Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quả Ngọt Trên Vùng Đất Trũng

Quả Ngọt Trên Vùng Đất Trũng
Ngày đăng: 19/07/2013

“Bén duyên” với vùng đất trũng từ năm 2011, mô hình trồng sen lấy hạt được triển khai tại cánh đồng La Băng và Bàu Đan thuộc xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) từ nhiều năm nay đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ nông dân.

Đất trũng… nở hoa

Không khoanh tay đứng nhìn những vùng đất ngập úng bị bỏ hoang, một số hộ nông dân ở xã Hành Thịnh hạ quyết tâm “đánh thức” vùng đất trũng bằng mô hình trồng sen lấy hạt. Những năm trước cánh đồng La Băng và Bàu Đan thuộc xã Hành Thịnh có hơn 20 ha đất ngập úng, bỏ hoang lâu ngày nên cây lục bình xâm lấn mạnh vào ruộng lúa.

Một trong những người “tiên phong” mạnh dạn áp dụng mô hình này là ông Nguyễn Văn Thiên (62 tuổi) cựu chiến binh thôn Đồng Xuân, xã Hành Thịnh. Chỉ tay về phía ruộng sen 2 ha của mình, ông Thiên kể: “Vùng đất này trước kia là “thiên đường” của lục bình, chúng sinh sôi nảy nở với tốc độ nhanh chóng mặt, nếu để loài cây dại này “tự do” phát triển thì trước sau gì những cánh đồng lúa lân cận cũng bị chúng lấn hết.

Thấy vậy, tui vận động thêm một số bà con xin giấy phép của xã rồi tiến hành đắp bờ, nạo vét bùn, dọn cỏ… mua sen giống về trồng. Chỉ sau một năm đã bắt đầu có thu hoạch. Đến bây giờ cây sen trở thành chiếc “cần câu cơm” của gia đình tôi và rất nhiều hộ dân trong xã”.

Nhận thấy đây là một mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ dân trong xã Hành Thịnh đã tìm đến với nghề mới - nghề trồng sen lấy hạt. Đến nay toàn bộ diện tích trồng sen lấy hạt của xã là 25 ha, với 29 hộ dân tham gia trồng, tập trung nhiều nhất ở thôn Xuân Đình. Hầu hết các diện tích ngập úng trong xã điều được người dân tận dụng triệt để để trồng sen.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cây sen còn góp phần chống lại sự xâm lấn của cây lục bình và mai dương vốn rất khó tiêu diệt và đang xâm hại mạnh đến diện tích hoa mùa trên địa bàn tỉnh.

Dễ trồng, thu nhập cao

Cây sen có đặc tính ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng ở những vùng đất ngập úng. Người trồng ít tốn công chăm sóc, tiền vốn đầu tư cũng khá khiêm tốn, nguồn giống dồi dào.

Ông Trương Văn Hàn (59 tuổi) một hộ trồng sen ở thôn Xuân Đình cho hay: Gia đình tôi trồng 3 ha sen. So với các loại cây trồng khác, cây sen mang lại lợi nhuận hơn hẳn. Thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 (dương lịch), cứ 3 ngày thu hoạch 1 lần. Trung bình 1 ha trồng sen, thu hoạch được gần 1 tấn hạt. Với giá bán 32.000 đồng/kg hạt sen như hiện nay, bình quân mỗi năm trừ hết chi phí, thu lãi ròng ngót nghét 100 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với cây lúa.

Đồng quan điểm với ông Hàn, ông Trương Văn Tịnh, một hộ dân trồng sen ở xã Hành Thịnh nhẩm tính: Một sào lúa (500 m2) mỗi năm trồng hai vụ lúa, thu hoạch chừng 3 tạ thóc, với giá bán tại ruộng 3.300 đồng/kg lúa tươi, người trồng lúa chỉ mong được mùa để đủ ăn, chứ không mong có lãi vì chi phí đầu tư cao, giá cả lại bấp bênh.

Để cây sen có thể phát triển tốt trên vùng đất ngập úng, nhiều hộ dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng sen ở đây chia sẻ: Cây sen vốn có đặc tính ưa nước trong, không ưa nước đục. Nếu để nước đục lâu ngày, cây rất dễ chết. Sau khi thu hoạch song phải nhanh chóng hút nước bùn, tỉa những cành lá thối rửa để ngó sen có khoảng trống phát triển.

Ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Thịnh cho biết: Trong nhiều năm qua Trung tâm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành đã mở nhiều lớp tập huấn để giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật trồng sen, đồng thời cung cấp các giống sen cao sản cho bà con nhằm tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế. Vấn đề đầu ra của cây sen được đảm bảo vì có nhiều nơi đăng ký đứng ra bao tiêu sản phẩm. Chỉ cần giá cả ổn định như trong nhiều năm qua, người trồng sen sống khỏe, yên tâm bám nghề làm giàu.


Có thể bạn quan tâm

Giá Cỏ Nhung Tăng Trở Lại Giá Cỏ Nhung Tăng Trở Lại

Sau thời gian giảm giá mạnh, có lúc chỉ còn 8.000 đồng/m2, khiến người trồng cỏ nhung thua lỗ, thì hiện nay giá cỏ nhung tại TP.Sa Đéc đã bắt đầu tăng trở lại. Hiện tại, thương lái đến thu mua cỏ nhung tại vườn với giá 14.000 đồng/m2. Theo một số hộ trồng cỏ nhung, với giá bán hiện tại thì sau khi trừ chi phí, người trồng thu lợi nhuận khoảng 3.000 đồng/m2. Bình quân, cỏ được trồng sau một tháng thì thu hoạch và lợi nhuận trên mỗi công cỏ là khoảng 3 triệu đồng.

22/10/2014
Hỗ Trợ Phát Triển Nhãn Hiệu Nông Sản Hỗ Trợ Phát Triển Nhãn Hiệu Nông Sản

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng quy hoạch chi tiết vùng sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Riêng chủ sở hữu các nhãn hiệu nông sản phải củng cố, sắp xếp lại tổ chức quản lý nhãn hiệu, xây dựng và rà soát lại quy chế, tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất gắn với nhãn hiệu.

22/10/2014
Nông Dân Huyện Lai Vung Trồng Huệ Thu Nhập Kinh Tế Cao Nông Dân Huyện Lai Vung Trồng Huệ Thu Nhập Kinh Tế Cao

Mấy năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, đưa cây màu xuống chân ruộng, nông dân 4 xã: Định Hòa, Phong Hòa, Tân Hòa, Vĩnh Thới của huyện Lai Vung đã chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng màu cho thu nhập kinh tế cao, trong đó huệ trắng là loại cây màu đang được nông dân trồng luân phiên trên chân ruộng với diện tích trên 200ha.

22/10/2014
Trên 220ha Lúa Ở Xã Gáo Giồng Đã Được Liên Kết Bao Tiêu Sản Phẩm Trên 220ha Lúa Ở Xã Gáo Giồng Đã Được Liên Kết Bao Tiêu Sản Phẩm

Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân 2014-2015 Công ty TNHH MTV kinh doanh và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên sẽ ký kết bao tiêu sản phẩm 420ha lúa của 285 xã viên trong Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số 1, xã Gáo Giồng.

22/10/2014
Ban Hành Tiêu Chí Cánh Đồng Mẫu Lớn Ban Hành Tiêu Chí Cánh Đồng Mẫu Lớn

Mô hình cánh đồng lớn tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo. Trên “Cánh đồng lớn” sẽ từng bước dịch vụ hóa các khâu trong sản xuất, từ đầu vào đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ...

22/10/2014