Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Niềm tự hào ngành nuôi bò sữa Việt Nam

Niềm tự hào ngành nuôi bò sữa Việt Nam
Ngày đăng: 03/07/2015

Về dự có bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại VN; ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT); ông Yuval Rachmilevitz, Tổng GĐ Afimilk; ông Yossi Way, Tổng GĐ Galil; ông Kobi Bogin, Tổng GĐ AB...

Giải thích lý do TH true MILK chọn Afimilk (Israel) là đơn vị tư vấn và chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò sữa cho đơn vị mình, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết, Israel là một đất nước bán sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, nhưng chất lượng sữa và các sản phẩm nông nghiệp đều đứng vị trí hàng đầu thế giới.

Trước đây ngành bò sữa VN không có đột phá là do thiếu 2 điều cơ bản, đó là quy trình công nghệ tiên tiến và sự tuân thủ các nguyên tắc quản lý một cách khoa học.

Theo bà, nếu làm được điều đó thì các dự án trong lĩnh vực này mới thành công. Và để có được sản phẩm sữa tươi sạch đạt chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế, Tập đoàn TH đã chấp nhận mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và quy trình chế biến sữa hàng đầu trên thế giới từ các nước tiên tiến.

Để việc chuyển giao công nghệ thành công, từ những ngày đầu tiên đặt chân lên miền Tây xứ Nghệ, các chuyên gia Israel đã tỉ mỉ thu thập từng mẫu đất, mẫu nước về phân tích phục vụ nghiên cứu khả thi dự án. Khi đàn bò HF đầu tiên từ New Zealand về đến Nghĩa Đàn, chính họ đã vỗ về, trấn an những cô bò đang ngơ ngác lạ lẫm trên vùng đất mới lạ.

Sự tận tâm, tỉ mỉ của các chuyên gia Israel thực sự đã truyền nguồn cảm hứng cho đội ngũ công nhân người Việt vừa được Tập đoàn TH tuyển dụng. Bằng cả trái tim, đội ngũ chuyên gia Israel đã giúp cán bộ, nhân viên Tập đoàn TH vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu và tiếp cận nhanh với công nghệ tiên tiến.

Trong suốt 5 năm, có thể nói, chuyên gia Israel đã cùng nếm mật nằm gai, chia ngọt sẻ bùi để cùng TH vượt qua mọi khó khăn của những ngày khởi đầu dự án. Mồ hôi của chuyên gia Israel cùng người nông dân và đội ngũ cán bộ, công nhân TH đã thấm đậm trên ruộng đồng xứ Nghệ.

Đến hôm nay, TH đã hoàn thành chặng đường đầu tiên của dự án với tổng đàn bò 45.000 con, trong đó hơn 22.000 con cho sữa. TH đã đưa ra thị trường hơn 30 sản phẩm sữa tươi sạch vẹn nguyên sự tinh túy từ thiên nhiên, được khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch, phục vụ đến tận bàn ăn của người tiêu dùng.

5 năm, không phải là một thời gian quá dài nhưng cũng đủ để cho dự án trở thành một kì tích hiện hữu giữa miền Tây xứ Nghệ. Dự án đã làm cho mọi người đủ niềm tin rằng giữa dải đất khô cằn đầy nắng lửa ngày nào với nền nông nghiệp công nghệ cao đã biến thành một trang trại như ở châu Âu xanh mướt màu ngô, cỏ Mombasa, vàng rực sắc hoa hướng dương và tía đỏ màu cao lương Nhật, Mỹ.

Những kỹ sư, những công nhân người Việt mới này nào còn vô cùng bỡ ngỡ trước những chiếc xe thu hoạch cỏ "khổng lồ" và hiện đại trên các cánh đồng; hay những hệ thống vắt sữa tự động... thì giờ đây, nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các chuyên gia Afimilk, họ đã hoàn toàn đủ tự tin để làm chủ máy móc, thiết bị hiện đại; tự tin khi được giao quản lý từng trại bò với số lượng 5.000 - 7.000 con.

Tại diễn đàn buổi lễ, anh Lưu Hoài Nam, quản lý trang trại bò sữa số 3, thay mặt hầu hết các gương mặt cán bộ quản lý trẻ trung của trang trại TH cho biết: “Tôi tốt nghiệp đại học năm 2009 và rất may mắn được thực tập 10 tháng tại 1 trang trại chăn nuôi bò ở miền Bắc Israel, nhờ đó mà tôi biết được các thông tin về dự án này và được giới thiệu vào làm việc cho TH.

Khi đó kiến thức về bò sữa của tôi chủ yếu là kiến thức lý thuyết học tập ở trường. Về làm việc những ngày đầu, tôi đã được Baz, Keren những kỹ sư Israel hướng dẫn kèm cặp ngay tại nơi làm việc. Họ đã cùng tôi thấm đẫm mồ hôi trên chuồng trại và trên máy tính cặm cụi chỉ bảo tôi cách sử dụng phần mềm Afifarm.

Mr.Gilad, người dành cả cuộc đời gắn với con bò sữa, đã hướng dẫn tôi cách xây dựng từng loại báo cáo chuyên môn, cách đọc các con số để lập kế hoạch cho trang trại. Chính Mr.Gadi dạy tôi những kinh nghiệm quý báu mà ông đã đúc kết. Đó là Barak, người đã từng là quản lý trực tiếp của tôi, ông dạy tôi các kỹ năng quản lý trang trại từ nhỏ đến lớn... Cứ như thế tôi bắt nhịp khá nhanh và trưởng thành trong công việc, được tin tưởng và thăng tiến như ngày hôm nay...”, anh Nam trải lòng.

Phát biểu tại buổi lễ, ngài Tal Cohen, Chủ tịch Afimilk cho biết: "Vào năm 2008, khi chưa có dự án này, tại VN chưa có một mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp nào. Vậy mà, chỉ sau 6 năm TH đã có trong tay hàng chục nghìn con bò HF nhập khẩu về từ New Zealand, chúng đã cho sản lượng sữa cao gấp đôi, bất chấp cả điều kiện thời tiết gió Lào vô cùng khắc nghiệt.

Bà Thái Hương chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn các bạn Israel đã đào tạo và chuyển giao trọn vẹn cho TH mọi bí quyết của công nghệ chăn nuôi bò sữa một cách hoàn mỹ. Tài sản quý giá đó đã góp phần tạo ra thành quả lớn lao cho dự án.
Ngày hôm nay, dù không hề muốn nhưng quy luật không cho phép, TH buộc phải phải nói lời chia tay với các bạn. Đã đến lúc cán bộ, công nhân viên của chúng tôi phải đứng vững trên đôi chân, của mình. Bằng khối óc, bàn tay và trái tim nhiệt huyết, TH sẽ viết tiếp những bản hùng ca mới trên con đường sữa huy hoàng mà chúng tôi đã lựa chọn...”.

Ở vào thời điểm dự án khởi động, ít ai tin rằng nhiệm vụ tưởng như bất khả thi ấy lại có thể trở thành hiện thực. Thế mà với tầm nhìn chiến lược đầy táo bạo cùng với sự lãnh đạo tài tình của mình, bà Thái Hương đã dẫn dắt TH vững vàng vượt qua từng giai đoạn của dự án.

Với đội ngũ cán bộ, công nhân viên TH có phẩm chất thông minh, cần cù, chịu khó và không ngừng học hỏi, đến nay họ đã có thể làm chủ mọi quy trình SX tại trang trại. Các chuyên gia Afimilk và các chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới, rất tự hào được cùng đóng góp vào thành công chung của dự án...".

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, 5 năm trước, khi bàn đến việc chăn nuôi bò sữa, mọi người đều cho rằng VN chỉ nên nuôi bò sữa lai HF, năng suất sữa vừa phải... để chúng thích nghi được với điều kiện khí hậu VN.

Nhiều chuyên gia trong nước đều cho rằng bò sữa HF thuần chỉ nuôi được tại vùng có khí hậu mát mẻ như Lâm Đồng, Mộc Châu - Sơn La... Không mấy ai tin rằng có thể chăn nuôi bò sữa HF thuần, năng suất đạt 28 - 32 lít sữa/con/ngày (tương đương 8 - 10 tấn/chu kỳ) tại vùng đất gió Lào của Nghệ An.

"Chỉ đến khi tham quan trang trại của TH, chứng kiến những thành tựu về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa do Afimilk chuyển giao từ khâu SX thức ăn thô xanh, lập công thức và phối trộn khẩu phần, công tác giống và chọn lọc giống, các bộ quy trình chăn nuôi, thú y, an toàn sinh học, quy trình vệ sinh vắt sữa, phần mềm quản lý từng cá thể bò chuyên nghiệp trên hệ thống máy tính... thì mới thấy nhận thức về điều đó chưa đúng.

Với quy mô đàn bò sữa HF trên 45.000 con trong đó trên 22.000 con bò vắt sữa; 37.000 ha đất quy hoạch để SX thức ăn và đặc biệt là sự kiện TH vừa được Tổ chức Kỷ lục châu Á chứng nhận “Cụm trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á”, đã khẳng định TH là đơn vị duy nhất, có trang trại bò sữa lớn nhất và hiện đại nhất tại VN xứng tầm châu Á...

Tin rằng những thành tựu công nghệ chăn nuôi bò sữa do Afimilk chuyển giao, đào tạo... sẽ được TH tiếp nhận, phát huy và tự chủ nhằm phát triển đàn bò, đưa tập đoàn lên một tầm cao mới, góp phần vào sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa tại VN", ông Vân nói.


Có thể bạn quan tâm

Dễ Như Nuôi Dế Dễ Như Nuôi Dế

Tận dụng “đồ bỏ” như chuồng heo cũ, tấm ván mục, lá dừa nước, miểng dừa, rế nồi, xô nước, khạp da bò, nắp chai cũ… để phát triển nghề nuôi dế ta, cô Thái Kim Hoa (Phường 3 - TP Vĩnh Long) có thêm “đồng ra, đồng vô” trang trải trong gia đình.

20/05/2012
Cá Điêu Hồng Nuôi Bè Tăng Giá Mạnh Cá Điêu Hồng Nuôi Bè Tăng Giá Mạnh

Hiện nay, giá cá điêu hồng được các thương lái mua tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với tuần trước, hiện giá cá phổ biến ở mức 29.000 – 30.000 đồng/kg.

30/06/2012
1 Phải, 5 Giảm 1 Phải, 5 Giảm

Nhằm tăng hiệu quả SX lúa, giảm chi phí, từ vụ ĐX 2010 - 2011 Chi cục BVTV Ninh Thuận triển khai mô hình "1 phải, 5 giảm" tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Đến nay người dân đã không ngừng mở rộng SX lúa theo mô hình này.

04/05/2012
Tập Huấn Phòng Trừ Rệp Sáp Bột Hồng Gây Hại Trên Cây Mì Tập Huấn Phòng Trừ Rệp Sáp Bột Hồng Gây Hại Trên Cây Mì

Sáng 16.8, Trạm bảo vệ thực vật huyện Tân Châu phối hợp Công ty CP thuốc bảo vệ thực vật Việt Trung tổ chức tập huấn cách phòng trừ và tiêu huỷ rệp sáp bột hồng trên cây mì cho nông dân huyện Tân Châu (Tây Ninh).

20/08/2012
Có Chí Thì... Thu Bạc Tỷ Có Chí Thì... Thu Bạc Tỷ

Do đi xuất khẩu lao động phải về nước sớm, năm 2001, anh Hoàng Đức Thành vào xã Nghĩa Hưng (Chư Păh, Gia Lai) làm ăn với hành trang vỏn vẹn chỉ mấy bộ quần áo cũ. Thấy hoàn cảnh của anh như vậy, người bạn ở Kon Tum cùng đi xuất khẩu lao động cho anh vay ít tiền mua mảnh đất để làm ăn.

20/08/2012