Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Dồn Sức Chăm Sóc Trái Cây Bán Tết

Nông Dân Dồn Sức Chăm Sóc Trái Cây Bán Tết
Ngày đăng: 25/11/2013

Hàng năm, vào những ngày này nông dân trồng cây ăn trái lại dồn sức chăm sóc, bón phân, xử lý vườn cây ăn trái để cung cấp những trái cây chất lượng tốt nhất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Dẫu biết rằng không phải năm nào trái cây bán tết cũng có giá cao nhưng dường như đó là niềm vui và hy vọng của người nông dân về việc được đón một cái tết đầm ấm, sung túc và một năm mới được mùa, trúng giá.

“Khóm độc” bán tết

Khi nói về trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán là không thể không đề cập đến các loại trái cây dùng để chưng mâm ngũ quả trong 3 ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Lúc này trái cây tết không phải để phục vụ cho nhu cầu cơ bản của con người là ăn ngon mà quan trọng nhất phải là “hàng độc”, dáng đẹp, bắt mắt, thể hiện được mong muốn an khang, thịnh vượng trong năm mới của gia chủ.

Loại trái cây độc đáo của Tiền Giang rất được các thương lái săn lùng trong những dịp tết đó là khóm phụng, khóm son.

Ông Hà Văn Bảy- nông dân trồng khóm phụng ở xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước- Tiền Giang) cho biết, khóm phụng, khóm son là loại khóm kiểng, trái dai nhách nhưng có màu đỏ son sặc sỡ, hình dáng như hình chim phụng không bị đụng hàng với các loại trái cây khác nên được thị trường rất ưa chuộng và được các thương lái đặt hàng trước tết 1- 2 tháng.

Muốn có khóm bán đúng tết, khoảng tháng 2 âm lịch là nông dân bắt đầu trồng cây giống, đến đầu tháng 9 âm lịch bắt đầu xử lý để khóm ra hoa bằng cách dùng khí đá (đất đèn) hòa tan với nước tưới khóm.

Hiện nay, người trồng khóm phụng, khóm son đang tất bật chăm sóc, tưới nước đầy đủ, phun xịt các loại phân thuốc để rệp sáp không kịp tấn công và khi nắng nhiều ngày phải che để khóm không bị nám trái.

Năm ngoái, khóm phụng loại đẹp xuất sắc nhất có giá thu mua tại vườn lên tới 300 ngàn đồng/trái, loại khóm tốt có giá 150- 200 ngàn đồng/kg, còn đối với các trái khóm dạt ra sau khi lựa khóm tốt (loại xô) cũng có giá 30 ngàn đồng/trái.

Tuy nhiên, khóm phụng có yêu cầu về hình dáng rất cao nên số trái đẹp mỗi vườn chỉ có khoảng 20- 30%. Đối với khóm son, yêu cầu về mẫu mã không đòi hỏi quá nghiêm ngặt nên tỷ lệ trái đạt yêu cầu cao hơn nhưng bù lại giá khóm son chỉ trên dưới 10 ngàn đồng/trái.

Nông dân tất bật chăm sóc

Bưởi da xanh cũng là loại trái cây có nhu cầu cao trong những ngày tết. Chính vì vậy, nông dân trồng bưởi da xanh ở các vùng chuyên canh bưởi trên địa bàn các xã Long Khánh, Hội Xuân, Cẩm Sơn, Bình Phú, Hiệp Đức, Phú An và Thanh Hòa thuộc huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng đang tất bật chăm sóc bưởi để có hàng đẹp cung ứng cho thị trường tết.

Ông Nguyễn Văn Đực- nông dân trồng bưởi ở xã Long Khánh (huyện Cai Lậy) cho biết, ngay từ đầu tháng 5 âm lịch, ông đã xới đất quanh gốc bưởi, bón phân tưới nước để xử lý 25 cây bưởi da xanh của gia đình ra hoa rộ vào tháng 6 đến đầu tháng 7 và thu hoạch tập trung vào thời điểm Tết Nguyên đán.

Năm nay, không khí chuẩn bị bưởi bán tết của gia đình càng hồ hởi hơn mọi năm do giá bưởi năm nay luôn ở mức cao và hy vọng bưởi tết giá sẽ cao hơn. Hiện nay, bưởi da xanh của ông Đực đã đạt trọng lượng gần 1 kg/trái.

Mặc dù bưởi có trái quanh năm nhưng hầu hết nông dân trồng bưởi đều xử lý một phần hay toàn bộ vườn bưởi để bán tết cho dù giá bưởi trong năm có cao hay thấp. Do đó, nguồn cung bưởi tết ở địa phương này năm nào cũng dồi dào và việc xử lý bưởi bán tết đã trở thành thói quen của nông dân trồng bưởi nơi đây.

Ông Thái Văn Đua- Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi da xanh ấp Phú Hòa (xã Long Khánh) cho biết, đến thời điểm này, 20ha của 40 hộ trồng bưởi thuộc tổ đã xử lý hết. Hiện các tổ viên đang tất bật chăm sóc để có trái to, đẹp bán được giá trong dịp tết. Dự kiến, sản lượng bưởi da xanh bán tết năm nay của tổ không dưới 100 tấn.

Theo ông Đua, năm nay bưởi có giá rất cao và ổn định, vừa qua sản lượng bưởi bán tết cũng bị ảnh hưởng do sâu đục trái làm 20- 30% bưởi bị hư. Do đó, có nhiều cơ sở dự báo giá bưởi năm nay cũng sẽ ở mức cao bằng hoặc hơn so với mức 40.000- 60.000 đ/kg của Tết cổ truyền năm ngoái.

Đối với trái thanh long, nhà vườn cũng đang chuẩn bị mọi vật dụng sẵn sàng để có những chậu thanh long kiểng đẹp mắt bán tết. Những năm gần đây, nhu cầu “kiểng thanh long” dùng để trưng bày trong những dịp lễ, hội chợ, triển lãm, nhất là trong ngày Tết cổ truyền tăng cao.

Ông Võ Ngọc Diệp- Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Lương Phú, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, tết năm nào ông cũng chuẩn bị hơn 100 chậu kiểng thanh long để phục vụ cho nhu cầu cây kiểng thị trường tết. Hiện nay, ông Diệp cùng những hộ trồng thanh long kiểng trong vùng đang chuẩn bị chọn những cành giâm có dáng đẹp để làm thanh long kiểng bán tết.

Hy vọng bán được giá

Ông Phan Văn Năm (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành- Tiền Giang) cho biết, gia đình có trồng 1,5 công vú sữa và 2 công sapo đang cho trái. Hiện nay, vú sữa đã lớn bằng cổ tay, sapo cũng bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến cả vú sữa lẫn sapo sẽ cho thu hoạch rộ vào tháng 11, 12 âm lịch.

Tuy nhiên, sản lượng vú sữa, sapo năm nay giảm so với mọi năm nên hy vọng giá vú sữa, sapo sẽ tăng cao vào dịp tết để bù đắp cho việc giảm sản lượng.

Tại vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc hơn 1.600ha ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), nhà vườn cũng đang chăm sóc cho vườn xoài kịp có trái bán tết.

Ông Lê Quang Cơ (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè- Tiền Giang) cho biết, hiện nay xoài đang nghịch mùa, mới ra bông được hơn nửa tháng, chỉ có một số cây xoài cho trái sớm được bán trên thị trường với giá 55.000- 60.000 đ/kg.

Hiện nay, nhiều nhà vườn cũng chăm sóc, xử lý phân thuốc để có xoài bán đúng dịp tết. Năm nay, giá xoài nằm ở mức cao nhất từ trước tới nay, do đó người trồng xoài cũng hy vọng vụ xoài tết năm nay bán được giá cao để gia đình có cái tết thật đầm ấm, sung túc.

Bán được giá cao là mong muốn cuối cùng của nông dân trồng cây ăn trái bán tết. Tuy nhiên, những năm gần đây kỹ thuật xử lý cây ăn trái thu hoạch đúng dịp tết đã trở nên phổ biến, sản lượng trái cây tết khá dồi dào nên giá trái cây tết càng trở nên khó đoán. Dù vậy, hy vọng thị trường trái cây tết năm nay hút hàng, được giá để người nông dân “tay lắm chân bùn” có được cái tết trọn vẹn.

Thời điểm này, nông dân trồng các loại cây ăn trái như: vú sữa, xoài, sapo, thanh long đang tranh thủ chăm sóc các vườn cây ăn trái để phục vụ thị trường trái cây tết.


Có thể bạn quan tâm

Cây Ca Cao Ở 3 Huyện Phía Nam, Thêm Một Bài Học Cây Ca Cao Ở 3 Huyện Phía Nam, Thêm Một Bài Học

Chuyến công tác về lại 3 huyện phía nam là Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai (Lâm Đồng) trong những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi thêm một lần nữa chứng kiến cảnh dở khóc dở cười của nông dân về chuyện “trồng - phá, phá - trồng” cây ca cao.

03/06/2014
Cà Mau Nuôi Tôm Khép Kín Cà Mau Nuôi Tôm Khép Kín

Bà Lâm Kim Huệ, ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau), nuôi tôm khép kín trong 4.000m2, vừa thu được 7 tấn tôm chân trắng. “Tôi nuôi tôm 4- 5 năm rồi nhưng chỉ thu được chừng 2 tấn với kích cỡ tôm 100 con/kg, giá bán thấp.

24/06/2014
Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt

Cây hồng không hạt được người dân xã Quảng Bạch (Chợ Đồn - Bắc Kạn) đưa về trồng từ khá lâu. Đây là loại cây hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho chất lượng quả thơm, ngon không kém so với các nơi khác. Để cây hồng trở thành cây trồng mũi nhọn kinh tế, xã Quảng Bạch đang vận động nhân dân mở rộng diện tích, tiến tới hình thành vùng trồng hồng không hạt hàng hóa.

03/06/2014
Bình Thuận Tìm Đường Mới Cho Thanh Long Xuất Ngoại Bình Thuận Tìm Đường Mới Cho Thanh Long Xuất Ngoại

Từ đầu năm đến nay thị trường thanh long của tỉnh Bình Thuận bị biến động mạnh, giá sụt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chất lượng sản phẩm giảm làm cho nhiều nhà vườn lao đao…Tìm và mở thị trường mới là nhu cầu cấp bách của thanh long Bình Thuận.

24/06/2014
Cánh Đồng Lớn Cho Lợi Nhuận Cao Hơn Tới 7,5 Triệu Đồng/ha Cánh Đồng Lớn Cho Lợi Nhuận Cao Hơn Tới 7,5 Triệu Đồng/ha

Tại ĐBSCL, vài năm qua đã hình thành các cánh đồng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "cánh đồng lúa chất lượng cao" quy mô từ vài hàng chục đến hàng trăm héc-ta…. Từ những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả này, nông dân liên kết thành nhóm, cùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ.

03/06/2014