Trăn Trở Với Nghề Nuôi Nhím
Hơn 2.000 con nhím nuôi đã đến lứa xuất chuồng nhưng tiêu thụ quá khó khăn, các xã viên hợp tác xã (HTX) Hợp Thành (Khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) phải tự đi tiếp thị tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đưa chúng tôi đi tham quan trại nuôi nhím của gia đình, ông Trần Long Vân, Chủ nhiệm HTX Hợp Thành nói: “Tôi mê con nhím lâu rồi, thời giá nhím cao tôi dám bỏ ra 23 triệu đồng mua một con nhím mẹ. Bây giờ, nhím rớt giá thê thảm, nhiều người thua lỗ bỏ cuộc, còn tôi vẫn thấy nuôi nhím có nhiều cái hay”. Bởi thấy được “cái hay” đó nên từ năm 2011, khi giá nhím bố mẹ rơi từ 40 triệu đồng/cặp xuống còn 4 triệu đồng/cặp, ông Trần Long Vân vẫn bình thản.
Ông lặn lội đến từng hộ nuôi nhím ở Bà Rịa, Tân Thành, Châu Đức, Đồng Nai, vận động thành lập hội nuôi nhím với mục đích trao đổi kinh nghiệm nuôi, giúp nhau tìm đầu ra. Hội những người nuôi nhím được thành lập với khoảng 40 hộ, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, tuy nhiên hội không phát huy được mục tiêu mở rộng đầu ra vì không có tư cách pháp nhân, không được phép giết mổ, luôn gặp khó trong vấn đề giao dịch.
Không nản lòng, ông Trần Long Vân lại một mình đi gõ cửa các cơ quan chức năng từ Chi cục Thú y, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục phát triển nông thôn đến Liên minh HTX tỉnh… để làm thủ tục thành lập HTX nuôi nhím. Tháng 8-2012, HTX Hợp Thành chính thức ra mắt với 23 hội viên. Có HTX rồi, giá nhím vẫn chưa tăng, nhiều xã viên bán tháo nhím để chuyển sang nghề khác, ông Vân lại một mặt động viên xã viên cố bám trụ, một mặt bươn chải khắp nơi tìm thị trường tiêu thụ.
Bằng cách tăng cường tiếp thị ở các nhà hàng, quán ăn, giết mổ phục vụ tại chỗ cho các bữa tiệc gia đình, hiện nay mức tiêu thụ nhím thịt của HTX đã khá hơn. Ông Vân cho biết, thời điểm này giá nhím cũng đã tăng hơn trước. Với giá 210.000 đồng – 220.000 đồng/kg nhím hơi, 2,2 triệu đồng/cặp nhím giống 2 tháng tuổi (khoảng 2kg) các xã viên nuôi nhím có lời khoảng 30%. “Như vậy cũng chấp nhận được”, ông Vân nói.
Tuy nhiên, theo ông Vân người nuôi nhím đang bị nhà hàng ép giá, bởi giá nhà hàng mua vào và bán cho khách chênh lệch rất lớn. Ở nhà hàng, người tiêu dùng ít lựa chọn thịt nhím không phải vì thịt nhím không ngon mà vì giá bán rất cao (600.000 đồng/kg). Đó chính là lý do khiến cho người nuôi tiêu thụ thịt nhím rất chậm. Theo một số tài liệu khoa học cho rằng, thịt nhím là loại thực phẩm lành tính, giá trị dinh dưỡng cao, dễ ăn do không có mùi đặc trưng.
Thế nhưng, hiện nay chỉ một số nhà hàng đặc sản mới có phục vụ các món ăn chế biến từ nhím, còn trên các chợ, siêu thị chưa thấy bán. Ông Trần Long Vân và các xã viên HTX Hợp Thành đang nhắm tới việc mở rộng thị trường bình dân, đưa nhím trở thành một loại thịt phổ biến như thịt bò, thịt dê.
Hiện tại, HTX Hợp Thành có 23 xã viên nuôi khoảng 2.200 con nhím, trong đó có những hộ nuôi với số lượng lớn như hộ ông Hoàng Đình Chi, ấp Thị Vải, xã Mỹ Xuân (Tân Thành) nuôi khoảng 200 con; Ông Hoàng Văn Thảo, xã Đá Bạc (Châu Đức) nuôi từ 180 – 200 con. Để tiêu thụ hết lượng thịt xuất chuồng, giúp hội viên có vốn quay vòng, HTX Hợp Thành đang đẩy mạnh phương thức tiếp thị sản phẩm tận nơi, chế biến phục vụ tại nhà cho người có nhu cầu với giá phải chăng.
Đồng thời, HTX cũng đang liên hệ với Ban quản lý chợ Bà Rịa, đăng ký một quầy giới thiệu sản phẩm thịt nhím cho người tiêu dùng quen dần. Khi nào người tiêu dùng quen với hương vị thơm ngon và bổ dưỡng của thịt nhím, thì lúc đó người nuôi nhím mới không lo về đầu ra.
Theo ông Trần Long Vân, nhím là loài động vật hoang dã nên rất dễ nuôi, ít bệnh tật, mắn đẻ, công chăm sóc ít, chi phí thức ăn thấp, tỷ suất lợi nhuận cao. Mỗi con nhím chỉ ăn khoảng 1kg thực phẩm/ngày (từ nguồn rau, củ quả thừa, ế mua rẻ ở các chợ). Mỗi năm nhím đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con.
Nhím con chỉ cần nuôi 18 tháng là bắt đầu sinh sản, vòng đời của nhím kéo dài đến 30 năm. Do vậy, nuôi nhím chỉ cần đầu tư chuồng trại, giống một lần là thu hoạch được nhiều năm. Với những ưu thế đó, nếu đầu ra phát triển mạnh, giá nhím ổn định thì người nuôi nhím đạt lợi nhuận khá cao.
Có thể bạn quan tâm
Đó là anh Bùi Sĩ Ngọc ở thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định). Cơ sở của anh chuyên ấp nở vịt xiêm và gà ta, với quy mô 2 lò ấp theo chu kỳ 5 ngày ấp nở được 1 lứa, sản xuất ra 5.000 con giống.
Mấy ngày qua, tình hình giá cá tra chẳng mấy khả quan khi chỉ khoảng 20.000 đồng/kg dưới giá thành sản xuất từ 4.000-5.000 đồng/kg, trong khi vật giá đều nằm ở mức cao, khiến ngư dân “oằn lưng” chịu lỗ. Hàng loạt ao hầm tiếp tục bị “treo”, do người nuôi không còn vốn để tái đầu tư. Nhiều hộ, phải “nhường sân” cho doanh nghiệp hoặc các đại gia thuê nuôi cá tra.
Đó là mô hình nuôi gà ri trên nền “Đệm lót sinh thái” của chị Đoàn Thị Kim Uyên, ở ấp Phú Lợi B (Phú Kiết, Chợ Gạo - Tiền Giang) đã áp dụng có hiệu quả kinh tế cao trong những năm qua, đặc biệt tránh được mùi hôi thối và không ô nhiễm môi trường chung quanh, điều mà từ lâu nay hộ chăn nuôi nào cũng mong muốn.
Theo khảo sát của Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO), nhờ tăng cường các biện pháp thâm canh, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, năng suất mía tại các mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ước đạt bình quân từ 70 - 80 tấn/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình từ 20 - 30 tấn/ha, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn 30%.
Hơn 110ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đang được người dân ở các xã của huyện Than Uyên (Lai Châu) phát triển bằng nhiều hình thức và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế. Tương lai của vùng đất này có thêm hướng thoát nghèo bền vững đó là nuôi trồng và mở rộng diện tích thủy sản.