Nông Dân Đang Kết Với Cây Khoai Lang
Tại một số địa phương chuyên canh về cây lúa của huyện Krông Ana (Dak Lak), hiện người dân đã chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng khoai lang với lý do: lợi nhuận sau khi trừ chi phí cao hơn hẳn trồng lúa…
Những ngày này, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyến ở đội 2, thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăn (huyện Krông Ana) tất bật với việc thu hoạch 4 sào khoai lang. Nhìn những dây khoai sai củ, bà con xóm giềng đến xem ai cũng xuýt xoa và mừng cho vợ chồng bà. Bà Tuyến cho biết: Đây là vụ khoai đầu tiên gia đình trồng.
Trước đây 4 sào ruộng này, bà trồng lúa nhưng do chân ruộng cao, thiếu nước nên năng suất cũng bị ảnh hưởng. Lâu nay, mấy người em của bà ở huyện Krông Nô (tỉnh Dak Nông) khuyên bà chuyển sang trồng khoai lang sẽ thích hợp hơn nhưng vợ chồng bà do dự vì lo không biết bán cho ai và như thế nào. Được anh em tư vấn, vận động nhiệt tình nên đến vụ này, gia đình bà Tuyến mạnh dạn chuyển đổi sang trồng khoai.
Khoai đến kỳ thu hoạch, có tư thương đến trả 6.700 đồng/kg, bà quyết định bán. Bà nhẩm tính, với 4 sào khoai lang, sản lượng cũng phải được 10 tấn, cao gấp 2,5 lần sản lượng trung bình tính trên 1 ha mà một số bà con xung quanh đã làm. Sau khi trừ chi phí, bà Tuyến lãi 40 triệu đồng, tính ra thì lãi nhiều so với lúa vì những mùa trước, trên diện tích này, vụ nào năng suất cao lắm cũng chỉ lãi 15 triệu đồng.
Không riêng bà Tuyến, nhiều gia đình ở thôn Buôn Triết đã và đang rất hào hứng với cây khoai lang. Bà Nguyễn Thị Vân, thôn phó thôn Buôn Triết cho hay: Buôn Triết là cánh đồng lớn nhất của xã Dur Kmăn, với diện tích khoảng 600 ha, trước đây chuyên canh trồng lúa nhưng 2 năm nay thấy các địa phương lân cận trồng khoai lang Nhật có hiệu quả nên bà con cũng đã chuyển đổi một số diện tích lúa ở chân ruộng cao, có chất đất pha cát sang trồng khoai. Hiện diện tích trồng khoai đã lên đến con số 70 ha.
Tại một số chân ruộng cao, nông dân đã chuyển đổi từ lúa sang trồng khoai lang.
Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2013-2014, huyện Krông Ana gieo trồng 6.350 ha, trong đó riêng đối với cây khoai lang là 15 ha, với sản lượng dự tính đạt 150 tấn. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến thời điểm này, người dân đã trồng 134 ha, đạt 893% so với kế hoạch.
Đây có thể nói là con số tăng đột biến, bởi so với vụ đông xuân 2012-2013, diện tích trồng khoai lang chỉ xoay quanh mức 10-13 ha. Ngay như tại địa bàn xã Dur Kmăn, cũng trong vụ đông xuân trước, diện tích khoai lang hầu như không có, nhưng hiện có thể coi là địa phương có diện tích khoai lang nhiều nhất huyện. Một trong những lý do chính để người dân có sự chuyển đổi này là trồng khoai có lãi hơn trồng lúa.
Họ làm một phép tính như sau: Cùng thời gian canh tác nhưng lợi nhuận trồng lúa sau khi trừ chi phí, cao nhất chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, trong khi khoai lang là 40 triệu đồng/ha. Còn trả lời cho câu hỏi bài toán “đầu ra” của sản phẩm, bà con cho rằng, những địa bàn lân cận như các huyện Dak Song, Krông Nô của tỉnh Dak Nông, nông dân đã trồng khoai lang Nhật được 5, 6 năm nay, diện tích rất lớn và đầu ra vẫn tương đối ổn định, trong khi diện tích của mình chưa nhiều nên cũng không quá lo.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Vinh, một tiểu thương đi thu mua khoai đến từ tỉnh Lâm Đồng thì được biết, hầu hết số khoai lang sau khi thu mua được xuất khẩu sang Nhật Bản. Tiêu chuẩn xuất khẩu cũng khá chặt chẽ: khoai phải được rửa sạch, phân loại, đóng gói, hạn chế khoai bị trầy xước vỏ. Chính vì vậy khi nông dân thu hoạch cũng nên chú ý nếu không sẽ làm giảm phẩm cấp của khoai
Dù cây khoai lang đang có lợi thế nhưng theo khuyến cáo của cán bộ ngành Nông nghiệp huyện, bà con không nên chạy theo phong trào, chuyển đổi ồ ạt. (Trong ảnh: Thu hoạch khoai lang tại gia đình bà Tuyến ở thôn Buôn Triết).
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập là đòi hỏi thiết yếu, chính đáng của người nông dân. Tuy nhiên, ông Võ Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana khuyến cáo: Địa phương đã có quy hoạch vùng trong sản xuất, cụ thể: đối với những chân ruộng cao, thường bị thiếu hụt về nguồn nước thì trồng màu; chân ruộng trũng, bảo đảm nước thì trồng lúa.
Hiện cây khoai lang đang có lợi thế nhưng không vì vậy mà bà con chạy đua theo phong trào rồi chuyển đổi ồ ạt, gây hiệu ứng dư thừa, “cung” nhiều hơn “cầu”, làm đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn. Khi chuyển đổi cần có sự tính toán kỹ, xem xét, tham vấn về kỹ thuật, điều kiện thổ nhưỡng, địa hình phù hợp để hạn chế rủi ro.
Related news
Ngày 13/10, Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Darmin Nasution cho biết quốc gia này đang thảo luận với Việt Nam và Thái Lan về khả năng nhập khẩu gạo từ hai nước trên nhằm ứng phó với tác động của hiện tượng El Nino.
Mới qua 3/4 thời gian đã thấy rõ “đích” xuất nhập khẩu (XNK) cả năm 2015. Sự phục hồi của nền kinh tế khá thuyết phục với mức tăng GDP 9 tháng đạt 6,5%- cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. Môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đem về hàng tỷ USD mỗi năm nhưng hiện nay điều bất ổn là không ít DN thủy sản vẫn thường xuyên phải nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến. Tình trạng này vừa khiến DN bị động vừa có thể gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự linh hoạt được coi là ưu điểm quan trọng sẽ giúp khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tận dụng cơ hội tại sân chơi mới TPP.
Hội nhập càng sâu với thế giới, hàng Việt càng nguy cơ bị cạnh tranh nhiều, nhưng công cụ phòng vệ thương mại vẫn ít được doanh nghiệp dùng.