Người Tiên Phong Nuôi Tôm Càng Xanh Ở Đông Mỹ (Hà Nội)
Trong số những mô hình kinh tế trang trại làm ăn có hiệu quả ở huyện Thanh Trì, không thể không kể đến mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Duy Hưởng, thôn 3, xã Đông Mỹ, Hà Nội. Không chỉ làm kinh tế có hiệu quả cao, ông Hưởng còn là một trong những người tiên phong đưa con tôm càng xanh về nuôi tại địa phương này.
Năm 2001, xã Đông Mỹ có chủ trương khuyến khích các hộ dân chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình kinh tế trang trại tập trung. Trong đó, xã tạo điều kiện thuận lợi về dồn đổi ruộng đất và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Nắm bắt cơ hội đó, ông Nguyễn Duy Hưởng đã dồn đổi ruộng của gia đình và thuê thêm 2,8 ha để xây dựng trang trại tại cánh đồng Bình, thôn 3. "Trước kia nhà tôi có hơn 3 sào ruộng. Khu đồng này lại trũng, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, nhưng vẫn không chắc chắn vì nhiều năm ngập mất trắng nên thu nhập từ làm ruộng rất thấp" - ông Hưởng chia sẻ.
Với diện tích đó, ông Hưởng vay vốn thuê máy múc đất, đào và kè thành hai khu ao để nuôi các loại cá trắm, trôi, chép, rô phi đơn tính, trên bờ trồng hơn 100 cây nhãn và bưởi Diễn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông Hưởng luôn tìm đọc sách, báo và học hỏi mô hình nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi khác. Năm 2004, nhận thấy loài tôm càng xanh có giá trị kinh tế cao, ông Hưởng đã lặn lội xuống tận Quảng Ninh và Hải Phòng để tìm hiểu cách nuôi và mua con giống. Để nuôi được tôm càng xanh, ông đã đầu tư mua 4 máy sục khí oxy với giá hơn 10 triệu đồng/chiếc.
Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn nuôi tôm càng xanh, ông Hưởng cho biết, điều kiện nguồn nước, khí hậu tại Đông Mỹ khá phù hợp với tôm càng xanh nên loài này phát triển tốt. Hơn nữa, kỹ thuật nuôi lại không quá khó. Bình quân mỗi năm ông Hưởng thu được 15 - 18 tấn cá các loại, 2 - 3 tấn tôm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Năm 2011, doanh thu của trang trại đạt 1,2 tỷ đồng và ông Hưởng ước tính năm nay cũng đạt được mức tương tự.
Nói về con đặc sản của thủy sản Đông Mỹ, ông Hưởng phấn khởi cho biết, giá tôm càng xanh bình quân đạt 200.000 đồng/kg và đầu ra được đảm bảo, bởi vào vụ thu hoạch là thương lái tìm đến đặt mua hết. Từ thành công của ông Hưởng, nhiều người dân xã Đông Mỹ đã bắt đầu nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Với những nỗ lực của mình, nhiều năm liền, ông Hưởng được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và TP. Trang trại của ông cũng là nơi thu hút nhiều hộ nông dân trên địa bàn các xã lân cận và toàn TP đến tham quan, học tập kinh nghiệm làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Vào lúc 7h, 29/5/ 2014, tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Ban quản lý dự án Điệp cùng đại diện các cơ quan chức năng và 50 ngư dân đã thả 2000 con giống Điệp xuống biển để tái tạo nguồn lợi. Giống điệp quạt này được lấy từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Nha Trang.
Từ ngày 26.5 đến nay, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn - Bình Định) hành nghề mành trủ trúng đậm cá nục gai, cá giò; có thuyền trúng lớn đến 26 tấn cá. Giá cá nục gai ngày đầu 90 ngàn đồng/két (1 két 12 kg), cá giò 50 ngàn đồng/két, do sản lượng đánh bắt nhiều hiện giá cá nục gai giảm còn 70 - 75 ngàn đồng/két và 40 - 45 ngàn đồng/két cá giò.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, hiện sản phẩm cá tra đã có mặt ở 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 90% thị phần thế giới.
Nhờ nuôi cho lãi cao, ít dịch bệnh nên nhiều người dân ở xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) tập trung đầu tư phát triển đàn bò lai, góp phần ổn định cuộc sống.
Vài năm trở lại đây, cây ớt xuất khẩu đã trở thành một trong những cây trồng hàng hóa có hiệu quả kinh tế thuộc loại cao nhất trên các xứ đồng trong tỉnh Thanh Hóa. Nhiều địa phương đã liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký hợp đồng trồng ớt cho các doanh nghiệp. Nông dân cũng có lãi cao và đem lại thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.