm, đầu vụ công ty định giá, nông dân chịu thì đăng ký trồng, sản xuất ra bao nhiêu công ty cũng thu mua hết nên tôi rất an tâm. Suốt 7 năm trồng lúa, tôi không bao giờ thua lỗ, chủ yếu là nắm vững kỹ thuật và chịu khó chăm sóc cây lúa thường xuyên là lúa đạt năng suất cao”. Không chỉ riêng gì anh Hải, mà các nông dân khác cũng phấn khởi khoe “thành tích” của mình. Anh Nguyễn Trí Cường, ngụ cùng khóm cho biết, với 8 công đất (tầm cắt), anh chỉ chuyên trồng lúa giống Nhật loại Hana, mùa trước anh thu hoạch đạt năng suất 900 kg/công, bán với giá 11.500 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, anh còn lời trung bình 5 triệu đồng/công, gấp 2 lần so với trồng các giống lúa thường.
Tuy trồng lúa Nhật năng suất cao, giá cả ổn định và luôn cao hơn lúa thường từ 3.000 đồng trở lên, nhưng chi phí sản xuất lúa cũng tăng theo. Chị Nguyễn Quí Trinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật cho biết, lúa Nhật cứng cây, ít đổ ngã, ít nhiễm các loại sâu bệnh như rầy nâu hay đạo ôn, nhưng việc chăm sóc cây lúa đòi hỏi cao mới đảm bảo yêu cầu sản phẩm từ phía công ty. Nông dân tốn nhiều phân bón và công chăm sóc hơn. Chẳng hạn, nếu trồng lúa lương thực, nông dân có thể sạ hàng, còn trồng lúa giống phải gieo cấy lúa và khử lẫn 3 lần trong suốt thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày, các khâu cắt lúa và phơi sấy cũng đòi hỏi kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Do vậy, chi phí sản xuất cao hơn so với sản xuất lúa giống, nhưng bù lại được giá cao và ổn định nên nông dân vẫn mặn mà với các giống lúa Nhật quen thuộc như Hana, Koshi, Akita, Kinu…
Nhận thấy, đây là mô hình làm ăn hiệu quả nên Hội Nông dân phường phối hợp Hội Nông dân TP. Long Xuyên và Hội Nông dân tỉnh tranh thủ nguồn hỗ trợ từ trung ương, giúp cho 33 hộ nông dân vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền 671 triệu đồng. Với sự hỗ trợ trên, nhiều nông dân đã có nguồn vốn để mua các loại vật tư, phân bón mà không phải chịu lãi suất cao, đầu tư mua các trang thiết bị phục vụ sản xuất, thuê thêm đất của các hộ xung quanh để nhân rộng mô hình. Với cách thức làm ăn liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp đã tạo ra nhiều cơ hội cải thiện kinh tế gia đình cho các hộ nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Hành là cây trồng chính ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát - Bình Định), được cơ cấu sản xuất 3 vụ/năm, gồm vụ Đông Xuân, vụ Hè và vụ Thu Đông, tổng diện tích hàng trăm hec ta. Ở vụ Hè này, toàn xã xuống giống hơn 81 ha hành, thu hoạch bán được giá cao, người trồng hành rất phấn khởi.

Không chỉ được bán ở những nhà hàng, quán ăn đặc sản vùng miền, rau rừng còn được bán kèm với bánh xèo, thịt bò và bắt đầu chen chân vào siêu thị.

Đến thời điểm này, hồ chứa nước Thới Lới ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã xuống đến mực nước “chết”. Còn các giếng nước trên huyện đảo này hầu như bị nhiễm mặn khiến 130 ha hoa màu có khả năng bị hạn…

Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều gia đình ở xã Thụy Liên (Thái Thụy - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình anh Bùi Sỹ Trạng, thôn Cam Ðoài đang cho thu nhập rất ổn định, bình quân thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười nhìn thấy một biểu giá đi lên của loại thịt đại gia súc này: “Năm 1980, giá thịt bò chỉ bằng nửa giá thịt heo. Năm 1990, giá thịt bò bằng thịt heo. Năm 2000 giá đã gấp đôi, và đến năm 2010 thì đã gấp 4 lần!”.