Nợ Ngân Hàng Chồng Chất Vì Gà Đồi Yên Thế
Việc ký kết đưa mặt hàng này về tiêu thụ tại Hà Nội đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi ở Yên Thế (Bắc Giang) hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, đến nay không ít hộ nuôi đã phải cầm cố sổ đỏ, nợ ngân hàng chồng chất, vì thua lỗ.
Trên địa bàn huyện Yên Thế có 2 chi nhánh cấp 3 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và một chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Chỉ tính riêng chi nhánh Agribank đóng tại thị trấn Cầu Gồ đến thời điểm này dư nợ cho vay nuôi gà lên đến 90 tỷ đồng, trong đó có 6 tỷ đồng là nợ xấu. Theo lãnh đạo đơn vị này, nếu giá gà không lên, người dân không có hướng làm ăn mới thì trong một thời gian ngắn, sẽ có thêm một lượng rất lớn nữa nằm trong diện nợ xấu.
Trước đó, vào cuối năm 2012, Hà Nội và Bắc Giang có chương trình ký kết tiêu thụ 5 triệu con gà đồi Yên Thế. Do gần đến dịp Tết Nguyên đán nên phía Bắc Giang đồng loạt triển khai các công việc như mở rộng quy mô chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đưa ra các phương án như dán tem, kẹp chì trong các lồng gà, xe gà chở về Hà Nội; phối hợp với các địa phương kiểm soát gà nhập lậu từ biên giới về…
Còn Hà Nội chỉ đạo các siêu thị, chợ đầu mối trong việc phối hợp đưa gà đồi Yên Thế vào tiêu thụ để người dân thủ đô dùng gà sạch. Sự kiện đó cũng được đề cập trong cả nghị trường kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Giá mặt hàng này dịp áp Tết Nguyên đán 2013 có lúc lên đến 70.000 – 80.000 đồng một kg gà lông. Mức giá đó duy trì được cho người chăn nuôi có lãi đến khoảng hết tháng 2 âm lịch thì bắt đầu cầm chừng và giá xuống dần. Người chăn nuôi vẫn tiếp tái đàn, đầu tư cho con gà với kỳ vọng cuối năm 2013 không chỉ có chương trình 5 triệu con mà biết đâu sẽ nhiều hơn thế. Người nuôi gà ở Yên Thế rất háo hức khi mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư tái đàn.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2013 đến tháng 2 năm nay giá gà liên tục giảm. Người nuôi gà Yên Thế cứ tuột dốc mãi từ lứa gà này đến lứa gà khác. Không ít hộ nuôi gà đã phải cầm cố sổ đỏ, nợ ngân hàng chồng chất vì thua lỗ. Nhiều gia đình đã để chuồng không.
Bản Diễn, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế có 142 hộ dân. Một năm về trước, số hộ nuôi gà thường duy trì từ 100 đến 132 hộ. Nhà nuôi ít cũng phải 1.000 con mỗi lứa, hộ nuôi nhiều cũng 2.000 đến 3.000 con. Mỗi năm, số hộ nuôi gối vụ cũng phải 3 lứa gà. Tuy nhiên, chỉ sau 8 tháng giá gà liên tục rớt thê thảm thì số hộ nuôi gà ở bản chỉ còn 3 hộ, mỗi hộ nuôi 500 con.
Vợ chồng ông Mai Văn Độ và bà Triệu Thị Hoa là hộ nuôi gà đầu tiên của bản nhưng đang rơi vào thế bế tắc. Chuồng trại bỏ không, nợ xấu ngân hàng, tiền cám không trả được. Tổng dư nợ cả ngân hàng và tiền cám hiện nay của gia đình ông bà là 210 triệu đồng.
Bà Hoa bảo, gần một năm nay, gia đình không thể trả được một đồng tiền lãi nào chứ đừng nói gì đến nợ gốc. Người bán cám cũng đòi tiền lãi nhưng bà bảo, nợ gốc còn chưa trả được thì tính gì đến lãi. Các con của ông bà lớn lên lập gia đình, sinh con rồi nhờ ông bà trông nom. Vợ chồng trẻ dìu dắt nhau lên thành phố làm thuê ở các xí nghiệp may mặc.
Ông Độ cho biết, năm 2008, gia đình nuôi gà có lãi. Tuy nuôi ít nhưng khi đó gà được giá nên từ chỗ nuôi mỗi lứa 500 con, ông đã tăng lên 2.000-3.000 con. Đến năm 2010, khi nhiều hộ trong bản tham gia nuôi gà thì giá cám bắt đầu tăng cao liên tục. Cùng với đó, việc chăn nuôi ồ ạt, công tác kiểm soát dịch bệnh cho đàn vật nuôi có phần lỏng lẻo nên một vài trận dịch cúm gia cầm đã cướp đi hàng ngàn con gà của nhiều gia đình trong bản.
Theo ông Độ, có những hôm sáng mai ngủ dậy ra chuồng cho gà ăn đã thấy cả đàn gà ngàn con chết lăn lóc. Hai vợ chồng ông gánh hàng tấn gà đi chôn.
“Nhiều người vẫn cứ thế đổ xô nuôi, đến khi giá rớt mạnh, lỗ triền miên, nợ cũ, nợ mới đều không trả được cho ngân hàng, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán, bỏ làng bản phiêu bạt vào Nam, lên biên giới kiếm kế sinh nhai”, ông Độ thở dài.
Trong mấy chục hộ dân nợ ngân hàng và nợ tiền cám ở bản Diễn, hộ ít cũng xấp xỉ 100 triệu đồng, hộ nhiều đến 250 triệu. Tất cả đều thuộc vào nhóm nợ xấu. Nhiều gia đình trong bản cửa đóng, then cài suốt hơn một năm nay.
Anh Lý, cán bộ ngân hàng cho hay, họ đi để tránh phần nào sức ép tinh thần về nợ nần và muốn kiếm tiền trả nợ nhưng hơn một năm nay, tiền gốc không ai trả được đồng nào cả. Một số ít chỉ trả được tiền lãi mà thôi.
Gia đình chị Thẩm Thị Loan, chồng mất sớm, cả 3 mẹ con cùng nhau vào miền Nam làm ăn nhưng nợ ngân hàng vẫn treo đó. Hay như vợ chồng anh Đàm Văn Toàn, bí bách quá phải gửi đứa con nhỏ cho ông bà, đứa lớn bỏ học theo bố mẹ vào Nam kiếm sống. Cạnh đó, mẹ con bà Đỗ Thị Đỉnh cũng chạy vào Nam mấy năm nay khi tuổi đã ngoài 50, tiền làm thuê làm mướn vẫn không có đủ để trả nợ nhà băng và đại lý bán cám.
Một số gia đình trong bản lên biên giới Lạng Sơn để làm ăn nhưng sau một vài biến động thì họ lại về quê, trong túi chẳng có một đồng lẻ. Thế là khoản nợ trên 100 triệu cứ treo lơ lửng.
Ông Nông Văn Tâm – Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Yên Thế cho biết: "Từ quý II năm 2013 đến hết quý I năm nay, người nuôi gà ở đây lỗ từ 7.000 đến 10.000 ngàn đồng một kg, tương đương khoảng 12.000 đến 15.000 đồng với mỗi con gà. Đại bộ phận người nuôi gà đều nợ ngân hàng, nợ tiền mua cám ở các đại lý".
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đợt 4.
Cá chết hàng loạt tại các sông, hồ trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây khiến cho nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Vì thế, để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần một kế hoạch quy mô, tầm nhìn dài hạn.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Ninô nên cuối năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 nắng nóng gay gắt trên diện rộng khiến cây trồng, vật nuôi đối mặt với hạn hán. Tuy nhiên, nỗi lo này đã được giải tỏa nhờ những cơn mưa “vàng” vừa qua…
Bước vào vụ hè thu năm nay, tình hình khô hạn tiếp tục diễn ra gay gắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra và đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.
Theo các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, liên tục trong vòng 05 năm qua, giá dừa khô tăng giảm rất bất thường. Thời điểm cao nhất gần 160.000 đồng/chục và thấp nhất “rớt” xuống còn 15.000 - 20.000 đồng/chục.