Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Mô Hình Nuôi Rắn Giảm Nghèo Ở Đồng Tháp

Những Mô Hình Nuôi Rắn Giảm Nghèo Ở Đồng Tháp
Ngày đăng: 09/01/2013

Nông dân ngày nay rất sáng tạo, có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Trong đó có nhiều mô hình nuôi rắn giúp nông dân làm giàu, phát triển kinh tế gia đình.

Từ Quốc lộ 80, chạy dọc theo lộ 26/3 thuộc ấp Vĩnh Lợi B, xã Vĩnh Thạnh (Lấp Vò - Đồng Tháp) khoảng 3km, gặp một căn nhà cấp 4 mới cất khá khang trang. Đó là nhà của anh Huỳnh Văn Khi, vừa mới được xây dựng từ nguồn thu nhập nhờ nuôi rắn hổ hèo.

Anh Khi cho biết, vợ chồng anh không có cục "đất chọi chim". Anh chuyên nghề bán "hàng la". Với chiếc xe gắn máy chở vải bán khắp nơi từ chợ xã đến chợ huyện. Muốn bán đắt hàng phải la thật lớn, rao hàng thật nhiều. Bán riết rồi anh la không nổi, mà thu nhập không bao nhiêu nên anh phải chuyển nghề.

Nghe bạn bè nói rắn hổ hèo rất dễ nuôi lại cho thu nhập cao. Năm 2011, anh đi Gò Dầu (Tây Ninh) tham quan và mua 100 con rắn con với giá 100.000 đồng/con. Anh xây chuồng ngang 2m, dài 4m, cao 0,8m, ngăn làm đôi, dưới tráng xi măng, trên đậy bằng lưới dây kẻm không cho rắn chui ra. Anh cho biết, rắn hổ hèo rất hiền và rất dễ nuôi, mỗi ngày cho ăn và vệ sinh chuồng một lần, thức ăn là ếch, nhái, cá, chuột được anh bắt xung quanh nhà. Rắn ít bị bệnh, nếu có chỉ bị bệnh tiêu chảy thì mua men tiêu hóa của thú y trị rất hiệu quả.

Nuôi sau 8 tháng rắn bắt đầu đẻ, mỗi con rắn cái đẻ được 9 - 15 trứng. Rắn con bán giá 200.000 đồng/con. Nếu để nuôi rắn thịt 12 tháng xuất chuồng, rắn có trọng lượng từ 1,2 - 1,3kg gọi là rắn đại, bán giá 800.000 đồng/kg, rắn nhất có trọng lượng dưới 1,2 kg, giá 700.000 đồng/kg. Rắn thịt được thương lái thu mua xuất đi Trung Quốc.

Với nguồn vốn ban đầu khoảng 12 triệu đồng, năm đầu anh Huỳnh Văn Khi bán rắn con được khoảng 70 triệu đồng, chưa kể số rắn bố mẹ để lại làm giống. Năm nay lợi nhuận từ nuôi rắn khoảng 100 triệu đồng. Có nguồn thu nhập khá, anh vừa cất căn nhà cấp 4 khoảng 70 triệu đồng.

Còn anh Nguyễn Minh Tiến ở ấp 5, xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) có thu nhập khá nhờ nuôi rắn ri voi. Vợ chồng anh có 6 đứa con, không ruộng đất, chuyên đi làm thuê, nhà ở cặp bờ kinh, mùa nước lên phải chạy lũ. Được chính quyền địa phương bố trí một căn nhà trong cụm dân cư. Năm 2011, trong khi giăng câu anh bắt được một con rắn ri voi cái. Anh kiếm thêm con đực phối giống. Anh Tiến cho biết, rắn ri voi rất dễ nuôi lại ít bị bệnh, ở cụm dân cư, nhà không có đất trống, anh nuôi rắn trong các "khạp da bò".

Thời gian rảnh, anh đi bắt ếch, nhái cho rắn ăn, nuôi khoảng 12 tháng rắn đạt trọng lượng 1kg, mỗi năm rắn đẻ một lứa 18 - 19 con. Đến nay anh đã gầy được 36 rắn con. Nếu bán giống, mỗi con rắn con có giá 100.000 đồng, còn bán rắn thịt, mỗi con có trọng lượng từ 1,2 - 1,5 kg, giá từ 700.000 - 800.000 đồng/kg.

Hiện nay cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Minh Tiến cũng tạm ổn định. Ngoài việc làm thuê kiếm sống hàng ngày, việc nuôi rắn ri voi giúp anh có thêm thu nhập. Để tăng nhanh số lượng đàn rắn, anh Tiến cho biết khi lứa rắn này lớn, anh không bán thịt mà tiếp tục gầy giống để bán rắn con, thu nhập sẽ nhiều hơn.


Có thể bạn quan tâm

Hơn 500 nông dân được học nghề Hơn 500 nông dân được học nghề

Năm 2015, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Bình Định) đã mở được 15 lớp dạy nghề cho 515 học viên trên địa bàn tỉnh.

13/10/2015
Trúng mùa cam xoàn Trúng mùa cam xoàn

Các huyện Lấp Vò, Lai Vung (Đồng Tháp) đang bước vào vụ thu hoạch cam xoàn, sản phẩm tiêu thụ tốt.

13/10/2015
Nâng độ phì nhiêu sản xuất mía Nâng độ phì nhiêu sản xuất mía

Vừa qua, tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), Viện Nghiên cứu Mía đường (Viện Khoa học nông nghiệp VN) tổ chức hội thảo “Biện pháp kỹ thuật tổng hợp, duy trì, nâng cao độ phì nhiêu đất tại vùng trồng mía Tây Ninh”.

13/10/2015
PHB 71 trên cánh đồng mẫu lớn PHB 71 trên cánh đồng mẫu lớn

Thời gian sinh trưởng và chiều cao của PHB 71 tương đương các giống lúa đối chứng, song chống đổ tốt hơn. Chất lượng gạo thơm ngon, hạt cơm cũng dẻo hơn nhiều so với các giống lúa khác...

13/10/2015
Sản xuất lúa chất lượng T10 Sản xuất lúa chất lượng T10

Vụ mùa 2015, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang phối hợp với UBND xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn triển khai mô hình SX giống lúa chất lượng cao T10 với diện tích 30 ha, có 150 hộ tham gia.

13/10/2015