Tiền Giang: Phụ Phẩm Rơm Bắt Đầu Có Giá
Trước đây, bà con nông dân ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thường "giải quyết" rơm - một phế phẩm trong nông nghiệp bằng cách đốt bỏ. Thế nhưng hiện nay, rơm lại đắt hàng, có giá hơn vì có thể phục vụ trồng rẫy, làm thức ăn cho bò...
Từ nhu cầu trồng rẫy...
Nếu ở huyện Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước..., rơm là gánh nặng cho bà con nông dân sau mỗi vụ thu hoạch lúa vì không biết phải xử lý như thế nào, đặc biệt là vào mùa mưa bão, thì ở huyện Chợ Gạo, đặc biệt là ở xã Thanh Bình rơm được bà con trồng rẫy săn lùng...
Khi phong trào trồng rẫy trên đất ruộng ở huyện Chợ Gạo phát triển thì nhu cầu sử dụng rơm phủ lên líp trồng giữ ẩm cho đất cũng tăng lên. "Rơm ở đây đắt hàng lắm! Tôi trồng có một công (1.000 m2) ngò mà mấy ngày nay tìm rơm để phủ lên líp trồng cũng không có" - ông Bùi Phước Đức, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo có 0,5 công đất trồng rau ăn lá cho biết, do đặc thù líp trồng các loại rau ăn lá khác hẳn với líp trồng cây dưa hấu, dưa leo hay khổ qua nên việc sử dụng màng phủ nông nghiệp giữ ẩm cho đất không hiệu quả. Mặt khác, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây do đất giữ ẩm kém. Chính vì vậy, bà con nông dân ai cùng tìm mua rơm khiến giá "tăng vùn vụt" mà cũng không có để mua.
Không chỉ sử dụng phủ líp trồng rau, rơm còn được bà con nông dân ở các xã trong huyện tìm mua để ủ gốc thanh long. Ông Nguyễn Văn Cần, ngụ xã Thanh Bình nói: "Mấy năm nay, cây thanh long trên đất Chợ Gạo phát triển mạnh lắm! Vụ này, tôi tranh thủ tìm mua 2 ha rơm về ủ gốc thanh long nhưng cũng chỉ mua được có 1 ha rơm thôi."
... Đến làm thức ăn cho bò
Thời điểm này, trên các cánh đồng lúa ở xã Thanh Bình hễ nơi nào thu hoạch lúa là có người đến hỏi mua rơm về làm thức ăn cho bò với giá 1,5 - 1,7 triệu đồng/ha. Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu, (ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) cho biết: "Vào những tháng mùa khô, cỏ tươi hiếm lắm nên bà con ai cũng tranh thủ mua rơm trữ dùng làm thức ăn cho bò khiến giá tăng liên tục".
Theo chị Châu thì giá trị dinh dưỡng của rơm so với các loại cỏ tươi hay thức ăn đậm đặc thấp hơn rất nhiều. Thế nhưng, sau khi đem rơm ủ phân URÊ với liều lượng thích hợp thì vẫn có khả năng đáp ứng đủ dinh dưỡng cho bò, mà giá cả tính ra cũng rẻ hơn rất nhiều so với thức ăn đậm đặc.
Ngoài ra, rơm còn được các chủ xe tải chuyên vận chuyển rau củ, trái cây, đặc biệt là dưa hấu tìm mua để chêm vào các kiện hàng nhằm tránh bị dập khi vận chuyển đi xa. "Năm nào tôi cũng trữ sẵn 2 ha rơm chờ mùa dưa hấu ở xã Phú Cường và Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) đến để đi chở dưa thuê cho bạn hàng" - ông Nguyễn Văn Hùng, chủ xe tải chở thuê ngụ ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Trạm khuyến nông huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vừa tổ chức tham quan đánh giá mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại thị trấn Phong Châu
Cá tràu tiến vua và cá rô Tổng Trường là hai loài cá quý hiếm đặc hữu của Ninh Bình. Chúng chỉ sống ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, huyện Hoa Lư với số lượng hạn chế. Nhưng hiện nay, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình đã thử nghiệm thành công việc nhân giống hai loài cá quý hiếm này, góp phần bảo tồn nguồn gen và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Phát huy lợi thế của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thuần nông, thời gian qua, nuôi bò thịt đã trở thành mô hình làm ăn có hiệu quả được người dân huyện Hồng Ngự chú trọng.
Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, giá cá lóc nuôi mua tại ao đã tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg trong vòng hai tuần qua và đang ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg tuỳ loại.
Hơn một tháng nay, nông dân trồng bưởi tại Bến Tre rất lo lắng trước hiện tượng xuất hiện loại sâu mới hại bưởi da xanh. Loại sâu này có màu hồng, thường chọn trái bưởi to, vỏ dày và đục thẳng vào ruột, khiến quả rụng chỉ trong khoảng vài tuần.