Cây mận vốn là cây ăn quả thế mạnh của nông dân ở huyện Mộc Châu – Sơn La. Tuy nhiên trước đây, người dân thường để cây mận phát triển tự nhiên mà không có kỹ thuật chăm sóc dẫn đến sự suy giảm về chất lượng và giá trị kinh tế, thì những năm gần đây được sự hỗ trợ của các nhà khoa học cùng với các tổ chức hợp tác quốc tế, bà con đã được hướng dẫn cách chăm sóc, đốn tỉa, trẻ hóa vườn mận nhằm tiến tới cải tiến năng suất và chất lượng.
Cây mận thấp hơn mà quả to hơn, ngon hơn..
So với những vườn mận cùng tuổi thì 150 gốc mận của gia đình ông Vàng A Lang ở Bản Pakhen 3, thị trấn nông trường Mộc Châu có độ cao chỉ bằng một nửa. Thay vì trèo lên cây, dùng thang, dùng sào để hái mận, giờ ông Lang chỉ cần đứng dưới gốc để thu hoạch.
Năm 2011, ông Lang mạnh dạn cho đốn tỉa số mận này và chăm sóc theo quy trình hướng dẫn của các cán bộ kĩ thuật. Chỉ một năm sau khi cây mận được đốn tỉa cành cao, cành la đậu quả tập trung hơn và chất lượng tốt hơn.
Ông Vàng A Lang chia sẻ: “Quả mận nhà mình giờ thì to hơn, sai hơn so với những vườn mà người ta không đốn tỉa thì mận nhà mình nó phát triển hơn nhiều, quả to hơn, sáng đẹp hơn.”
Ông Hoàng Văn Tăng là hộ gia đình đầu tiên ở Tiểu khu Cờ Đỏ thực hiện các biện pháp mới chăm sóc mận. Từ ngày áp dụng, ông Tăng thấy hiệu quả tăng lên rõ rệt: “Sau khi chăm sóc tôi thấy là quả mận ngày càng to hơn, mẫu mã đẹp hơn, quả lúc nào cũng hồng hào hơn, bán được giá, người mua lại thích hơn.”
Ông Lang và ông Tăng là một trong những hộ nông dân tham gia mô hình chăm sóc vườn mận một cách khoa học do dự án Asodia của Pháp phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật thực hiện tại Mộc Châu.
Hiệu quả từ phương pháp chăm sóc mới…
Không chỉ nắm đươc kỹ thuật đốn tỉa mà các phương pháp chăm sóc cây mận khác như tủ gốc hay bón phân theo hình chiếu của tán cây cũng là những kiến thức mới mẻ mà nhiều hộ dân ở đây chưa từng biết đến. Những vườn mận đã qua 2 – 3 năm đốn tỉa cũng phát triển và cho chất lượng quả cao hơn hẳn.
Các nhà khoa học đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tham quan các điểm trình diễn rồi xây dựng các mô hình thành các nhóm nông dân. Huyện Mộc Châu hiện đã có 10 nhóm nông dân tương tự tham gia mô hình.
Những thay đổi trên chính những vườn mận, nương mận của bà con cho thấy hiệu quả của việc quản lý cây mận một cách khoa học. Mô hình này cũng đã cho thấy rõ lợi ích của mối liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, giúp nông dân tiếp cận nhanh với tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Để đạt được hiệu quả như hiện nay, những người thực hiện cũng đã phải trải qua những khó khăn ban đầu. ThS Trần Thanh Toàn, Bộ môn Côn trùng, Viện Bảo vệ thực vật cho biết thêm: “Trước đây, khi chúng tôi làm với một lượng tập huấn rất là nhỏ thì bà con rất khó áp dụng. Có khi hướng dẫn xong, bà con về lại không làm theo như vậy, Nhưng khi có dự án, họ có kinh phí xây dựng mô hình, cung cấp dụng cụ, lại có các cán bộ giảm sát bà con, cầm tay chỉ việc cho nên hiệu quả làm rất tốt. Chúng ta thấy bà con làm từ những cây mận cao, quả nhỏ thành cây thấp mà quả to.”
Toàn huyện Mộc Châu có gần 1800 ha trồng mận hậu, chiếm hơn 1 nửa diện tích cây ăn quả trên toàn huyện. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 18 000 tấn quả. Những năm trước đây, khi mận ở Mộc Châu còn trồng theo hướng tự phát, chất lượng không đồng đều nên nhiều năm liền giá bán thấp.
Việc trẻ hóa những vườn mận nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Đây được xem là công cụ hữu hiệu góp phần xây dựng thương hiệu cho vùng chuyên canh mận Mộc Châu theo hướng chất lượng và bền vững.