Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quản Lý Lúa Đông Xuân Đầu Vụ

Quản Lý Lúa Đông Xuân Đầu Vụ
Ngày đăng: 29/12/2014

Những ngày qua, thời tiết nắng mưa đan xen, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh bộc phát gây hại trên ruộng lúa. Để đảm bảo thắng lợi cuối vụ, vấn đề quản lý lúa “miễn nhiễm” các sâu bệnh giai đoạn lúa đầu vụ đang được nhiều nông dân đặc biệt quan tâm.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh đã cơ bản xuống giống dứt điểm vụ lúa Đông Xuân trên tổng diện tích 63.000ha. Lúa chủ yếu giai đoạn mạ đến đòng trổ. Tính đến ngày 15/12/2014, đã ghi nhận hơn 3.400ha lúa nhiễm các loại sâu bệnh, tăng khoảng 3.000ha so tuần trước.
Trong đó, rầy nâu gây hại lúa cuối giai đoạn đẻ nhánh nhiều nhất tại huyện Trà Ôn, mật số 1.000 - 1.500 con/m2. Bên cạnh, rầy nâu phổ biến tuổi 3 - 5 còn gây hại trên các trà lúa thơm như OM4900, Jasmine ở các xã Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Tân Mỹ, Trà Côn và Tích Thiện. Nông dân phát hiện và xử lý kịp thời nên mật số rầy hiện đã giảm.
Bệnh đạo ôn, cháy bìa lá là những đối tượng được xem là đáng lo nhất khi phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn mạ như hiện nay.
Theo PGS-TS Phạm Văn Kim - nguyên giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ), với điều kiện thời tiết nắng nóng ban ngày và lạnh vào đêm như hiện nay, ngoài rầy nâu cần quan tâm bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá.
Gần đây, ruồi đục lá cũng phát triển gây hại mạnh. Những ruộng sạ dày, xuống giống 15 ngày dễ bị nhiễm đạo ôn nhất, còn sạ thưa hơn thì khoảng 20 - 25 ngày đạo ôn mới bắt đầu xuất hiện. Và cũng thời điểm này, bệnh thối gốc do vi khuẩn dễ tấn công lúa để gây hại nặng.
Anh Nguyễn Văn Nguyện (xã Long Phú - Tam Bình) cho biết, ruộng lúa gieo sạ được khoảng 20 ngày thấy dấu hiệu xuất hiện bệnh đạo ôn, anh đã mua thuốc phun xịt, các vết bệnh khô lại không còn lây lan nhưng tình trạng thối gốc, thối bẹ không giảm. Nhận định lúa không đủ cơ số chồi cho sự phát triển về sau nên hiện anh rất lo lắng.
Theo PGS-TS Phạm Văn Kim, nếu gặp trường hợp này cần tháo nước, rải vôi 20 - 25 kg/công, sau đó tiến hành phun thuốc trừ sâu đặc trị theo khuyến cáo.
Thấy lúa thuyên giảm, cần tiếp tục rải phân. Đây là yếu tố quan trọng giúp lúa phục hồi sau bệnh, giúp lúa đẻ nhánh kịp phát triển có số chồi tối đa từ 800 - 1.000 chồi/m2trước khi lúa bước vào giai đoạn trổ bông. Tốt nhất, bón phân nên kết hợp đo chiều cao cây lúa. Bình quân mỗi ngày lúa tăng 1,3 phân, nếu lúa thấp hơn cần tăng cường phân đạm.
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, khâu quản lý nước rất quan trọng đối với cây lúa hiện nay. Nếu có điều kiện cần thực hiện khâu tháo nước giữa vụ để rửa một số chất độc trong đất. Về phân bón, cần chú ý không bón thừa phân đạm, làm cho lúa suy yếu làm cho nhiều loại dịch bệnh dễ dàng tấn công.
Dự báo những ngày tới, rầy nâu sẽ trưởng thành và di trú, gây hại nhẹ trên lúa giai đoạn mạ đến trổ. Ngoài ra, bệnh đạo ôn dưới ảnh hưởng thời tiết lạnh sẽ phát triển, đặc biệt trên những ruộng bón thừa phân đạm.
Anh Nguyễn Duy Tâm (xã Nhơn Bình - Trà Ôn) có hơn 10 công ruộng đang rất phân vân có nên hay không việc bón phân đón đòng. Bởi những vụ trước anh cũng thực hiện thao tác này nhưng hiệu quả không cao.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Quỳnh - giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ), thời điểm thích hợp bón phân đón đòng là khi cây lúa tượng khối sơ khởi hay còn gọi là tượng đòng đến trổ và vào chắc. Giai đoạn này thường quyết định đến năng suất cuối vụ.
Riêng giải pháp quản lý rầy nâu đối với ruộng lúa giai đoạn mạ, theo PGS-TS Nguyễn Văn Quỳnh không thể “né” được rầy nâu di trú mà cần áp dụng các biện pháp bổ sung bằng cách điều khiển mực nước ruộng, ban đêm bơm nước phủ cả đọt lúa, ban ngày rút bớt xuống tới chảng 3 cây lúa để giảm sự đeo bám của rầy. Bên cạnh, cũng cần áp dụng đồng bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” “1 phải, 5 giảm” để giảm giá thành sản xuất.
Theo dự báo vụ Đông Xuân 2014 - 2015, hiện tượng El Nino có khả năng xuất hiện ở nước ta sẽ khiến cho lượng mưa bị thiếu hụt, gây tình trạng thiếu nước và khô cạn cục bộ, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chủ động xây dựng các phương án, chủ động khắc phục khó khăn.


Có thể bạn quan tâm

Đổi Thay Trong Phát Triển Kinh Tế Ở Kim Thạch Đổi Thay Trong Phát Triển Kinh Tế Ở Kim Thạch

Những thế mạnh, tiềm năng của xã đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tập trung khai thác, biến những lợi thế thành động lực để thúc đẩy mặt bằng kinh tế chung trong toàn xã phát triển đi lên.

07/10/2014
Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp

Ở Hậu Giang, kinh tế tập thể đã thể hiện một phần vai trò tích cực trong cơ cấu nền kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, hiện còn nhiều hợp tác xã yếu kém, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực từ ngành chức năng.

07/10/2014
Châu Âu Ra Châu Âu Ra "Tối Hậu Thư" Với Hoa Quả Việt Nam

Ngày 6-10, Vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Công thương đã công bố cảnh báo của Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng châu Âu (DG SANCO) với “tối hậu thư” cảnh báo hàng hoa quả xuất khẩu của VN.

07/10/2014
Miễn Thuế VAT Cho Thức Ăn Chăn Nuôi Sản Xuất Công Nghiệp Miễn Thuế VAT Cho Thức Ăn Chăn Nuôi Sản Xuất Công Nghiệp

Đó là một trong ba nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề nghị bổ sung vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

07/10/2014
Tôm Việt Nam Không Lùi Bước Tôm Việt Nam Không Lùi Bước

Vùng nuôi tôm ở ĐBSCL đang bị tác động giảm giá sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố danh sách các DN XK tôm của VN bị kiện chống bán phá giá.

07/10/2014