Nỗ Lực Chống Hạn
Thời điểm này, ngành nông nghiệp Đại Lộc đang ra sức chống hạn để cứu lúa đông xuân.
Cả huyện Đại Lộc có 5 hồ chứa và 9 đập dâng nhỏ cấp nước tưới cho 453,2ha lúa. Hiện tại, các công trình hồ chứa cơ bản vẫn đủ nước cho mùa vụ, riêng một số hồ đập như Chấn Sơn (Đại Hưng) và Cây Xoay (Đại Hồng) không đủ khả năng giải quyết nước tưới đến cuối vụ.
Bên cạnh đó, bàu Ông, bàu Thạch Bộ, bàu Sấu, bàu Đá là nguồn cung cấp nước tưới cho 664,94ha lúa thì nay, nước trong các bàu chỉ còn 50 - 60% dung tích so với vụ đông xuân 2012-2013.
Theo dự kiến, lượng nước trong các bàu không đủ cấp nước cho cả vụ đông xuân này và có khả năng thiếu 1 - 2 lứa nước thời kỳ cuối vụ. Tại sông Côn, Vu Gia, mực nước xuống rất thấp và sự biến đổi dòng chảy tại một số đoạn sông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khâu vận hành của các trạm bơm trên sông.
Trạm bơm Lâm Phụng, Cầu Phao (Đại Đồng) rất khó lấy nước bởi bể hút nằm trong bãi bồi cát, dòng sông chuyển xa bể hút từ 50 - 100m khiến nhiều trạm bơm ven sông bị “treo nước”. Một số trạm bơm điện chủ yếu dẫn nước từ bàu, hồ, đập gần như “đắp chiếu” nếu không sớm khắc phục và tạo nguồn nước.
Theo ông Lê Khắc Bảy - cán bộ phụ trách thủy lợi, Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, cả huyện có 51 trạm bơm lớn nhỏ đều nằm trên hệ thống sông Vu Gia, sông Côn. Phần lớn các trạm bơm nằm trên hệ thống sông bị bồi lấp, sạt lở nặng, địa phương đã chỉ đạo ngành thủy lợi, các hợp tác xã (HTX) tăng cường nạo vét ống dẫn, kênh dẫn, bể hút để dẫn nước vào. Ngay cả việc nạo vét cũng gặp khó khăn. Nhiều trạm bơm dã chiến phải hoạt động hết công suất để dẫn nước từ sông vào kênh, trải qua nhiều công đoạn vận hành mới có thể đưa nước vào đồng ruộng.
“Địa phương đã chỉ đạo các HTX nạo vét các bể hút, đối với những trạm bơm có bể hút cao, phải nối dài ống hút trạm bơm để dẫn nước. Dùng cọc tre đóng cừ, chắn nước các sông dâng cao cột nước để đảm bảo trạm bơm hoạt động. Đồng thời ngành nông nghiệp cũng đã có công văn đề nghị các nhà máy thủy điện xả nước đủ để các trạm bơm hoạt động” - ông Lê Khắc Bảy nói.
Cũng theo ông Bảy, trước tình trạng suy kiệt nguồn tưới, một số khu vực phải áp dụng biện pháp tưới giữ ẩm cho đồng ruộng tới cuối vụ. Chẳng hạn hồ Chấn Sơn (Đại Hưng) tưới cho 13ha thì nay chỉ có khả năng tưới cho 10ha, 3ha còn lại phải dùng nước tiêu từ các ao hồ nhỏ để tưới giữ ẩm. “Trường hợp nguồn quá cạn kiệt, sẽ phải khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ tưới giữ ẩm để cứu lúa” - ông Bảy nói.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương dùng kinh phí dự phòng và nguồn kinh phí tự có của các HTX để tập trung chống hạn. Trên cơ sở phương án chống hạn của các địa phương, phòng sẽ tham mưu huyện có văn bản xin nguồn để hỗ trợ lại các địa phương một cách hợp lý.
Còn theo ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: “Vụ này, ngành nông nghiệp huyện bằng mọi phương án phải đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng, nhưng công tác chống hạn ở vụ hè thu sẽ gặp khó khăn. Kinh phí chống hạn rất lớn, bên cạnh nỗ lực của huyện rất cần có sự hỗ trợ, quan tâm từ phía tỉnh”.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi có thông tin về việc cơ quan chức năng ở cửa khẩu Đen Sa Vẳn (Lào) đánh "thuế" nặng mặt hàng nông sản chuối. Tin vui cho tiểu thương và nông dân trồng chuối ở tỉnh Quảng Trị là, "thuế" nặng đã được gỡ bỏ...
Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), chăn nuôi bò sữa tăng trưởng rất nhanh trong những năm qua, với sản lượng năm 2014 tăng hơn 20% so với năm 2013, nhưng sản lượng đó mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Nông nghiệp là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất khi Việt Nam tham gia TPP, song một số doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng với sân chơi mới bằng cách lựa chọn những sản phẩm mà các "ông lớn" không làm.
Ngày 7/10, Ban Quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển về sự phát triển bền vững phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi tổ chức hội thảo thông tin tuyên truyền mở rộng vùng GAP năm 2016 – 2017 tại ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
Từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có bước phát triển mạnh là nhờ số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản khá ổn định, trong đó tàu thuyền khai thác biển 385 chiếc (có 10 chiếc đánh bắt xa bờ).