Nỗi Lo Từ Một Dự Án Rau Sạch
Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (còn gọi là QSEAP), tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng, trong đó khoảng 66 tỷ đồng là vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Sở NN&PTNT Đà Nẵng triển khai đầu năm 2010.
Đây là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất kể từ trước đến nay trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đà Nẵng. Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào năm 2015, khi 5 vùng rau an toàn (Hòa Vang: 4 vùng 57,7ha, Cẩm Lệ 1 vùng 7ha) phát huy tối đa hạ tầng đã xây dựng và tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao, sản xuất ra nhiều rau chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với những gì đã và đang diễn ra tại các vùng rau cho thấy việc sản xuất rau an toàn đang hết sức nan giải. Và đây đang là nỗi lo nhất về tính hiệu quả của dự án.
Cơ sở hạ tầng vùng rau hoàn thiện
Để dự án triển khai đúng kế hoạch và đạt mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT thành lập Ban quản lý gồm 4 cán bộ, do một phó giám đốc sở làm trưởng ban.
Tham gia dự án là Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm, Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang và chính quyền cũng như HTX của 5 địa phương, gồm các xã: Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ).
Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai, gần như toàn bộ hạ tầng các vùng rau, bao gồm các hạng mục: đường giao thông nội đồng, hệ thống tưới, nhà lưới, nhà sơ chế sản phẩm, hệ thống cấp điện lưới… đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác.
Tổng vốn đầu tư cho hạng mục này khoảng hơn 50 tỷ đồng. Cùng theo đó, 71 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác các loại rau đã triển khai với 1.898 lượt nông dân tham dự. Kinh phí cho khâu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật này đến cuối năm 2013 đã là 1,05 tỷ đồng.
Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập huấn kỹ thuật chu đáo, nhưng liệu các vùng rau này có làm ra nhiều rau an toàn như mục tiêu đề ra? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã về 5 vùng rau của dự án và nhận thấy, việc sản xuất rau chưa có gì chuyển biến so các năm trước.
Nói đúng hơn, sản phẩm từ các vùng rau này còn quá ít ỏi, nếu như không muốn nói chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu tại chỗ. Trong lúc đó, với khí hậu và thổ nhưỡng ở Đà Nẵng, các loại rau xanh không chỉ dễ trồng mà luôn cho năng suất cao.
Sản xuất chưa xứng với đầu tư
Trong số 5 vùng rau của dự án, tại thời điểm này, vùng rau La Hường (7ha), ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), vùng rau Hồ Bún (6ha) ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang đang được sản xuất khá bài bản, lượng rau đưa ra thị trường tuy không lớn, song ngày nào cũng có bán.
3 vùng rau còn lại là vùng rau 9ha ở xã Hòa Nhơn, 13ha ở xã Hòa Khương và 15,7ha ở xã Hòa Tiến, kiếm mớ rau ngon không dễ.
Tại vùng rau ở thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, các bể nước hoàn thành đã lâu, song chưa một lần sử dụng, bởi phần lớn diện tích quy hoạch trồng rau tại đây đang trồng mè. Khu vực trồng rau gần 1ha, nhà lưới đã phủ kín, nhưng các loại rau khá èo uột, hoặc mới xuống giống. Một số luống rau muống và dền đỏ do chăm bón không đến nơi đến chốn nên còi cọc.
Ông Lê Năm, cán bộ thuộc Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, đứng chân chỉ đạo sản xuất tại vùng rau này, cho biết: Mới là bước khởi đầu. Còn gian nan lắm mới đạt mục tiêu đề ra. Hiện tại hướng dẫn nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap.
Còn ông Nguyễn Thế Huỳnh, nông dân sản xuất 2 sào rau, cho hay trồng rau thu nhập cao hơn đậu mè. Từ năm ngoái đến nay sản xuất được 3 lứa. Tuy vậy, để trồng cho bài bản phải còn lâu, bởi bà con ít tâm huyết với cây rau vì sản phẩm làm ra tiêu thụ không dễ.
Vùng rau Cẩm Nê, xã Hòa Tiến nhiều tuần nay không một bóng người. Nói đúng hơn, đây chưa phải là vùng rau, bởi từ trước đến nay chưa hề có một luống rau.
Có chăng, tại đó một số thửa trồng mè đã thu hoạch. Ngôi nhà sơ chế sản phẩm chơ vơ giữa đồng vắng, không ai quản lý, một số hạng mục đã xuống cấp. Vùng rau ở Phú Sơn 2, xã Hòa Khương có khá hơn chút ít, tại khu vực lắp đặt nhà lưới đã triển khai sản xuất, nhưng xem ra để có nhiều rau an toàn tại đây còn xa vời.
Xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người trồng rau không khó. Cái khó nhất là biến các vùng rau có hạ tầng cơ sở hoàn thiện này làm ra nhiều sản phẩm.
Với những gì đã và đang diễn ra tại các vùng rau cho thấy, việc sản xuất rau an toàn đang hết sức nan giải. Và đây đang là nỗi lo lớn nhất về tính hiệu quả của dự án. Ban Quản lý dự án QSEAP, Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, chính quyền các địa phương có vùng rau đều nhận thấy thực trạng này.
Ông Lê Đình Ca, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, cho rằng xây dựng đội ngũ trồng rau chuyên nghiệp, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của các vùng rau. Cùng theo đó, huyện sẽ thu hút và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại các vùng rau của dự án.
Làm gì để các vùng đã xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện sản xuất ra nhiều rau chất lượng cao? Đây là bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp thành phố, cần có lời giải kịp thời. Nếu chậm phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng đã xây dựng, chắc chắn những hạng mục đã có sẽ xuống cấp và sẽ lãng phí như dự án rau an toàn ngành đã triển khai cách đây hơn 10 năm.
Related news
Trước tình trạng đất cát, nhiễm phèn ảnh hưởng đến năng suất lúa của nông dân, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đông Hòa đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao cho nông dân ở Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Xuân Tây 2 (HTX Hòa Xuân Tây 2) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau vài năm làm thuê cho các trại nấm, anh nông dân từng “ở nhà lá, thắp đèn dầu” Lương Văn Nguyện (ảnh) quyết định vay vốn mở một trại nấm nhỏ với quy mô hộ gia đình.
Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có 275ha lúa Hè thu bị bệnh bạc lá tấn công, tăng 104ha so với thời điểm cuối tháng 6, với tỷ lệ ảnh hưởng từ 10-20%. Nguyên nhân là do đợt mưa dầm vừa qua làm cho ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh và có khả năng gia tăng thêm diện tích trong thời gian tới, bởi hiện nay đang bước vào đầu mùa mưa.
Chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây, giá chuối giảm liên tục đã gây khó khăn cho bà con nông dân.
Lao động cật lực để kiếm được ít đất bưng nhưng lại không thuận lợi cho việc trồng hoa màu. Ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã tìm đến cây măng cụt, kết quả là cây măng cụt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.