Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Điêu Đứng Vì Giá Chuối Liên Tục Giảm

Nông Dân Điêu Đứng Vì Giá Chuối Liên Tục Giảm
Ngày đăng: 15/01/2015

Chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ trên địa bàn huyện U Minh (Cà Mau), nhất là những hộ dân sống trên lâm phần rừng tràm. Có những lúc cây chuối được xem là cây giảm nghèo cho người dân xứ rừng. Vậy mà thời gian gần đây, giá chuối liên tục giảm mạnh, gây nhiều khó khăn cho bà con.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, ở ấp 12, xã Khánh Thuận, là một trong những người được mệnh danh là triệu phú chuối của đất rừng U Minh Hạ. Với hơn 4 ha bờ bao trồng chuối, mỗi năm ông thu về hơn 150 triệu đồng. Vậy mà những ngày gần đây ông cũng phải ngao ngán nhìn đống chuối to đùng của gia đình từ từ chín thâm mà không thu được đồng nào do thương lái đột nhiên "bỏ cữ".
Ông Hiệp cho biết: “Không biết lý do gì mà đột nhiên thương lái bỏ cữ, điện hỏi thì bên đó bảo nguồn hàng còn tồn đọng lớn, đồng thời thông báo giá chuối giảm chỉ còn 2.000 - 2.500 đồng/nải, giảm gần 2.000 đồng/nải so với trước đây. Ðây là lần rớt giá thứ ba trong năm, nhưng đây là lần rớt thảm nhất nên số chuối tôi sắp trồng thêm đành nán lại chờ giá cả coi sao”.
Bà Nguyễn Thị Kiều cũng là một trong những hộ có diện tích chuối tương đối lớn ở ấp 18, xã Khánh Thuận, với hơn 2 ha bờ bao trồng chuối, cũng chịu cảnh tương tự. Do trước đây giá chuối ở mức cao nên thương lái tìm đến nhà mua, ai mua cao thì bà bán, không có bắt mối với thương lái nào, mấy ngày nay đột nhiên thương lái đi đâu hết, khiến cho toàn bộ số chuối tới lứa của bà đành nằm lại ở vườn, số chín bà đốn về cũng nằm ì ra đó.
Còn đối với những người có mối lái sẵn thì có phần hơi thuận lợi hơn, mặc dù giá chuối rẻ nhưng vẫn còn có người đến mua. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Phim ở ấp 17, xã Khánh Thuận là 1 ví dụ. Do sợ cảnh bấp bênh của cây chuối nên 2 năm nay bà Phim bắt hẳn 1 mối ở tận Tiền Giang để tiêu thụ chuối.
Nhờ vậy mà chuối của gia đình bà không bị tồn đọng như những hộ khác. Mặc dù vậy nhưng bà Phim vẫn ngao ngán vì mỗi đợt đốn chuối rất là cực, kéo dài từ 1 - 2 ngày mới xong. Vậy mà giá chuối đột nhiên giảm mạnh làm cho bà và gia đình không còn phấn khởi sản xuất như trước nữa.
Ðối phó với tình trạng giá chuối thấp, người dân trên địa bàn huyện U Minh đã năng động biến chuối thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như: làm thức ăn cho cá, cho heo, rồi ép làm chuối khô.
Nhưng chừng ấy vẫn không thể giải quyết hết lượng chuối tồn đọng vì số lượng chuối quá lớn, mỗi hộ có gần 1.000 nải chuối trong mỗi cữ đốn. Bà Trần Thị Hoa, ở ấp 18, xã Khánh Thuận, chia sẻ: “Chuối chín bán không được, có con gì ăn hết đâu, cho cá ăn cũng không hết. Mấy ngày nay tôi và con dâu cố gắng ép chuối phơi khô, mà giờ ép cũng hết nổi và cũng không còn chỗ để phơi".
Ðây không phải là năm đầu tiên chuối giảm giá, gây thất thu cho nông dân trên địa bàn huyện mà đã trở thành điệp khúc trong đời sống của người dân xứ rừng.
Qua tìm hiểu các thương lái cho biết, phần lớn chuối trên địa bàn huyện U Minh trước đây được thu mua, vận chuyển về các tỉnh vùng ngoài để tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi việc xuất khẩu thuận lợi thì giá chuối tăng, còn không thì lại giảm. Những ngày gần đây, phía Trung Quốc đột nhiên không nhập loại nông sản này nên lượng chuối còn tồn đọng trong nước rất lớn, dẫn đến tình trạng giá chuối sụt giảm như hiện nay.
Trước thực trạng trên, người trồng chuối trên địa bàn huyện đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để tìm đầu ra ổn định lâu dài, tránh tình trạng giá chuối bấp bênh như hiện nay. Nên chăng xây dựng hẳn nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm bằng nguyên liệu chuối hay nhà máy sấy chuối tại địa phương để có thể tiêu thụ nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương. Qua đó sẽ giúp người dân vượt qua gánh nặng về giá cả, an tâm sản xuất, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống.


Có thể bạn quan tâm

Nguy Cơ Dịch Bệnh Đốm Trắng Lan Rộng Nguy Cơ Dịch Bệnh Đốm Trắng Lan Rộng

Chưa đầy 2 tháng xuống giống ở Hà Tĩnh, dịch bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại các vùng nuôi tôm Kỳ Anh, Lộc Hà, gây thiệt hại cho người nuôi. Mặc dù ngành chuyên môn tích cực triển khai dập dịch nhưng nguy cơ dịch bùng phát khó tránh khỏi.

29/05/2013
41,7 Héc-Ta Sản Xuất Tôm Càng Xanh Theo Chuỗi Giá Trị 41,7 Héc-Ta Sản Xuất Tôm Càng Xanh Theo Chuỗi Giá Trị

Thực hiện Đề án chuỗi giá trị sản xuất tôm càng xanh tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2015 (do Sở Công thương chủ trì), Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã khảo sát và thống kê các hộ đăng ký tham gia chuỗi giá trị, với tổng diện tích 41,7 héc-ta, năng lực cung cấp 50,04 tấn/năm.

01/10/2013
Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Của Anh Huỳnh Văn Hạnh Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Của Anh Huỳnh Văn Hạnh

Vài năm gần đây anh Huỳnh Văn Hạnh ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông (Cai Lậy - Tiền Giang) đã thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo, góp phần nâng cao mức sống gia đình.

02/10/2013
Tỷ Phú Trên Đất Rừng Đầm Dơi Tỷ Phú Trên Đất Rừng Đầm Dơi

Được giao khoán 10 ha, những năm qua, bên cạnh trồng và bảo vệ rừng khoảng 70% diện tích, số còn lại 30% nằm trong diện được phép canh tác, ông Huỳnh Văn Sen ở ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, đã bố trí sản xuất đa cây, đa con hiệu quả.

12/06/2013
Thủy Sản Chết Hàng Loạt Thủy Sản Chết Hàng Loạt

Những ngày qua, người dân ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) “đứng ngồi không yên” vì thủy sản chết hàng loạt tại khu vực bùng binh đồng Cù Lao, nằm cạnh đầm nước mặn và đồng muối Sa Huỳnh.

03/10/2013