Về Ninh Thuận Học Cách Trồng Nho
Gần 100 năm về trước, khi lần đầu tiên đưa cây nho về trồng thử nghiệm ở Ninh Thuận, chắc chắn người Pháp cũng không thể ngờ được rằng loại cây trồng "khó tính" lại ưa thích và sinh sôi phát triển mạnh mẻ ở vùng đất "đầy nắng lắm gió" này.
Trong đó, nho Ba Mọi được xem là "đặc sản" riêng có, trở thành thương hiệu không chỉ của trang trại, mà còn của cả tỉnh. Vì lẽ đó, mới đây khi ghé Ninh Thuận, chúng tôi đã tìm đến trang trại nho Ba Mọi (thôn Hiệp Hoà, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) để một lần được chiêm ngưỡng, trải nghiệm và khám phá.
Chắc chắn, nếu không có sự giới thiệu của đồng nghiệp ở Báo Ninh Thuận, chúng tôi sẽ không thể ngờ người đàn ông đầu trần, chân đất, dáng chắc nịch, da đen sạm này lại là "ông chủ" vườn nho nổi tiếng khắp nước và là người nông dân tiên phong áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, phát triển thương hiệu trong trồng nho.
Ông là Nguyễn Văn Mọi, và đơn giản cứ gọi ông là Ba Mọi! Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại "mồ hôi nước mắt" của mình, ông Ba Mọi bỗng chốc "hoá thân" thành một kỹ sư nông nghiệp chính gốc và cả một hướng dẫn viên du lịch lành nghề.
Cũng như bao người dân Ninh Thuận khác, gia đình ông "hăm hở" đến với cây nho từ rất sớm. Sau thời hoàng kim, đến những năm đầu thế kỷ 21, nho Ninh Thuận mất dần thị trường, lép vế so với nhiều loại nho nhập khẩu khác.
Nghề trồng nho đi vào suy thoái. Không nản lòng cộng thêm niềm đam mê, ông Ba Mọi dồn sức nghiên cứu kỹ thuật trồng nho an toàn sinh học, không sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu. Với sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đoàn thể liên quan, hướng đi mới của ông bước đầu đã mang lại những thành công nhất định.
Và nhất là từ năm 2007, khi tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng, ông mạnh dạn thực hiện và phải mất hơn 3 năm, trang trại nho Ba Mọi mới đạt được. Đó là cả một quãng thời gian "nếm mật nằm gai" ròng rã cùng với cây nho quê hương.
Nhờ VietGAP, nho Ba Mọi tạo được uy tín bền vững đối với người tiêu dùng, đồng thời, đây cũng là áp lực lớn đòi hỏi trang trại không ngừng nỗ lực duy trì thương hiệu mà mình đã đạt được. Trang trại được quy hoạch bài bản với những con đường nhỏ hai bên trồng hoa tím rực rỡ xen lẫn với các vườn nho, táo xanh tốt.
Các khu sơ chế nho, khu chế biến sản phẩm, phòng sấy sản phẩm, phòng chưng cất, khu ủ phân chuồng, kho vật tư, kho nông cụ... được bố trí hợp lý và có biển chỉ dẫn đầy đủ, chi tiết. Mỗi lô trồng nho, táo đều có biển ghi rõ giống, ngày trồng, diện tích, số hàng, số cây...
Ít ai ngờ, lão nông không được ăn học đàng hoàng này lại có thể hiểu rõ về từng giống nho đến vậy. Ông Ba Mọi cho biết hiện tại, trang trại có 7 giống nho chính (Nho Black Queen, nho NH-01-48, nho NH-01-152, nho Red Cardinal, nho rượu Sauvignon Blanc, nho rượu Syrah, nho rượu Cabernet Sauvignon). Ba giống nho sau đều được sử dụng để nấu rượu vang và được nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông chia sẻ thêm, trước khi đưa bất kỳ giống nho nào vào sản xuất đại trà, trang trại phải trồng thử nghiệm, thuần hoá hơn 10 năm trời. Thậm chí, có giống nho đã trồng được 7 năm, nhưng ngay khi phát hiện không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết địa phương lại phải bỏ đi. Do đó, trang trại phải mất nhiều công sức để duy trì một giống nho đạt chuẩn.
Hiện nay, nhiều tỉnh bạn cũng xin giống từ trang trại và đều được ông giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Không chỉ dừng ở đó, với sự giúp đỡ của cậu con trai đang học chuyên ngành kinh tế, ông mạnh dạn đăng ký thương hiệu "Nho Ba Mọi". Đây được xem là "cú đột phá" cho trang trại, bởi với thương hiệu đã có, sản phẩm khi tung ra thị trường tạo thêm niềm tin với người tiêu dùng, góp phần ổn định giá, lại tránh được tình trạng "ăn cắp thương hiệu".
Mới đây, trang trại cũng "đi tắt đón đầu" khi đầu tư xây dựng một website quảng bá cho các sản phẩm của mình. Mặc dù, thông tin và hình ảnh của website còn chưa phong phú, đa dạng, nhưng chắc chắn nó sẽ là "đòn bẩy" đưa nho Ba Mọi đến với nhiều thị trường tiềm năng trên toàn thế giới.
Trang trại nho Ba Mọi đã tạo được hai thế mạnh đột phá mà nhiều vùng trồng nho khác không làm được. Trước hết, được các nhà khoa học chuyển giao quy trình công nghệ trồng nho làm rượu và ủ rượu vang, ông mạnh dạn xây dựng một cơ sở chế biến rượu vang ngay trong khuôn viên trang trại. Năm 2007, chai rượu nho "Made in Ba Mọi" chính thức có mặt trên thị trường và ông cũng nhanh chóng đăng ký độc quyền thương hiệu "vang Phan Rang" cho sản phẩm của mình.
Tiếp đó, việc ông biến trang trại thành một điểm thăm quan du lịch hoàn toàn miễn phí và chính mình là hướng dẫn viên tận tình đã góp phần "gắn" nho Ba Mọi như một "sản phẩm du lịch" của Ninh Thuận. Khách đến thăm quan không chỉ được giới thiệu về các giống nho, kỹ thuật trồng nho, mà còn tận tay hái và thưởng thức nho ngay tại vườn.
Đồng thời, khách sẽ ghé thăm xưởng rượu, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất rượu và nếm vị rượu vang riêng có của vùng đất Ninh Thuận. Khi ra về, khách cũng không quên tự mua cho mình những trái nho, táo sạch của trang trại và cả mấy chai rượu vang thơm mát về làm quà.
Với diện tích 1,5 ha nho và 0,5 ha táo, trang trại nho Ba Mọi còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Ông Ba Mọi nhẩm tính với mỗi hecta nho, nếu tính sơ bộ, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Từ một người nông dân "chính thống", với sự nỗ lực, không ngại khó ngại khổ, ông Ba Mọi đã xây dựng thành công hai thương hiệu "nho Ba Mọi" và "vang Phan Rang". Qua đó, ông đã góp phần "phục hưng" một đặc sản riêng có của đất Ninh Thuận và là tấm gương vượt khó cho nhiều nông dân trong cả nước noi theo.
Có thể bạn quan tâm
Qua nhiều năm trồng các loại cây như cao su, điều… anh Mai Ngọc Thủy ở xã Long Bình (Bù Gia Mập) quyết định chuyển sang trồng nấm linh chi đỏ - loại nấm dược liệu ở Bình Phước rất ít người trồng được. Sau 2 năm gầy dựng anh Thủy sở hữu trang trại trồng nấm linh chi thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ngày 15/8, tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Chi Cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) tổ chức Hội nghị đầu bờ Khóa đào tạo giảng viên quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên rau cho 30 học viên là các cán bộ BVTV của 6 huyện trên địa bàn TP.
Tại buổi tập huấn, học viên được phổ biến những kiến thức về quy trình kỹ thuật, phương án nâng cao chất lượng gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học; các bước chuẩn bị điều kiện nuôi, chuồng trại, chọn giống, cách chăm sóc nuôi dưỡng, chọn thức ăn, vệ sinh phòng bệnh và một số bệnh thường gặp ở gà…
Với bản tính siêng năng, dám nghĩ, dám làm, chị Poòng Thị Luyến, khối 13, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi lợn.
Trận mưa lớn trên địa bàn huyện Tủa Chùa kéo dài từ ngày 13 - 14/8 gây ngập úng hơn 75ha lúa mùa tại các xã: Mường Báng, Mường Đun, Tủa Thàng, Xá Nhè. Mưa lũ làm 80m kênh của công trình thủy lợi xã Tủa Thàng bị nước cuốn trôi; một số điểm tuyến đường Mường Báng - Xá Nhè bị ách tắc cục bộ. Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, huyện Tủa Chùa chỉ đạo đơn vị chức năng cử cán bộ kịp thời xuống địa bàn kiểm tra, thống kê thiệt hại, động viên nhân dân ổn định sản xuất; đảm bảo giao thông trên các tuyến bị ách tắc cục bộ. Ước tính, từ đầu tháng 8 tới nay, mưa lớn trên địa bàn huyện Tủa Chùa gây thiệt hại hơn 993 triệu đồng.