Bắc Giang Vùng Chuyên Canh Rau Hối Hả Vào Mùa
Nông dân khẩn trương thu hoạch sản phẩm kết hợp chăm sóc trà rau mới; thương lái tới thu mua, vận chuyển hàng đi các tỉnh tiêu thụ là hình ảnh quen thuộc tại các vùng chuyên canh rau hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang dịp này.
Rau đi muôn nơi
Cánh đồng trồng rau thôn Ghép, xã Thái Đào (Lạng Giang) những ngày này xanh mướt bắp cải, su hào, hành tây. Đang chăm sóc luống bắp cải, bà Phạm Thị Kim cho biết: “Gia đình tôi vừa thu hoạch lứa su hào. Giá bán từ 5 - 7 nghìn đồng/củ cho thương lái tại ruộng, trừ chi phí lãi hơn ba triệu đồng/sào. Tôi còn hai sào bắp cải để bán vào dịp Tết. Thời điểm này, ngoài chú ý phòng bệnh thối nhũn và sâu xanh, sâu tơ cho rau tôi phải tỉa lá để cải cuốn chặt, to hơn”.
Cùng thôn, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy cũng vừa cắt bán 5 sào bắp cải thu về gần 20 triệu đồng sau trồng gần 4 tháng. Với diện tích trồng màu gần một mẫu, bà luân canh hết lứa rau này lại xử lý đất trồng gối lứa khác. Hơn 15 năm trồng rau, bà nắm được thời điểm rau rộ hoặc khan hiếm để điều tiết diện tích và có biện pháp chăm sóc phù hợp nên rau thường được giá.
Được biết, vụ đông này xã Thái Đào có gần 20 ha rau các loại, tập trung ở hai thôn: Ghép, Then. Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8 âm lịch đến tháng Giêng năm sau, người dân thường trồng ba lứa rau. Ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Đào khẳng định: “Các loại rau của xã cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Mỗi ha rau cho thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Xã đã quy hoạch, xây dựng hạ tầng cho vùng chuyên canh trồng màu”. Do vậy, Thái Đào quanh năm có rau cung cấp cho thị trường, mùa nào thức ấy.
Tại đại lý thu mua nông sản Sỹ Bẩy nằm ven quốc lộ 31, đoạn qua thôn Ghép, vợ chồng chủ nhà đang cẩn thận xếp từng chiếc bắp cải vào túi ni lông chờ xe tải đến bốc hàng. Anh Nguyễn Văn Sỹ, chủ đại lý nói: “Chỗ bắp cải này sẽ được thương lái vận chuyển đi Quảng Ninh ngay trong đêm để khi đến tay người tiêu dùng rau còn tươi. Mỗi ngày tôi cân 1 - 2 tấn rau, cao điểm lên đến hơn 5 tấn, mang tiêu thụ chủ yếu tại một số tỉnh miền Trung, miền Nam. Tôi làm nghề này được hơn 20 năm. Khách buôn ở các tỉnh khác biết tiếng nên cần mua rau ở khu vực này họ đều tìm đến tôi đặt hàng”.
Tại các xã: Chu Điện, Bảo Đài, Thanh Lâm (Lục Nam) với diện tích chuyên trồng rau gần 200 ha, các chủ điểm cân cũng đang tất bật cùng thu hái và cân rau tại ruộng cho nông dân. “Thời điểm này rau hiếm hơn dịp trước. Không nhanh chân thì không mua được hàng. Tôi phải huy động cả nhà vừa cắt tại ruộng của các hộ vừa vận chuyển bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ nhu cầu của khách”- bà Nguyễn Thị Luân, chủ một điểm cân ở thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện cho hay. Tại xã Chu Điện có 7 điểm thu mua rau, củ, quả của nông dân mang đi muôn nơi.
Bảo đảm nguồn cung, chất lượng sản phẩm
Nhộn nhịp không kém là các vùng trồng rau khác trong tỉnh như: Đông Lỗ (Hiệp Hòa), Cao Thượng (Tân Yên), Quang Thịnh, Tân Thịnh (Lạng Giang)… Tại đây, nông dân vừa thu hoạch, vừa chăm sóc trà rau đón Tết. Những địa phương này từ lâu đã là vùng rau có tiếng, là điểm đến của nhiều thương nhân. Mỗi xã đã hình thành từ vài đến hàng chục điểm cân rau, người dân không phải mang ra chợ bán như trước đây. Để sản phẩm giữ được uy tín với khách, một số nơi chú trọng cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đơn cử, vụ đông này, UBND xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại thôn Đông, thôn Dưới. Trên diện tích 10 ha, mương, đường đều được mở rộng, thuận lợi cho tưới tiêu, thu hoạch. Bà con tham gia sản xuất rau an toàn được hỗ trợ một phần giá giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Ông Nguyễn Văn Dung, thôn Đông phấn khởi: “Được tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, tôi biết cách mua thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục và biện pháp canh tác tổng hợp để rau ít sâu bệnh. Với ba sào rau an toàn, trừ chi phí gia đình tôi lãi khoảng 4 triệu đồng. Hiện còn 5 sào rau nữa dự kiến được bán vào tháng Chạp”.
Theo ông Dung, trồng rau theo quy trình mới dù tốn công hơn phương pháp truyền thống nhưng bù lại đã hạn chế sử dụng hóa chất, sản phẩm an toàn cho người sản xuất, tiêu thụ. Từ kết quả của vụ này, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ cấp chứng nhận vùng sản xuất rau VietGAP tại xã Cảnh Thụy. Đây là điều kiện thuận lợi xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, lượng rau xanh, rau củ trồng bán Tết toàn tỉnh Bắc Giang ước khoảng 4 nghìn ha, tập trung tại các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng. Các loại rau chủ yếu gồm: Su hào, cải bắp, cà rốt, cà chua, súp lơ, hành, khoai tây… Sản lượng đạt hàng trăm nghìn tấn, bảo đảm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, trên cánh đồng đậu nành (ĐN) 51 ha của xã Trường An (TP Vĩnh Long), nông dân đang dồn sức thu hoạch. Tất bật nhưng ai cũng vui bởi vụ ĐN năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá.
Theo định hướng phát triển ngành mía đường ĐBSCL đến năm 2020, các tỉnh này sẽ mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu rộng khoảng 60.000 ha, tập trung tại Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, tăng 8.000 ha so thời điểm hiện tại.
Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.
Khi cấy, gốc và rễ mạ bị dúi sâu 3-5 cm trong bùn đất do vậy cây lúa lâu hồi xanh, đẻ nhánh muộn và hay bị bệnh nghẹt rễ làm giảm năng suất, tăng chi phí phân bón, kéo dài thời gian sinh trưởng. Ném mạ trong phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa khắc phục được những nhược điểm này.
Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.