Những Triệu Phú Chuối Dưới Tán Rừng
Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện U Minh có nguồn thu rất cao từ cây chuối. Đặc biệt là những hộ dân sống trên lâm phần rừng tràm. Nhờ trồng chuối mà nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Có nhiều hộ chịu khó và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng chuối đã vươn lên thành triệu phú giữa đất rừng U Minh Hạ.
Đã gắn bó với cây chuối hơn 20 năm nay, từng đặc điểm của cây chuối đều được ông Nguyễn Thành Hiệp, ấp 12, xã Khánh Thuận nằm lòng, từ đó mà khâu chăm sóc chuối của ông cũng được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Ông Hiệp chia sẻ, cây chuối rất thích nghi với vùng đất phèn. Nhưng không phải ai cũng có thể trồng và đạt năng suất cao. Muốn cho cây chuối phát triển tốt và cho buồng sai thì trước hết phải chọn cây chuối non xanh tốt và trồng cách nhau từ 4-5 m để cho tán lá có được không gian phát triển tốt nhất.
Hiện tại ông Hiệp có hơn 1.500 gốc chuối già và chuối xiêm, cứ khoảng từ 25-30 ngày, ông thu hoạch 1 lần từ 3.000-3.500 nải, mỗi nải hiện có giá từ 3.000-3.500 đồng. Như vậy, mỗi lần thu hoạch chuối, ông Hiệp thu về cho gia đình hơn 12 triệu đồng. Cộng với tiền bán bắp chuối, mỗi năm cây chuối đã cho gia đình ông Hiệp thu nhập trên 150 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Phim, ấp 17, xã Khánh Thuận, đã có hơn 15 năm gắn bó với cây chuối. Khi lập gia đình về đây sinh sống, vì là vùng đất nhiễm phèn nặng nên nhiều năm liền vợ chồng bà không canh tác được loại cây gì ngoài tràm. Nhưng nhờ chịu khó học hỏi, vợ chồng bà Phim nhận thấy được lợi ích của việc trồng chuối đem lại lợi ích kinh tế, vợ chồng bà lên liếp xung quanh bờ bao 2,5 ha rừng tràm trồng khoảng 300 gốc chuối xiêm.
Thấy hiệu quả, vợ chồng bà tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Đến nay gia đình bà có hơn 2.000 gốc chuối xiêm. Bà Phim chia sẻ, hiện cây chuối cho nguồn thu từ việc bán chuối buồng và cả bắp chuối. Bắp chuối có giá từ 4.700-5.000 đồng/bắp, lúc hút hàng lên đến 5.500-6.000 đồng/bắp.
Nhờ vậy mà năm nào gia đình bà cũng thu hoạch gần 200 triệu đồng từ cây chuối. Từ đó, điều kiện kinh tế của gia đình bà không ngừng phát triển, vươn lên khá, giàu.
Là Bí thư Chi bộ ấp 17, xã Khánh Thuận, ông Nguyễn Văn Đen cũng có hơn 10 năm trồng chuối. Hiện tại gia đình ông Đen trồng được gần 2.000 gốc chuối xiêm, mỗi năm thu nhập hơn 180 triệu đồng.
Ông Đen cho biết, trước đây chuối ở vùng U Minh này có giá rất thấp, có những lúc không bán được phải đem đi ép chuối khô, nhiều người từ bỏ cây chuối để trồng một số loại cây ăn trái khác. Tuy nhiên, hiện chuối được thương lái đến tận nơi mua, giá cả cũng cao và ổn định nên trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
Người dân U Minh đang rất phấn khởi với nguồn thu từ cây chuối, từ đó mà nhiều hộ dân tận dụng những khoảnh đất trống trồng chuối để tăng thu nhập cho gia đình.
Tuy nhiên, để việc trồng chuối đạt hiệu quả lâu dài và người trồng chuối không bị thiệt thòi do bị ép giá, các ngành chức năng cần quan tâm đầu tư, tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông dân, tạo được môi trường bền vững cho người trồng chuối.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Fidel Castro mong muốn và chúc quan hệ hợp tác Việt Nam – Cuba – Venezuela ngày càng đơm hoa, kết trái trong công cuộc phát triển đất nước thời gian tới.
Sau 12 năm đăng ký, giờ đây VN có thể xuất trái vải tươi sang Úc, trang tin Cơ quan Truyền thông quốc gia Úc ABC cho biết ngày 12-5.
Trong khi dưa hấu, hành tím phải cậy tới lòng hảo tâm của người tiêu dùng nội thì ngay tại các siêu thị, chợ cóc, hàng ngoại nhập được bán tràn lan. Đến cả tim, pín, lưỡi bò; tăm bông; dầu gội ngoại... cũng lấn lướt “sân nhà”.
Ngày 13/5, đại diện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG SANTE) thuộc Ủy ban châu Âu vừa thông báo đã nhận được chứng thư điện tử đầu tiên trên Hệ thống Chuyên môn và Kiểm soát Thương mại (TRACES) do Cục cấp cho lô hàng thủy sản xuất khẩu sản sang thị trường EU.
Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Minh Sơn (Bắc Mê) đã áp dụng mô hình nuôi ong mật vào phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Với hệ sinh thái đa dạng, phong phú và nhiều diện tích rừng nên địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng để phát triển việc nuôi ong.