Giống Lúa ĐT34 Cho Năng Suất Hơn 80 Tạ/ha
Sau 3 năm được khảo nghiệm tại Quảng Ngãi, thực tế sản xuất thấy, giống lúa ĐT34 có nhiều triển vọng, ưu thế vượt trội về năng suất cũng như phẩm chất gạo.
Vụ đông xuân 2012-2013, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn đã triển khai mô hình sản xuất trình diễn giống lúa mới ĐT34 tại 5 địa điểm: HTX Khánh Thành (Sơn Tịnh), HTX Bồ Đề, HTX thị trấn Mộ Đức, HTX Vĩnh Trường và Trạm Giống Đức Hiệp.
ĐT34 được canh tác theo quy trình kỹ thuật là đất được cày bừa kỹ, lượng giống gieo sạ là 4kg/sào, lượng phân bón từ 350-500kg phân chuồng, 20-25kg lân, 12-14kg urê, 6-7kg Kali, chia làm 4 lần bón, trong đó có 3 lần bón chính, kết hợp với thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh.
Kết quả so với giống đối chứng ĐV108, ĐT34 có nhiều ưu điểm vượt trội như: Thời gian sinh trưởng dài hơn từ 3-5 ngày; chiều cao cây hơn từ 15-21 cm; số hạt/bông cao hơn từ 9,3-24,8 hạt/bông và trọng lượng 1.000 hạt hơn 6-6,4 gam.
Đặc biệt, so với giống đối chứng, ĐT 34 gieo sạ trên đất chân vàng cho năng suất vượt trội từ 80,8-82,5 tạ/ha, khả năng thích ứng tốt trên các vùng sản xuất từ chân đất cát pha đến chân cao hay chân vàng thấp.
Qua thực tế sản xuất thử ở các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định cho thấy, giống ĐT34 có thời gian sinh trưởng 108-110 ngày, tùy theo vụ và vùng gieo sạ, cây cứng, chống đổ ngã tốt, đẻ nhánh to khỏe; gạo cho cơm ngon mềm và mùi thơm nhẹ.
Theo ông Đoàn Văn Nhân- Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi, ĐT34 có nhiều ưu điểm vượt trội cả năng suất lẫn chất lượng gạo, phù hợp với cả vụ đông xuân và hè thu. Tuy vậy, điểm yếu của giống lúa này là dễ nảy mầm trên hạt nên Trung tâm sẽ chọn dòng, phục tráng và có những khuyến cáo cụ thể khi đưa vào sản xuất đại trà.
Có thể bạn quan tâm
Theo tính toán của Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT, tới đây, sẽ có 4.000 tỷ đồng hỗ trợ người trồng lúa. Khoản chi này sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước hàng năm để giúp người trồng lúa theo nghị định số 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
Nhiều năm trước, cũng như nhiều người dân địa phương, gia đình ông Bùi Đức Công ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chỉ trồng những loại cây ăn trái giống cũ nên năng suất và thu nhập thấp. Kể từ khi ông áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng phù hợp bằng những loại giống cây trồng mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần.
Từ nhiều năm nay, bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An …và một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ đã phấn khởi nhờ trồng ớt chỉ thiên mang lại hiệu quả đáng kể. Mặc dù, hiện nay giá ớt trên thị trường đôi lúc biến động, nhưng đa số bà con đều thu nhập cao hơn so với trồng lúa.
Nuôi tôm nước lợ và trồng lúa cao sản được Trung tâm KN- KN Cà Mau xác định là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà. Vì vậy đã tập trung đầu tư phát triển mạnh hai lĩnh vực này và mang lại hiệu quả cao.
Theo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, gần một tuần nay, trung bình mỗi ngày có từ 200 đến 250 tấn quả vải tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai sang thị trấn Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc) và đi sâu vào thị trường nội địa của Trung Quốc.