Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thách Thức Sản Xuất Nông Nghiệp

Thách Thức Sản Xuất Nông Nghiệp
Ngày đăng: 03/04/2014

Trong bối cảnh lúa gạo tồn đọng lớn, giá cả sụt giảm mạnh, cuộc sống hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang gặp khó khăn, có lẽ những người thường có ý kiến “phải bảo vệ diện tích đất trồng lúa” cũng phải đắn đo. Đã đến lúc cần có cái nhìn toàn diện về chiến lược phát triển cây lúa, có giải pháp đồng bộ thay vì chỉ tập trung vào mũi xuất khẩu gạo để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao thu nhập nông dân.

Nghịch lý cây lúa - hạt gạo

Theo Bộ NN-PTNT, với hơn 1,6 triệu ha lúa đông xuân, ĐBSCL sẽ đạt sản lượng khoảng 11,5 triệu tấn. Với mức giá 4.200 - 5.000 đồng/kg lúa tươi (tùy loại) hiện nay, đây là sự thất vọng não nề của hàng triệu nông dân ĐBSCL. Cần phải hiểu, vụ đông xuân là vụ lúa chính trong năm (sau đó là hè thu, thu đông), nên nông dân đặt kỳ vọng vào vụ lúa này rất lớn.

Song những kỳ vọng sau gần 100 ngày lui cui trên đồng của nông dân đang rơi vào thế bế tắc. Đây là điều mà nhiều người đã dự đoán khi xuất khẩu gạo đối diện nhiều khó khăn. Gánh nặng lo đầu ra có thể chồng chất khi “nông dân chưa thu hoạch hết lúa đông xuân thì hàng loạt ở nhiều địa phương đã xuống giống tiếp lúa hè thu”, như lo lắng của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát bày tỏ.

Không ai có thể phủ nhận trong nhiều thời điểm khó khăn, sản xuất nông nghiệp, trong đó then chốt là cây lúa, đã trở thành trụ đỡ cho an sinh xã hội. “Vựa lúa ĐBSCL đã đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực của cả nước. Năm 2013, sản lượng lúa trong vùng tiếp tục tăng, đạt sản lượng khoảng 25 triệu tấn. So với thời điểm năm 1975 chỉ đạt 4 triệu tấn, thành tựu tăng sản lượng khoảng 6 lần là rất đáng trân trọng” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định.

Tuy nhiên, đi ngược với việc gia tăng sản lượng lúa, đời sống nông dân càng ngày lại càng bấp bênh. “Nông dân trồng lúa luôn đối diện nhiều rủi ro, giá bán lúa có khi thấp hơn giá thành sản xuất. Mặn xâm nhập, khô hạn, hay mới xuống giống lúa bị mưa chụp là mất trắng.

Chỉ cần một trong những điều trên xảy ra là nông dân phải đi vay nóng” - anh Trần Văn Thức, huyện Long Mỹ, Hậu Giang, cho biết. Nguyên nhân rủi ro trong sản xuất lúa là do nông dân thiếu vốn sản xuất, phải mua phân, thuốc trừ sâu theo dạng “công nợ”, chịu lãi suất khoảng 3%/tháng. Những yếu tố trên thường buộc nông dân phải bán lúa “khẩn” để trang trải nợ nần.

Chuỗi giá trị lúa - gạo ở ĐBSCL hiện nay là một hệ thống kết nối các phân khúc từ cung cấp đầu vào, trồng trọt và thu hoạch, chế biến (xay xát, lau bóng), phân phối và tiêu thụ. Các tác nhân tham gia gồm nông dân, thương lái, nhà máy xay xát, công ty cung ứng, công ty xuất khẩu, mạng lưới bán sỉ, bán lẻ. Tham gia vào chuỗi còn có các ngành liên quan, các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và thể chế hỗ trợ.

Các chuyên gia lúa gạo cho rằng, điểm yếu nhất trong chuỗi là những người trồng lúa. Đó là một tập hợp rời rạc của hàng triệu nông hộ sản xuất trên mảnh ruộng của mình. Do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mưa bão, lũ lụt nên nông dân trở thành nhóm yếu thế nhất, rất dễ bị tổn thương. Nông dân cũng không được bảo hiểm rủi ro, thiếu tài sản, trình độ học vấn thấp nên không có khả năng tiếp cận tín dụng. Khi giá lúa tăng, họ cũng không phải là người được hưởng lợi trọn vẹn, nhưng khi giá lúa sụt giảm thì thiệt hại trực tiếp rất lớn.

Không dễ chuyển đổi

Dù dự báo thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2014 sẽ đầy khó khăn, nhưng nhiều địa phương như Long An, Kiên Giang, Trà Vinh vẫn phải để nông dân tăng thêm 13.000ha lúa đông xuân so với năm ngoái. Điều này cũng dễ lý giải.

Lâu nay, hàng loạt công trình thủy lợi quan trọng đều tập trung vào cây lúa như “Ngọt hóa bán đảo Cà Mau” hay “Thoát lũ ra biển Tây”, “Đê bao kiên cố” ở các tỉnh đầu nguồn nhằm sản xuất lúa 3 vụ/năm, thậm chí có nơi sản xuất 7 vụ/2 năm. Năm 2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 7 triệu tấn xuống còn 6,5 triệu tấn. Như vậy, trong nhiều năm tiếp theo Việt Nam vẫn phải giải quyết đầu ra cho khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu (tương đương 12 - 13 triệu tấn lúa).

Trong khi đó, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lại thiếu trầm trọng và nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi hàng năm nước ta lại phải nhập khẩu một lượng lớn bắp và đậu nành để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo Cục Trồng trọt, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tiếp tục khan hiếm, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. 50% - 60% nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc (bắp, đậu nành) phải nhập từ nước ngoài.

Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn bắp hạt; 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành; 600.000 tấn hạt đậu nành và một số nguyên liệu khác. Với tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3 tỷ USD, tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo.

Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Bộ NN-PTNT đã đưa ra tiêu chí đến năm 2015, sản lượng bắp đạt 6 triệu tấn bắp hạt và đến năm 2020 ổn định 7,5 triệu tấn. Như vậy, so với sản lượng bắp cả nước năm 2012, hiện nay đang thiếu ít nhất 1,7 triệu tấn bắp hạt mỗi năm.

Vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ có điều kiện thời tiết thuận lợi cho phát triển chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, do sự sắp xếp cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng chuyển đổi chưa phù hợp nên việc gia tăng diện tích còn gặp nhiều khó khăn, chậm phát triển.

Câu hỏi “Trồng cây gì? Nuôi con gì?” trong mãi 2 thập niên qua vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Ngoài lúa gạo, một số nông sản khác có giá trị rất cao như: rau quả, hoa cảnh, tôm, cá tra… cho thu nhập vài tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, đa số nông dân không dễ tiếp cận mô hình sản xuất mặt hàng này do nguồn vốn đầu tư rất lớn, kỹ thuật cao, trong khi về thổ nhưỡng đất đai không phải nơi nào cũng trồng được.

Theo Bộ NN-PTNT, đến năm 2015, vùng ĐBSCL sẽ quy hoạch chuyển đổi 112.000ha đất gieo trồng lúa sang trồng bắp, đậu nành, rau màu… Bộ NN-PTNT cũng đang đề nghị hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đất chuyển đổi để hỗ trợ mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu; hỗ trợ khâu làm đất 700.000 đồng/ha.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải chọn loại cây trồng nào cho phù hợp và phải đảm bảo đầu ra. Đây là một bài toán khó khi đầu ra cây lúa không đảm bảo, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác thì chưa biết được khâu tiêu thụ ra sao.


Có thể bạn quan tâm

Đào ao… lấy nước trồng cỏ nuôi bò Đào ao… lấy nước trồng cỏ nuôi bò

Nắng nóng kéo dài, cỏ trồng bị héo úa, người dân ở các xã ven biển huyện Tuy An (Phú Yên) phải đào ao lấy nước tưới cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Có gia đình đầu tư hệ thống tưới nước tự động bằng béc (vòi phun) tưới cỏ để có thức ăn cho bò trong mùa nắng hạn.

15/06/2015
Cần tiếp sức người nuôi bò Cần tiếp sức người nuôi bò

Những năm qua, nghề chăn nuôi bò đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang “xóa đói giảm nghèo”. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cuộc sống của họ đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bởi tổng đàn bò tăng không đáng kể, lợi nhuận tàm tạm, cuộc sống giậm chân tại chỗ…

15/06/2015
Phong trào xây nhà nuôi chim yến đã giảm sốt Phong trào xây nhà nuôi chim yến đã giảm sốt

Ông Trần Thanh Hoàng, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Gò Công (Tiền Giang) cho biết, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện nay cho thấy, toàn thị xã có 281 căn nhà nuôi chim yến nhưng phong trào xây nhà đã tạm đứng lại.

15/06/2015
Làm giàu từ mô hình nuôi gà, ngan đẻ trứng Làm giàu từ mô hình nuôi gà, ngan đẻ trứng

Trong thời gian gần đây, nhiều vùng nông thôn đã xuất hiện những hộ nông dân phát triển chăn nuôi gà với số lượng hàng 100 con, hàng 1000 con mang lại hiểu quả kinh tế khá cao. Nuôi gà không chỉ cải thiện cuộc sống, bữa ăn hàng ngày mà còn cho thu nhập vài chục triệu đồng đến cả vài trăm triệu đồng mỗi năm tùy theo quy mô.

15/06/2015
Đối tượng nuôi mới nhiều triển vọng Đối tượng nuôi mới nhiều triển vọng

Sinh sống tại những địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí quyết tâm làm giàu, những nông dân miền sơn cước đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế...

15/06/2015