Thực Trạng Và Giải Pháp Nguồn Nhân Lực Trong Khai Thác Thủy Sản
Về chất lượng nguồn lao động biển cũng là một vấn đề rất đáng suy nghĩ. Lao động biển hiện nay có trình độ văn hóa thấp hơn so với lao động ở các ngành nghề khác.
Ông Tạ Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, phụ trách lĩnh vực kinh tế cho biết: “Nếu so với trước kia, trình độ văn hóa của lao động biển ở huyện đảo bây giờ có nâng lên hơn. Nhưng phần đông vẫn chưa học hết trung học cơ sở”.
Ông Nguyễn Văn Tài, thôn Quý Hải, xã Long Hải, một tài công có kinh nghiệm lâu năm trên tàu hành nghề câu khơi ở vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK bộc bạch: Tàu của tôi có 15 lao động, nhưng không có ai học hết lớp 9. Mỗi chuyến biển đi cả tháng, đối mặt với thiên nhiên nhiều thách thức thì cần người có kinh nghiệm là chủ yếu.
Ông Nguyễn Hùng Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng, TP Phan Thiết cho biết, lao động biển của phường ở độ tuổi từ 35 - 45 chiếm số đông, có thời gian đi biển trên dưới 10 năm, chỉ có một số ít là học hết lớp 9, còn lại hầu hết chưa học hết tiểu học. Bởi, theo họ, không đi học thì vẫn làm biển được và vẫn có thu nhập.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: Lực lượng lao động trong lĩnh vực khai thác thủy sản của tỉnh hiện nay hầu hết đều không qua trường lớp, chủ yếu là lao động phổ thông. Nếu con em trong lực lượng này được học hành và có trình độ thì lại thoát ly khỏi ngành.
Bình Thuận có đội tàu khai thác khoảng 7.800 chiếc, trong đó có khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 18.000 lao động. So với đánh bắt gần bờ, thì đánh bắt xa bờ đòi hỏi lao động phải có trình độ và kiến thức nhất định về nghiệp vụ để sử dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động đánh bắt.
Theo thống kê của ngành chức năng, Bình Thuận chỉ có duy nhất một chủ tàu có trình độ đại học chuyên ngành khai thác thủy sản. Đó là ông Lê Văn Nở, phường Hưng Long, TP. Phan Thiết, chủ của 3 tàu cá công suất từ 350 đến 500CV, hành nghề vây rút chì chuyên đánh bắt ở vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK. Ngư dân ở địa phương và các tỉnh lân cận khi nghe đến ông đều phải nể phục.
Cách thức tổ chức sản xuất trên biển, khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cùng với kinh nghiệm đã giúp đội tàu của ông hoạt động rất hiệu quả. Mỗi năm, thu lợi nhuận không dưới 10 tỷ đồng. Thu nhập của thuyền viên cao và ổn định, nên họ gắn bó với đội tàu. Tuy nhiên, không phải tàu nào cũng được như vậy.
Do trình độ của thuyền trưởng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, ngư trường ngày càng khó nên hiệu quả đánh bắt không cao, thu nhập của thuyền viên không ổn định. Từ đó dẫn đến việc lao động nhảy tự do, nay tàu này, mai tàu khác. Nhiều tàu xa bờ phải nằm bờ do không có lao động đi biển.
Những năm gần đây, ngành chức năng của tỉnh quan tâm mở các lớp đào tạo nghiệp vụ thuyền trưởng, máy trưởng. Hầu hết thuyền trưởng, máy trưởng của các tàu đánh bắt xa bờ được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Nhưng đối với thuyền viên (bạn), đa phần thành thạo nghề nhưng trình độ văn hóa thấp, việc đào tạo lực lượng này gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ khoảng 300/18.000 lao động xa bờ được đào tạo nghiệp vụ.
Ngư dân Lê Văn Thành, khu phố 3, phường Mũi Né, TP Phan Thiết với kinh nghiệm gần 40 năm đi biển tâm sự: “Bây giờ đánh bắt xa bờ dài ngày đòi hỏi trình độ của lao động phải nâng lên để làm chủ các trang thiết bị. Nếu cứ theo kiểu truyền thống không cần học nhiều thì ngành nghề này sẽ rất khó phát triển”.
Đội tàu khai thác xa bờ của Bình Thuận tiếp tục gia tăng về số lượng, công suất, có sự chuyển đổi tích cực về cơ giới hóa, hiện đại hóa. Nhiều trang thiết bị kỹ thuật mới được áp dụng như máy thông tin vô tuyến tầm xa, định vị vệ tinh, máy dò cá ngang, tời thủy lực, hầm bảo quản cách nhiệt bằng vật liệu mới… góp phần chuyển đổi nghề cá truyền thống từ ven bờ ra xa bờ, mang lại hiệu quả thiết thực; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục ngàn lao động biển.
Việc đào tạo nâng cao trình độ kiến thức về pháp luật hàng hải, nghiệp vụ đi biển, sử dụng máy móc cho đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và một bộ phận lao động nòng cốt là rất cần thiết. Theo các nhà quản lý, với điều kiện hiện nay thì cố gắng đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng có trình độ trung cấp trở lên.
Cùng với kinh nghiệm đi biển được tích lũy, họ sẽ có đủ điều kiện và năng lực để điều khiển phương tiện khai thác một cách hiệu quả. Còn đối với thuyền viên thì phải có trình độ công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp.
Những giải pháp
Lực lượng lao động trí thức trong khai thác thủy sản hiện thiếu trầm trọng không chỉ riêng ở Bình Thuận mà còn ở nhiều tỉnh ven biển có nghề cá phát triển. Với xu hướng tất yếu tàu khai thác ngày càng lớn trang bị hiện đại, đòi hỏi phải có những kỹ sư khai thác thủy sản để vận hành và điều khiển.
Thế nhưng, nơi duy nhất đào tạo và cung cấp đội ngũ này là Trường Đại học Nha Trang vì theo nhu cầu thị trường lại giải thể khoa đào tạo kỹ sư khai thác thủy sản. Đây là điều mà những người làm công tác quản lý hết sức băn khoăn.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận trăn trở: “Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đóng tàu sắt có công suất lớn để vươn khơi xa. Ai là người điều khiển những con tàu này. Ngư dân không thể điều khiển được mà chỉ có kỹ sư khai thác mới là người điều khiển.
Quan trọng hơn, khi không còn nguồn đào tạo dẫn đến đội ngũ cán bộ khoa học có kiến thức, có trình độ trong tổ chức khai thác thủy sản không còn nữa, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của cả ngành”.
Để khắc phục sự thiếu hụt lao động trong khai thác thủy sản thì giải pháp căn cơ là phải cơ cấu lại ngành nghề theo hướng tăng nhanh các ngành nghề đánh bắt chọn lọc mang tính hiệu quả cao. Phát triển sản xuất phải gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp thông qua cơ chế, chính sách, khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng thời đẩy nhanh việc cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu thuyền, trang thiết bị ngư cụ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất trên biển. Từ đó tạo động lực khuyến khích người lao động theo nghề biển.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận: “Nhân lực cho nghề cá xa bờ là yếu tố có tính quyết định đối với sự phát triển bền vững của nghề cá. Nhà nước cần quan tâm đúng mức việc đào tạo, nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ thuật, kỹ năng lao động; có cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút, tạo nguồn nhân lực ổn định”.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường nhập khẩu bông lớn nhất của Việt Nam hiện vẫn là châu Phi. Tuy nhiên, nhập khẩu bông của Việt Nam từ châu Phi phần lớn thực hiện qua trung gian là các công ty thương mại của Pháp, Thụy Sỹ, Ấn Độ khiến chi phí tăng cao.
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn nguồn hãng tin Antara (Indonesia) ngày 16/11 cho biết đầu năm tới, 50.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan nhập khẩu vào Indonesia sẽ cập cảng Dumai ở tỉnh Riau nước này.
Khi vườn bưởi Năm Roi của ông Nám đã đi vào ổn định, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, không ai dám tin ông Nám quyết định đốn bỏ toàn bộ bưởi Năm Roi để trồng bưởi da xanh.
Thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng hạt điều, nhãn, vải và thành long của VN vào Peru sẽ lập tức về 0% ngay sau khi hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực so với mức 9% hiện nay.
- Chiều 28/9, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh và Đoàn công tác thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức ký kết quy chế phối hợp thực hiện chương trình giai đoạn 2015-2020.