Quảng Ngãi Được Mùa Lúa, Trúng Mùa... Rơm
Sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi)… tận thu rơm rạ để bán với giá cao góp thêm một khoản thu không nhỏ cho gia đình. Lúa được mùa, rơm trúng giá, nông dân mừng ra mặt. Trung bình 1 tạ rơm, nông dân bán từ 500- 600 ngàn đồng.
“Phế phẩm” lên ngôi
Những ngày đầu tháng 4, nông dân hối hả bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Những “cánh đồng vàng” ở Đức Lân (Mộ Đức), Phổ Thuận (Đức Phổ) lúa trĩu bông vàng óng do nguồn nước đảm bảo. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi giá lúa ổn định, giá rơm lại cao ngất ngưởng so với mọi năm.
Lúi húi cào rơm, chị Trần Thị Liên, ngụ thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân cho hay: “Lúa được mùa, rơm lại được giá nên bà con ai cũng mừng. Vụ đông xuân năm nay gia đình gieo sạ 4 sào lúa, đã thu hoạch xong. Riêng 9 tạ rơm thu được nhờ trời nắng ráo nên khô giòn, vàng óng. Giờ chỉ cần mình “a lô” là thương lái đến tận nhà để thu mua, nhưng gia đình đang giữ lại để chờ giá”.
Tranh thủ tiết trời nắng ráo, sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân sốt sắng phơi rơm. Sân nhà, đường làng được tận dụng làm sân phơi, những lọn rơm vàng óng trải đều trên khắp cánh đường làng, thoang thoảng mùi rơm mới.
Theo nhiều người dân lý giải, nguyên nhân giá rơm năm nay cao hơn nhiều so với mọi năm là do ảnh hưởng của cơn lũ lịch sử năm 2013, lượng rơm khô dự trữ trong dân bị hư hỏng nhiều nên rơm “sốt” giá.
Ông Huỳnh Tám, thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận cho biết: “Ngày trước, rơm “rẻ rúng” nên khi thu hoạch lúa xong nông dân chọn rơm tốt để làm thức ăn cho trâu bò. Rơm bị hư hỏng do gặp mưa thì đốt tại ruộng để làm sạch cỏ, chuẩn bị cho vụ lúa mới. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, rơm được các thương lái thu mua bán cho các xe vận chuyển hoa quả và người làm nấm… Giá rơm cao nên bà con có thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ”.
“Lợi kép”
Chi phí sản xuất tăng cao, rất nhiều nông dân trồng lúa hiện nay không còn thiết tha với “bờ xôi ruộng mật” mà chuyển sang các loại cây trồng khác. Thế nhưng nông dân ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ bao đời nay vẫn luôn trung thành với cây lúa.
Gắn với nghề trồng lúa hơn 20 năm ông Hà Thế Lợi, ngụ thôn Tú Sơn 2, xã Đức Lân (Mộ Đức) chia sẻ: “Gia đình trồng 5 sào lúa, chủ yếu để ăn còn rơm rạ để bán, một ít dùng làm thức ăn cho trâu, bò… Trồng lúa nếu chỉ thu thóc không thôi thì nông dân như mình thua lỗ nặng, vì giá lúa trong những năm gần đây không tăng, trong khi chi phí vật tư nông nghiệp ngày càng lên cao.
Nhẩm tính, trung bình mỗi sào lúa nông dân thu được khoảng 2 tạ rơm, với giá bán dao động từ 500 – 600 ngàn đồng/tạ rơm, trừ chi phí gia đình cầm chắc 3 triệu đồng từ tiền bán rơm”.
Ông Hà Tấn Hồng - Chủ tịch UBND xã Đức Lân, cho biết: “Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn xã gieo sạ được 735 ha lúa. Ở nhiều chân ruộng trũng, ruộng hóc khó sản xuất, người dân cũng cải tạo lại để trồng lúa. Vụ mùa bội thu, nông dân được lợi kép. Nhiều năm nay, rơm rạ là sản phẩm, giúp nông dân có thêm thu nhập, yên tâm sản xuất, sống được trên thửa ruộng bao đời của mình”.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Tiền Giang), vụ khoai lang năm nay nông dân xuống giống gần 200 ha, chủ yếu là ở các xã vùng đất cát như: Tân Hương, Tân Lý Đông và Tân Lý Tây. Trong vụ này, bà con trồng nhiều nhất là khoai bí đế, một số ít diện tích trồng khoai Nhật (ruột tím).
Những năm gần đây, cây chuối đã khẳng định giá trị kinh tế khi mức thu nhập hiện nay của những hộ trồng chuối đạt từ 30-50 triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ nhờ trồng chuối mà thoát nghèo, có cuộc sống no đủ.
Nông dân trồng xoài ở TP.Cao Lãnh đang lao đao vì nếu giá xoài giảm như hiện nay sẽ không đủ chi phí mua thuốc trừ sâu, thuê nhân công chăm sóc. Có nhà vườn không hái bán để xoài chín rụng kín gốc cây mà không nhặt.
Hội đồng bình tuyển công nhận cây đầu dòng giống bưởi đỏ, bưởi da xanh thực hiện thí nghiệm khoa học kiểm tra khả năng sạch bệnh greening của cây bưởi được đề nghị là cây đầu dòng, đây là tiêu chí quan trọng nhất để nhân rộng cây có múi.
Diện tích nuôi cá điêu hồng hiện nay phát triển khá nhanh, nhất là ở xã Phú Túc (Châu Thành), điển hình nhất là hộ chị Phạm Thị Bé Ba, ở cồn Tân Mỹ thuộc ấp văn hóa Phú Mỹ (Phú Túc), thu lợi nhuận về gần 1,6 tỷ đồng/năm.