Giàu Có Từ Làm VAC
Với mô hình vườn – ao – chuồng khép kín, gia đình ông Ngô Văn Kiện ở xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để.
“Những năm trước, thu nhập của gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng. Với mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình, nhưng làm giàu bằng cách nào lại là câu hỏi lớn khiến tôi suy nghĩ. Năm 2003, Hội ND và xã có chính sách khuyến khích bà con phát triển kinh tế trang trại, tôi mạnh dạn đấu thầu 1,2ha đất hoang hóa của xã làm trang trại tổng hợp VAC”- ông Kiện nhớ lại.
Được cán bộ Hội ND xã hướng dẫn, ông làm đơn và được Ngân hàng CSXH huyện Gia Viễn cho vay 25 triệu đồng. Có vốn, ông cải tạo khu đất, dành 0,5ha đào ao nuôi ba ba, thả cá. Tận dụng diện tích mặt nước, ông nuôi vịt đẻ và chăn nuôi ngan, gà với số lượng lên đến 1.000 con. Bên cạnh đó, ông còn nuôi thêm bò vỗ béo, trồng gần 1.000 cây gỗ keo, bạch đàn.
Năm 2005, dịch bệnh bùng phát, đàn vịt của ông lăn ra chết hàng loạt, bao nhiêu vốn liếng đầu tư mất trắng. Không nản, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội ND huyện, xã tổ chức; đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào trang trại của mình.
Tâm sự bí quyết thành công, ông Kiện bộc bạch: “Trong chăn nuôi, cùng với áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật, thực hiện nghiêm việc tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thì phải kiên trì, bám trụ với nghề”.
Nhờ biết cách làm ăn, hiện nay gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển bền vững. Đến nay, trang trại của ông có 5.000 con vịt đẻ, 1.000 con gà, ngan, 10 con bò vỗ béo, mỗi năm xuất bán hơn 1.000 con ba ba, 10 tấn cá. Trừ chi phí, mỗi năm ông bỏ túi gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có khoản thu đáng kể từ bán gỗ keo, bạch đàn.
Bà con muốn tìm hiểu kinh nghiệm làm ăn của ông Kiện, liên hệ số điện thoại: 0169.726.5942.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song các doanh nghiệp (DN) ngành cá tra cần tính toán phương thức sản xuất như thế nào để hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Viện Nghiên cứu Hải sản đã phối hợp với Vụ Khai thác thủy sản xây dựng và phát hành bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản hạn mùa, hạn tháng cho nghề câu cá ngừ đại dương, nghề rê, vây và chụp mực.
Cùng với những rủi ro trong nghề nuôi tôm trên cát ven biển, người dân còn gặp khó khăn khi "loay hoay" tìm đầu ra ổn định cho con tôm…
Những ngày qua, giá cá điêu hồng nuôi bè tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có chiều hướng tăng, người nuôi phấn khởi vì có thể thu được lãi khá. Hiện tại, cá điêu hồng thương phẩm loại 1 có giá 34.000 - 35.000 đồng/kg; loại 2 - 3 khoảng 24.000 - 25.000 đồng/kg.
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), hiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản tại một số vùng nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên bất ổn, một số nơi xuất hiện tảo độc.