Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗi Lo Từ Một Dự Án Rau Sạch

Nỗi Lo Từ Một Dự Án Rau Sạch
Ngày đăng: 01/08/2014

Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (còn gọi là QSEAP), tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng, trong đó khoảng 66 tỷ đồng là vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Sở NN&PTNT Đà Nẵng triển khai đầu năm 2010.

Đây là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất kể từ trước đến nay trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đà Nẵng. Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào năm 2015, khi 5 vùng rau an toàn (Hòa Vang: 4 vùng 57,7ha, Cẩm Lệ 1 vùng 7ha) phát huy tối đa hạ tầng đã xây dựng và tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao, sản xuất ra nhiều rau chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với những gì đã và đang diễn ra tại các vùng rau cho thấy việc sản xuất rau an toàn đang hết sức nan giải. Và đây đang là nỗi lo nhất về tính hiệu quả của dự án.

Cơ sở hạ tầng vùng rau hoàn thiện

Để dự án triển khai đúng kế hoạch và đạt mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT thành lập Ban quản lý gồm 4 cán bộ, do một phó giám đốc sở làm trưởng ban.

Tham gia dự án là Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm, Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang và chính quyền cũng như HTX của 5 địa phương, gồm các xã: Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ).

Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai, gần như toàn bộ hạ tầng các vùng rau, bao gồm các hạng mục: đường giao thông nội đồng, hệ thống tưới, nhà lưới, nhà sơ chế sản phẩm, hệ thống cấp điện lưới… đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác.

Tổng vốn đầu tư cho hạng mục này khoảng hơn 50 tỷ đồng. Cùng theo đó, 71 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác các loại rau đã triển khai với 1.898 lượt nông dân tham dự. Kinh phí cho khâu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật này đến cuối năm 2013 đã là 1,05 tỷ đồng.

Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập huấn kỹ thuật chu đáo, nhưng liệu các vùng rau này có làm ra nhiều rau an toàn như mục tiêu đề ra? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã về 5 vùng rau của dự án và nhận thấy, việc sản xuất rau chưa có gì chuyển biến so các năm trước.

Nói đúng hơn, sản phẩm từ các vùng rau này còn quá ít ỏi, nếu như không muốn nói chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu tại chỗ. Trong lúc đó, với khí hậu và thổ nhưỡng ở Đà Nẵng, các loại rau xanh không chỉ dễ trồng mà luôn cho năng suất cao.

Sản xuất chưa xứng với đầu tư

Trong số 5 vùng rau của dự án, tại thời điểm này, vùng rau La Hường (7ha), ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), vùng rau Hồ Bún (6ha) ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang đang được sản xuất khá bài bản, lượng rau đưa ra thị trường tuy không lớn, song ngày nào cũng có bán.

3 vùng rau còn lại là vùng rau 9ha ở xã Hòa Nhơn, 13ha ở xã Hòa Khương và 15,7ha ở xã Hòa Tiến, kiếm mớ rau ngon không dễ.

Tại vùng rau ở thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, các bể nước hoàn thành đã lâu, song chưa một lần sử dụng, bởi phần lớn diện tích quy hoạch trồng rau tại đây đang trồng mè. Khu vực trồng rau gần 1ha, nhà lưới đã phủ kín, nhưng các loại rau khá èo uột, hoặc mới xuống giống. Một số luống rau muống và dền đỏ do chăm bón không đến nơi đến chốn nên còi cọc.

Ông Lê Năm, cán bộ thuộc Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, đứng chân chỉ đạo sản xuất tại vùng rau này, cho biết: Mới là bước khởi đầu. Còn gian nan lắm mới đạt mục tiêu đề ra. Hiện tại hướng dẫn nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap.

Còn ông Nguyễn Thế Huỳnh, nông dân sản xuất 2 sào rau, cho hay trồng rau thu nhập cao hơn đậu mè. Từ năm ngoái đến nay sản xuất được 3 lứa. Tuy vậy, để trồng cho bài bản phải còn lâu, bởi bà con ít tâm huyết với cây rau vì sản phẩm làm ra tiêu thụ không dễ.

Vùng rau Cẩm Nê, xã Hòa Tiến nhiều tuần nay không một bóng người. Nói đúng hơn, đây chưa phải là vùng rau, bởi từ trước đến nay chưa hề có một luống rau.

Có chăng, tại đó một số thửa trồng mè đã thu hoạch. Ngôi nhà sơ chế sản phẩm chơ vơ giữa đồng vắng, không ai quản lý, một số hạng mục đã xuống cấp. Vùng rau ở Phú Sơn 2, xã Hòa Khương có khá hơn chút ít, tại khu vực lắp đặt nhà lưới đã triển khai sản xuất, nhưng xem ra để có nhiều rau an toàn tại đây còn xa vời.

Xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người trồng rau không khó. Cái khó nhất là biến các vùng rau có hạ tầng cơ sở hoàn thiện này làm ra nhiều sản phẩm.

Với những gì đã và đang diễn ra tại các vùng rau cho thấy, việc sản xuất rau an toàn đang hết sức nan giải. Và đây đang là nỗi lo lớn nhất về tính hiệu quả của dự án. Ban Quản lý dự án QSEAP, Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, chính quyền các địa phương có vùng rau đều nhận thấy thực trạng này.

Ông Lê Đình Ca, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, cho rằng xây dựng đội ngũ trồng rau chuyên nghiệp, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của các vùng rau. Cùng theo đó, huyện sẽ thu hút và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại các vùng rau của dự án.

Làm gì để các vùng đã xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện sản xuất ra nhiều rau chất lượng cao? Đây là bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp thành phố, cần có lời giải kịp thời. Nếu chậm phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng đã xây dựng, chắc chắn những hạng mục đã có sẽ xuống cấp và sẽ lãng phí như dự án rau an toàn ngành đã triển khai cách đây hơn 10 năm.


Có thể bạn quan tâm

Triển Khai Đề Án Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Triển Khai Đề Án Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp vừa phối hợp với UBND huyện Tân Hồng tổ chức triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn; thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn huyện.

18/08/2014
Giá Bò Giống Tăng Và Nguồn Thức Ăn Của Bò Ít Dần Giá Bò Giống Tăng Và Nguồn Thức Ăn Của Bò Ít Dần

Tận dụng phụ phẩm từ vùng chuyên canh lúa, hoa màu (rơm, rạ, thân cây bắp...), để phát triển nghề nuôi bò vỗ béo là mô hình mang lại hiệu quả khá cao. Theo Trạm Thú y huyện Lấp Vò, trong vài năm trở lại đây, số đàn bò ở huyện không ngừng tăng lên. Hiện toàn huyện có gần 3.000 con bò.

18/08/2014
Hỗ Trợ Đồng Bào Khmer Thoát Nghèo Hỗ Trợ Đồng Bào Khmer Thoát Nghèo

Trong nhiều năm qua, các chính sách chăm lo cho hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer nghèo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ quan tâm.

18/08/2014
Ghi Nhận Từ Mô Hình Nuôi Chim Trĩ Ghi Nhận Từ Mô Hình Nuôi Chim Trĩ

Những năm gần đây, phong trào nuôi động vật hoang dã của người dân trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phát triển. Cùng với các hộ dân nuôi chồn hương, nhím, dúi, heo rừng lai…, anh Đặng Quang Minh (ở thôn 1, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) lại chọn cho mình một hướng đi khác, đó là nuôi chim trĩ. Bước đầu mô hình này đã và đang phát triển tốt.

18/08/2014
Phá Thế Độc Canh Nhờ Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Phá Thế Độc Canh Nhờ Nông Nghiệp Công Nghệ Cao

Lâu nay, nông dân ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương thường độc canh với những loại rau truyền thống tại địa phương nên phải chịu cảnh “Được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nhiều hộ hiện nay đã mạnh dạn áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phá thế độc canh trong nông nghiệp.

18/08/2014