Nỗi niềm mùa vải chín
Đến vùng quê Đồng Hỷ vào giữa tháng 6, chúng tôi dễ dàng bắt gặp màu đỏ tươi rói của quả vải nổi bật trên nền xanh ngắt của những vòm cây. Giống vải của Đồng Hỷ chủ yếu là giống có nguồn gốc từ huyện Thanh Hà, Hải Dương và cây vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang được trồng nhiều tại các vùng như: Khe Mo, Văn Hán, Hóa Trung, Hợp Tiến, Tân Lợi, Nam Hòa... Quả vải chín có màu đỏ, mùi thơm nhẹ, cùi dầy, tuy căng mọng nhưng khi bóc vỏ không dính nước, vị ngon ngọt thanh mát... Nhưng vị thơm ngon và sắc hương ấy vẫn chưa giúp người nông dân tìm được hướng đi để thoát cảnh giá bán rẻ, đầu ra bấp bênh.
Trong khu vườn của gia đình ông Diệp Văn Bảy, xóm Quang Trung, xã Nam Hòa, cây vải nào quả cũng sai lúc lỉu, như kéo cả cành cây sà xuống đất. Ông Bảy chia sẻ: Năm nay cây vải được mùa dù thời tiết có lúc thất thường. Nhà tôi có gần 100 gốc vải, chia thành 2 vườn, trong đó 1 vườn đã thu hoạch xong, đây là vườn vải thứ 2 cũng đang chuẩn bị thu hoạch tiếp. Hiện, giá trung bình vải thiều bán tại vườn chỉ được 4 nghìn đồng/kg. Vì giá thấp quá, nên gia đình tôi đành lặn lội tự mình chở vải ra chợ Túc Duyên bán thì được khoảng 8 đến 10 nghìn đồng/kg.
Nhưng mang đi tiêu thụ cũng rất khó khăn, mỗi ngày chúng tôi đều dậy từ 2 giờ sáng, mang vải chín đã bó gọn thành từng túm đi, chở vải quanh chợ, chờ tìm được người mua, có hôm đến trưa vẫn còn nhiều quá, đành bán tống bán tháo cho các tiểu thương. Ông chia sẻ thêm, vụ vải thường ngắn ngày, lúc vải bắt đầu chín rộ phải thu hoạch nhanh (trong vòng 15 ngày), nếu hái không kịp quả vải sẽ bị cay, mầu bị thâm và rất khó bán. Vì vậy, ở đợt thu hoạch lần thứ nhất, gia đình ông đã phải thuê thêm nhân công, sau khi trừ đi chi phí thì chẳng còn được bao nhiêu.
Cùng gặp khó khăn về đầu ra như gia đình ông Diệp Văn Bảy, các hộ trồng vải trên địa bàn huyện Đồng Hỷ năm nay và nhiều năm trước đều ở trong hoàn cảnh được mùa mà vẫn không vui vì giá vải quá thấp và khó bán. Để được giá cao hơn 1 chút, người dân chỉ có cách tập trung hết nhân lực thu hái và chở ra chợ đầu mối Túc Duyên để bán. Nếu ở xa, không mang được tới các chợ thì đành chịu thiệt, tiếc rẻ nhìn vải chín rụng đỏ gốc. Gia đình ông Liễu Văn Sinh, ở xóm Na Tiếm, xã Tân Lợi là một ví dụ.
Ông Sinh chia sẻ: Gia đình tôi có 3ha trồng vải, mỗi năm thu hoạch khoảng gần 4 tấn quả. Nhà ở xa chợ Túc Duyên, neo người nên không thu hoạch và đi bán kịp, có năm đành để rụng đầy vườn thu nhập từ trồng vải cũng chẳng được là bao. Vì vậy, dù đã cất công đi nhiều nơi học tập về kỹ thuật trồng vải thiều và gia đình có nhiều cây vải đang trong tầm tuổi ra quả tốt nhưng gia đình tôi đang tính toán để thay thế bằng cây keo may ra hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT Đồng Hỷ, năm 2015, với diện tích trên 750ha, tổng sản lượng vải thiều của huyện ước đạt trên 3,3 nghìn tấn quả tươi, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Được mùa, nhưng qua câu chuyện với bà con, chúng tôi thường gặp một nỗi trăn trở đó là không biết có nên tiếp tục trồng vải nữa hay không? Bởi vì, phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, người nông dân mới trồng được những vườn vải tươi tốt, trĩu nặng quả. Nhưng khi vải đến thời kỳ thu hoạch thì không có thị trường tiêu thụ, giá bán xuống quá thấp, có lúc chỉ còn 3 nghìn đồng/kg.
Trăn trở như thế, nhưng vì tiếc những cây vải tươi tốt và những kỹ thuật trồng vải đã tích lũy được bao năm nay nên phần lớn người dân ở đây vẫn chọn cách tiếp tục gắn bó với cây vải. Họ hy vọng năm sau giá vải sẽ tăng hoặc đầu ra ổn định hơn. Họ đều trông chờ chính quyền các cấp chủ động triển khai nhiều biện pháp tiêu thụ vải thiều ở các thị trường, đồng thời giúp bà con nông dân về công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản từ đó họ tiếp tục gắn bó với cây vải quê mình
Có thể bạn quan tâm
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trông chờ vào cây lúa nước. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Nguyễn Văn Hải (xóm Đằm, xã Dân Chủ, thành phố Hoà Bình) luôn lung nấu trong đầu ý tưởng về phát triển kinh tế gia đình để làm sao thoát nghèo.
Ngày 09/10/2013, Phòng Nông nghiệp huyện Càng Long (Trà Vinh) kết hợp với xã Nhị Long Phú tổ chức Hội thảo Mô hình thí điểm trồng khổ qua theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả năng suất cao của anh nông dân Châu Văn Hòa, cư ngụ ấp Hiệp Phú xã Nhị Long Phú. Có 30 bà con nông dân địa phương đến tham dự.
Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Hội Phụ nữ huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã triển khai mô hình trồng gấc cho các hội viên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, gần 2 ha mặt nước được dùng để nuôi cá, còn lại diện tích trên bờ trồng cây ăn quả như: vải, nhãn... Đầu năm 2009, nhận thấy những cây trồng nêu trên không còn cho giá trị kinh tế cao như trước, bác Thanh đã phá bỏ và chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ giống Đài Loan (nhập ở Quảng Ninh).
Tính đến ngày 30/5, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 13.500 tấn vải thiều chín sớm, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải sớm của tỉnh.