Những Trăn Trở Trên Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Xã Mỹ Phước Tây (Tiền Giang)
Mỹ Phước Tây là xã điểm của TX. Cai Lậy (Tiền Giang) được chỉ đạo thực hiện mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với mục tiêu hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, CĐML vẫn chưa thể làm thỏa mãn được kỳ vọng của người dân về hiệu quả đích thực mà mô hình kiểu mẫu này mang lại.
Đến thăm cánh đồng lúa thực hiện theo mô hình CĐML của ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây đang vào thời điểm sắp thu hoạch. Đi trên cánh đồng lúa chín vàng ươm, trĩu hạt, nông dân Lê Văn Đợi cho biết: “Vụ hè thu sớm này là vụ lúa thứ hai tôi tham gia sản xuất theo mô hình CĐML, với giống lúa AGPPS 103 do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cung cấp.
Đây cũng là doanh nghiệp sẽ thu mua lúa của nông dân sau khi thu hoạch. Năng suất lúa vụ này đạt khoảng 8 tấn/ha nhưng chưa được vui, vì chỉ còn không quá 1 tuần là thu hoạch mà vẫn chưa biết doanh nghiệp sẽ thu mua giá bao nhiêu?”.
Nông dân cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thăm đồng lúa sắp thu hoạch ở CĐML của ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây.
Nông dân Võ Văn Bé Năm, ở ấp Láng Biển, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng lúa cũng không tránh khỏi những trăn trở khi tham gia CĐML ở xã Mỹ Phước Tây. Ông Năm cho biết: “Sản xuất theo mô hình CĐML thường phải là các giống lúa chất lượng cao, canh tác dài ngày hơn lúa thường, nhưng doanh nghiệp thu mua giá lại không cao hơn bao nhiêu so với lúa thường.
Việc cung cấp vật tư nông nghiệp cho nông dân của doanh nghiệp cũng còn nhiều bất cập. Bởi có những loại vật tư nông nghiệp nông dân không sử dụng hết hoặc không xài đến mà cũng phải trả tiền, vì doanh nghiệp không thu hồi lại. Doanh nghiệp đưa ra giá lúa thu mua theo giá thị trường chỉ trước 1 ngày thu hoạch mà không hề có sự định giá từ trước hay một quy định ràng buộc nào về giá. Do đó, nông dân vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia CĐML”.
Thực tế trên đã cho thấy nghịch lý là trong khi khuyến cáo nông dân trồng lúa chất lượng cao để tăng giá trị xuất khẩu, nhưng khi thu hoạch thì nông dân chỉ bán được với giá gần như “đánh đồng” với giá lúa thường. Do đó, theo ông Năm, người dân cảm thấy trồng lúa chất lượng cao chưa thực sự mang lại hiệu quả tương xứng với công sức, tâm huyết mà mình đổ xuống đồng ruộng.
Chính vì thế, CÐML ở xã Mỹ Phước Tây tưởng chừng sẽ trở thành mô hình điểm ở xã, nhưng việc liên kết với doanh nghiệp còn bất cập nên nông dân chưa yên tâm và đã có không ít nông dân không còn tham gia thực hiện mô hình.
Theo ông Mai Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước Tây, nông dân thật sự rất “mê” sản xuất lúa theo mô hình CĐML vì được tập huấn kỹ thuật và hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ doanh nghiệp. Thực tế, ngay từ đầu triển khai thực hiện mô hình CĐML trong vụ đông xuân 2013-2014 ở xã Mỹ Phước Tây có 89 hộ của 2 ấp Láng Biển và Long Phước tham gia thực hiện, với 60 ha. Kết quả đó là rất khả quan.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình lại gặp nhiều khó khăn như: Giữa 2 ấp tham gia mô hình xuống giống không cùng thời gian nên thu hoạch không đồng loạt, trong khi doanh nghiệp lại thu mua lúa theo giá thị trường tùy theo thời điểm. Chính vì thế đã gây ra hiện tượng chênh lệch giá, làm cho nông dân có sự so bì về giá thu mua của doanh nghiệp.
Hậu quả là ngay trong vụ hè thu sớm này, xã chỉ còn 27 hộ ở ấp Láng Biển tham gia thực hiện sản xuất theo mô hình CĐML, với diện tích khoảng 23,3 ha. Điều này cho thấy, việc tiêu thụ lúa trong thực hiện CĐML giữa nông dân và doanh nghiệp còn thiếu tính chặt chẽ và thiếu sự ràng buộc lẫn nhau, phần thiệt vẫn thuộc về phía nông dân. Từ đó làm cho một số nông dân không mặn mà với mô hình.
Ông Võ Văn Bé Năm, ở ấp Láng Biển cho biết: “Theo tôi, muốn nông dân “nhảy vào” CĐML thì cần phải tạo niềm tin cho họ. Trước hết là tạo sự khác biệt về hiệu quả kinh tế, đảm bảo giá cả, đầu ra của hạt lúa sau mỗi mùa vụ”.
Về mặt quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hai, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Tây đề nghị, Nhà nước cần quan tâm tham gia giải quyết đầu ra sản phẩm một cách thỏa đáng cho người dân khi tham gia CĐML, để đảm bảo mục tiêu thực hiện mô hình CÐML là nhằm gắn kết sản xuất với nhu cầu thị trường, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, giúp tăng thu nhập cho nông dân.
Riêng về những vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện thí điểm CÐML ở xã Mỹ Phước Tây được xem là những kinh nghiệm, làm cơ sở cho xã thực hiện tốt hơn trong các vụ lúa tới.
Có thể bạn quan tâm
Nhắc đến nghề nuôi rắn hầu như ai cũng nhớ ngay đến Làng nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã huyện Lâm Thao và Làng nghề nuôi và chế biến rắn Khuôn Dậu xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, bởi đến nay toàn tỉnh Phú Thọ mới có 2 làng nghề có sản phẩm độc đáo này.
Ngày 4/7, Hội Nông dân Hà Nội tiến hành giải ngân dự án chăn nuôi bò sữa cho 24 hội viên, nông dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với lãi suất là 0,7%/tháng, thời hạn vay 36 tháng với tổng số tiền là 800 triệu đồng.
Trong những ngày gần đây, thời tiết liên tiếp nắng nóng 35 - 40 độ C khiến cho nhiều hộ dân trong tỉnh Bắc Giang phải xoay sở chống nóng để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi và cây trồng.
Việc phát triển chăn nuôi bò sữa phải được các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát trên cơ sở phát triển có quy hoạch, có kế hoạch gắn với nhu cầu chế biến của các công ty chế biến sữa. Người mới phát triển chăn nuôi bò sữa phải được đào tạo, huấn luyện nhằm sản xuất sản phẩm sữa đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả và bền vững.
Ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch - Quảng Bình) cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Bá (SN 1960) được mọi người nhắc đến như một tấm gương điển hình dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu trên vùng đất khó. Với mô hình lò ấp trứng gà, mỗi năm ông Bá thu về lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng...