Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Đang Kết Với Cây Khoai Lang

Nông Dân Đang Kết Với Cây Khoai Lang
Ngày đăng: 06/03/2014

Tại một số địa phương chuyên canh về cây lúa của huyện Krông Ana (Dak Lak), hiện người dân đã chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng khoai lang với lý do: lợi nhuận sau khi trừ chi phí cao hơn hẳn trồng lúa…

Những ngày này, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyến ở đội 2, thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăn (huyện Krông Ana) tất bật với việc thu hoạch 4 sào khoai lang. Nhìn những dây khoai sai củ, bà con xóm giềng đến xem ai cũng xuýt xoa và mừng cho vợ chồng bà. Bà Tuyến cho biết: Đây là vụ khoai đầu tiên gia đình trồng.

Trước đây 4 sào ruộng này, bà trồng lúa nhưng do chân ruộng cao, thiếu nước nên năng suất cũng bị ảnh hưởng. Lâu nay, mấy người em của bà ở huyện Krông Nô (tỉnh Dak Nông) khuyên bà chuyển sang trồng khoai lang sẽ thích hợp hơn nhưng vợ chồng bà do dự vì lo không biết bán cho ai và như thế nào. Được anh em tư vấn, vận động nhiệt tình nên đến vụ này, gia đình bà Tuyến mạnh dạn chuyển đổi sang trồng khoai.

Khoai đến kỳ thu hoạch, có tư thương đến trả 6.700 đồng/kg, bà quyết định bán. Bà nhẩm tính, với 4 sào khoai lang, sản lượng cũng phải được 10 tấn, cao gấp 2,5 lần sản lượng trung bình tính trên 1 ha mà một số bà con xung quanh đã làm. Sau khi trừ chi phí, bà Tuyến lãi 40 triệu đồng, tính ra thì lãi nhiều so với lúa vì những mùa trước, trên diện tích này, vụ nào năng suất cao lắm cũng chỉ lãi 15 triệu đồng.

Không riêng bà Tuyến, nhiều gia đình ở thôn Buôn Triết đã và đang rất hào hứng với cây khoai lang. Bà Nguyễn Thị Vân, thôn phó thôn Buôn Triết cho hay: Buôn Triết là cánh đồng lớn nhất của xã Dur Kmăn, với diện tích khoảng 600 ha, trước đây chuyên canh trồng lúa nhưng 2 năm nay thấy các địa phương lân cận trồng khoai lang Nhật có hiệu quả nên bà con cũng đã chuyển đổi một số diện tích lúa ở chân ruộng cao, có chất đất pha cát sang trồng khoai. Hiện diện tích trồng khoai đã lên đến con số 70 ha.

Tại một số chân ruộng cao, nông dân đã chuyển đổi từ lúa sang trồng khoai lang.

Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2013-2014, huyện Krông Ana gieo trồng 6.350 ha, trong đó riêng đối với cây khoai lang là 15 ha, với sản lượng dự tính đạt 150 tấn. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến thời điểm này, người dân đã trồng 134 ha, đạt 893% so với kế hoạch.

Đây có thể nói là con số tăng đột biến, bởi so với vụ đông xuân 2012-2013, diện tích trồng khoai lang chỉ xoay quanh mức 10-13 ha. Ngay như tại địa bàn xã Dur Kmăn, cũng trong vụ đông xuân trước, diện tích khoai lang hầu như không có, nhưng hiện có thể coi là địa phương có diện tích khoai lang nhiều nhất huyện. Một trong những lý do chính để người dân có sự chuyển đổi này là trồng khoai có lãi hơn trồng lúa.

Họ làm một phép tính như sau: Cùng thời gian canh tác nhưng lợi nhuận trồng lúa sau khi trừ chi phí, cao nhất chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, trong khi khoai lang là 40 triệu đồng/ha. Còn trả lời cho câu hỏi bài toán “đầu ra” của sản phẩm, bà con cho rằng, những địa bàn lân cận như các huyện Dak Song, Krông Nô của tỉnh Dak Nông, nông dân đã trồng khoai lang Nhật được 5, 6 năm nay, diện tích rất lớn và đầu ra vẫn tương đối ổn định, trong khi diện tích của mình chưa nhiều nên cũng không quá lo.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Vinh, một tiểu thương đi thu mua khoai đến từ tỉnh Lâm Đồng thì được biết, hầu hết số khoai lang sau khi thu mua được xuất khẩu sang Nhật Bản. Tiêu chuẩn xuất khẩu cũng khá chặt chẽ: khoai phải được rửa sạch, phân loại, đóng gói, hạn chế khoai bị trầy xước vỏ. Chính vì vậy khi nông dân thu hoạch cũng nên chú ý nếu không sẽ làm giảm phẩm cấp của khoai

Dù cây khoai lang đang có lợi thế nhưng theo khuyến cáo của cán bộ ngành Nông nghiệp huyện, bà con không nên chạy theo phong trào, chuyển đổi ồ ạt. (Trong ảnh: Thu hoạch khoai lang tại gia đình bà Tuyến ở thôn Buôn Triết).

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập là đòi hỏi thiết yếu, chính đáng của người nông dân. Tuy nhiên, ông Võ Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana khuyến cáo: Địa phương đã có quy hoạch vùng trong sản xuất, cụ thể: đối với những chân ruộng cao, thường bị thiếu hụt về nguồn nước thì trồng màu; chân ruộng trũng, bảo đảm nước thì trồng lúa.

Hiện cây khoai lang đang có lợi thế nhưng không vì vậy mà bà con chạy đua theo phong trào rồi chuyển đổi ồ ạt, gây hiệu ứng dư thừa, “cung” nhiều hơn “cầu”, làm đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn. Khi chuyển đổi cần có sự tính toán kỹ, xem xét, tham vấn về kỹ thuật, điều kiện thổ nhưỡng, địa hình phù hợp để hạn chế rủi ro.


Có thể bạn quan tâm

Thu Hoạch Tôm Công Nghiệp Thu Hoạch Tôm Công Nghiệp

Đến thời điểm này, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có trên 280 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, với hơn 570 hộ thực hiện. Hiện nay, nhiều hộ dân đang bắt tay vào thu hoạch, năng suất bình quân 5 tấn/ha. Hiện giá tôm sú và tôm thẻ ở mức cao, hầu hết bà con đều có lợi nhuận khá.

19/10/2013
Hướng Đi Nào Cho Người Nuôi Tôm Hùm Lồng? Hướng Đi Nào Cho Người Nuôi Tôm Hùm Lồng?

Mặc dù đã di dời lồng bè về khu quy hoạch C1, nhưng hầu hết người nuôi tôm hùm vẫn không thể bám trụ, ổn định sản xuất được. Tìm hướng đi phù hợp để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững là vấn đề nan giải hiện nay.

19/10/2013
Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng? Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng?

9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.

20/10/2013
Ba Lần Xuống Giống 3 Lần Mất Ba Lần Xuống Giống 3 Lần Mất

Bão số 8 chưa khắc phục xong hậu quả, bão số 10 lại ập đến, bao mất mát, nước mắt, nghẹn đắng. Cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt sẻ chia từng ngày lương, gói mỳ thì bão số 11 tiếp tục hoành hành cướp đi sản nghiệp của hàng ngàn gia đình miền Trung. Bão lũ liên miên, miền Trung chìm trong biển nước…

20/10/2013
An Giang: Mùa Cá Đồng An Giang: Mùa Cá Đồng

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.

20/10/2013