Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Học Nghề... Trồng Lúa

Nông Dân Học Nghề... Trồng Lúa
Ngày đăng: 16/06/2012

Dạy cho chính những người nông dân thực thụ cách trồng lúa đúng quy trình, chăm sóc lúa đúng cách... Đó là hình thức dạy nghề tại chỗ rất hiệu quả cho bà con nông dân ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Học để tăng năng suất

Trước nhu cầu muốn thay đổi giống lúa cũ cho năng suất thấp bằng giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm TP.Hà Nội phối hợp với Hội Nông dân xã Lệ Chi tổ chức 1 lớp đào tạo nghề trồng lúa cho 32 hội viên nông dân.

Niềm vui được mùa của nông dân Lệ Chi.

Lớp học diễn ra chỉ trong 3 tháng, nhưng thu hút đông đảo học viên tham gia. Anh Phạm Thế Học (thôn Sen Hồ, xã Lệ Chi) cho biết: "Khi được giảng viên của Viện Nghiên cứu lúa trực tiếp giảng dạy thì chúng tôi mới nhận ra rằng để lúa cho năng suất cao thì phải áp dụng đúng quy trình trồng và chăm sóc theo từng thời kỳ cụ thể".

Đồng suy nghĩ với anh Học, anh Nguyễn Văn Sáng, học viên tham gia lớp học chia sẻ: "Tham gia lớp học tôi học được cách chăm sóc, bón phân cân đối, đúng tỉ lệ nên sâu bệnh giảm đi đáng kể. Đặc biệt, khi khóa học kết thúc, chúng tôi được hỗ trợ để trồng thử nghiệm các giống lúa mới chất lượng cao như Huyết rồng (Nam Bộ), Hương việt 3 (Bắc Bộ), ST19 (Sóc Trăng)… thấy vậy tôi đăng ký ngay".

Bà Nguyễn Thị Tư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi cho biết: "Năm 2011, phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm TP.Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức đuợc 2 lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y và trồng trọt. Kết quả đã cấp chứng chỉ nghề cho 64 hội viên nông dân".

Hỗ trợ "hậu lớp học"

Để tiếp sức cho nông dân trong việc gia tăng sản xuất, vụ lúa chiêm xuân vừa qua, phòng kinh tế huyện Gia Lâm phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tổ chức trồng thử nghiệm giống lúa mới Huyết rồng tại xã Lệ Chi với diện tích ban đầu là 2ha.

Anh Nguyễn Văn Sáng phấn khởi nói: "Gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký và đưa vào trồng thử nghiệm trên 3 sào ruộng từ cuối tháng 2.2012, đến nay đã chuẩn bị cho thu hoạch, ước tính bình quân thu được 2,5 - 3 tạ/sào". Anh cho biết thêm vụ mùa tới đây gia đình anh sẽ trồng toàn bộ giống lúa Huyết rồng này trên diện tích đất canh tác của gia đình.

"Năm 2012, Hội Nông dân TP. Hà Nội tiến hành tổ chức đào tạo nghề cho 30.000 lao động cho khu vực nông thôn với trên 20 huyện thị, bình quân mỗi huyện sẽ tổ chức từ 35 - 40 lớp".

TS Vũ Hồng Quảng - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết: "Giống lúa Huyết rồng (Nam Bộ) và Hương việt 3 (Bắc Bộ) với chất lượng gạo dẻo và thơm, do vậy nhu cầu của thị trường là rất lớn. Ngoài ra, những giống lúa này còn có khả năng chống chịu hạn rất cao, không kén đất, cây cứng, đẻ khỏe, chống sâu bệnh rất tốt… rất thích hợp để trồng ở những vùng ngoại thành Hà Nội như Lệ Chi".

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi nói: "Để chuẩn bị cho vụ mùa tới đây nông dân đã đăng ký trên 300kg lúa giống nhưng lại không có lúa giống đáp ứng cho bà con." Tìm hiểu về vấn đề này, qua trao đổi với TS Vũ Hồng Quảng, chúng tôi được biết, do đang trong quá trình thử nghiệm nên Viện không chủ động được số lượng lúa giống nhiều như vậy, nhưng Viện sẽ cử chuyên gia về địa phương để hướng dẫn bà con lấy lúa giống từ chính những thửa ruộng đã trồng thử nghiệm từ vụ chiêm xuân để làm lúa giống cho vụ mùa kế tiếp.

Có thể bạn quan tâm

Huyện Thường Xuân Tiến Độ Trồng Mới Cao Su Đạt Thấp Huyện Thường Xuân Tiến Độ Trồng Mới Cao Su Đạt Thấp

Tuy nhiên, do yếu tố thời tiết, giá giống cao su tăng cao, giá mủ cao su xuống thấp, không tiêu thụ được, khiến nhiều hộ dân hoang mang, không tiếp tục trồng, nên tiến độ trồng mới chậm so với kế hoạch đề ra. Tính đến cuối tháng 7, toàn huyện mới trồng được 21,6 ha, đạt 6,2% kế hoạch, tập trung ở các xã: Lương Sơn 10,4 ha, Xuân Thắng 6 ha, Xuân Cẩm 4,2 ha và Thọ Thanh 1 ha.

01/08/2014
Trang Trại Thân Thiện Với Môi Trường Trang Trại Thân Thiện Với Môi Trường

Câu chuyện bắt đầu khi xã Vạn Ninh cùng với các địa phương khác trong huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khởi động phong trào xây dựng nông thôn mới. Với địa hình bán sơn địa có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng, xã Vạn Ninh khuyến khích nhân dân tập trung vào các mô hình kinh tế trang trại với nhiều chính sách ưu đãi, trong đó định hướng đến vấn đề quy hoạch tập trung, thân thiện với môi trường và xa khu dân cư.

01/08/2014
Tràm Liên Tục Mất Giá Tràm Liên Tục Mất Giá

Thời gian gần đây, giá cây tràm ở vùng ĐBSCL liên tục giảm khiến người trồng tràm lao đao. Trước thực trạng đó, nhiều chủ rừng đã ồ ạt chặt bỏ tràm chuyển sang trồng lúa.

01/08/2014
Để Thương Hiệu Măng Cụt Lái Thiêu Vang Xa... Để Thương Hiệu Măng Cụt Lái Thiêu Vang Xa...

Lái Thiêu (TX.Thuận An) từng được biết đến là một địa danh nổi tiếng về cây trái, du lịch sinh thái. Có thể nói, hầu hết du khách đến đây đều muốn một lần được thưởng thức các loại trái cây chính gốc, với hương vị đặc trưng, trong một không gian du lịch sinh thái rất riêng của vùng đất này.

01/08/2014
Vietfish 2014 Điểm Hẹn Của Bạn Hàng Thủy Sản Việt Nam Vietfish 2014 Điểm Hẹn Của Bạn Hàng Thủy Sản Việt Nam

Trải qua 15 kỳ tổ chức, quy mô và tính chất của Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam (Vietfish) ngày càng chuyên nghiệp và mang tầm cỡ quốc tế, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, xứng đáng là một sự kiện quan trọng hàng năm, là điểm hội tụ lớn nhất của tất cả các nhà sản xuất, chế biến thủy sản hàng đầu Việt Nam và đối tác bạn hàng quốc tế.

02/08/2014