Nông Dân Điêu Đứng Vì Giá Chuối Liên Tục Giảm

Chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ trên địa bàn huyện U Minh (Cà Mau), nhất là những hộ dân sống trên lâm phần rừng tràm. Có những lúc cây chuối được xem là cây giảm nghèo cho người dân xứ rừng. Vậy mà thời gian gần đây, giá chuối liên tục giảm mạnh, gây nhiều khó khăn cho bà con.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, ở ấp 12, xã Khánh Thuận, là một trong những người được mệnh danh là triệu phú chuối của đất rừng U Minh Hạ. Với hơn 4 ha bờ bao trồng chuối, mỗi năm ông thu về hơn 150 triệu đồng. Vậy mà những ngày gần đây ông cũng phải ngao ngán nhìn đống chuối to đùng của gia đình từ từ chín thâm mà không thu được đồng nào do thương lái đột nhiên "bỏ cữ".
Ông Hiệp cho biết: “Không biết lý do gì mà đột nhiên thương lái bỏ cữ, điện hỏi thì bên đó bảo nguồn hàng còn tồn đọng lớn, đồng thời thông báo giá chuối giảm chỉ còn 2.000 - 2.500 đồng/nải, giảm gần 2.000 đồng/nải so với trước đây. Ðây là lần rớt giá thứ ba trong năm, nhưng đây là lần rớt thảm nhất nên số chuối tôi sắp trồng thêm đành nán lại chờ giá cả coi sao”.
Bà Nguyễn Thị Kiều cũng là một trong những hộ có diện tích chuối tương đối lớn ở ấp 18, xã Khánh Thuận, với hơn 2 ha bờ bao trồng chuối, cũng chịu cảnh tương tự. Do trước đây giá chuối ở mức cao nên thương lái tìm đến nhà mua, ai mua cao thì bà bán, không có bắt mối với thương lái nào, mấy ngày nay đột nhiên thương lái đi đâu hết, khiến cho toàn bộ số chuối tới lứa của bà đành nằm lại ở vườn, số chín bà đốn về cũng nằm ì ra đó.
Còn đối với những người có mối lái sẵn thì có phần hơi thuận lợi hơn, mặc dù giá chuối rẻ nhưng vẫn còn có người đến mua. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Phim ở ấp 17, xã Khánh Thuận là 1 ví dụ. Do sợ cảnh bấp bênh của cây chuối nên 2 năm nay bà Phim bắt hẳn 1 mối ở tận Tiền Giang để tiêu thụ chuối.
Nhờ vậy mà chuối của gia đình bà không bị tồn đọng như những hộ khác. Mặc dù vậy nhưng bà Phim vẫn ngao ngán vì mỗi đợt đốn chuối rất là cực, kéo dài từ 1 - 2 ngày mới xong. Vậy mà giá chuối đột nhiên giảm mạnh làm cho bà và gia đình không còn phấn khởi sản xuất như trước nữa.
Ðối phó với tình trạng giá chuối thấp, người dân trên địa bàn huyện U Minh đã năng động biến chuối thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như: làm thức ăn cho cá, cho heo, rồi ép làm chuối khô.
Nhưng chừng ấy vẫn không thể giải quyết hết lượng chuối tồn đọng vì số lượng chuối quá lớn, mỗi hộ có gần 1.000 nải chuối trong mỗi cữ đốn. Bà Trần Thị Hoa, ở ấp 18, xã Khánh Thuận, chia sẻ: “Chuối chín bán không được, có con gì ăn hết đâu, cho cá ăn cũng không hết. Mấy ngày nay tôi và con dâu cố gắng ép chuối phơi khô, mà giờ ép cũng hết nổi và cũng không còn chỗ để phơi".
Ðây không phải là năm đầu tiên chuối giảm giá, gây thất thu cho nông dân trên địa bàn huyện mà đã trở thành điệp khúc trong đời sống của người dân xứ rừng.
Qua tìm hiểu các thương lái cho biết, phần lớn chuối trên địa bàn huyện U Minh trước đây được thu mua, vận chuyển về các tỉnh vùng ngoài để tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi việc xuất khẩu thuận lợi thì giá chuối tăng, còn không thì lại giảm. Những ngày gần đây, phía Trung Quốc đột nhiên không nhập loại nông sản này nên lượng chuối còn tồn đọng trong nước rất lớn, dẫn đến tình trạng giá chuối sụt giảm như hiện nay.
Trước thực trạng trên, người trồng chuối trên địa bàn huyện đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để tìm đầu ra ổn định lâu dài, tránh tình trạng giá chuối bấp bênh như hiện nay. Nên chăng xây dựng hẳn nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm bằng nguyên liệu chuối hay nhà máy sấy chuối tại địa phương để có thể tiêu thụ nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương. Qua đó sẽ giúp người dân vượt qua gánh nặng về giá cả, an tâm sản xuất, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống.
Related news

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Động (Quảng Uyên) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát huy hiệu quả nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế, năng suất, sản lượng cao vào sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung cải tạo sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, cơ bản đủ năng lực phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất của nông dân. Xây dựng nhiều trạm bơm đảm bảo tưới tiêu chủ động.

Ngành nông nghiệp đang mất dần sự bảo hộ và hướng đến cạnh tranh trên sân chơi bình đẳng. Từ doanh nghiệp (DN) đến nông dân đang phải nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Tại ấp Tân Nghĩa, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp Nam bộ vừa phối hợp Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp tổ chức tổng kết mô hình ương cá tra từ bột lên cá tra giống đạt tỷ lệ sống cao.

Khoảng gần 1 tháng qua, bà con trồng màu ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự rất phấn khởi khi giá hành lá và củ cải trắng liên tục tăng cao. Hiện tại, hành lá bán tại ruộng giá trung bình từ 15 - 18 nghìn đồng/kg, củ cải trắng giá từ 5 - 6 nghìn đồng/kg, tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm đầu năm 2014.