Mùa Thu Hoạch Cà Phê
Mùa thu hoạch cà phê 2014-2015 đã vào vụ hơn một tháng nay. Hàng ngàn lao động từ các tỉnh đồng bằng được những chủ vườn cà phê đưa lên hái cà phê cho mình và những vườn lân cận… Điều đáng mừng là hầu hết đều có thu nhập ổn định, giúp người trồng cà phê yên tâm trong vụ thu hoạch này.
Với diện tích cà phê gần 80.000 ha, trong đó phần lớn đã bước vào giai đoạn kinh doanh, thời điểm này hầu hết các vườn cà phê chủ yếu ở các huyện phía Tây của tỉnh đã chín rộ, vào vụ thu hoạch trong niềm vui khi giá cà phê đầu vụ này cao hơn nhiều so với năm ngoái.
Năm nay, không còn cảnh chạy đôn chạy đáo để tìm công “hái cà” như những năm trước. Thay vào đó, các chủ vườn về quê tìm nhân công rồi đưa lên để thu hoạch cho kịp thời vụ. Sau đó, số nhân công này được giới thiệu sang nhà khác để tiếp tục hái. Thời điểm này, nguồn lao động từ các tỉnh đồng bằng đang nhàn rỗi vì chưa vào vụ sản xuất. Vì vậy, họ đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Ông Nguyễn Đình Việt (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: Toàn thôn có 196 gia đình ở 17 tỉnh, thành sinh sống hòa thuận từ nhiều năm nay. Cuộc sống của hầu hết người dân trong thôn đều sống dựa vào cây cà phê. Đến vụ thu hoạch họ về quê hợp đồng thuê nhân công lên đây hái. Hái được 1 tạ cà phê tươi sẽ nhận được từ 70-80 ngàn đồng. Trung bình một ngày một người hái được 2-2,5 tạ. Dù vậy vẫn còn thiếu nhân công để hái cà phê.
Khác với huyện Ia Grai, những chủ vườn cà phê ở Chư Prông thường kiếm công lao động từ khá sớm để chủ động cho việc thu hái được suôn sẻ thuận lợi. Bà Phạm Thị Hoa (thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) tâm sự: “Nhà tôi có 2 ha cà phê kinh doanh, khi chuẩn bị bước vào thu hoạch đã chủ động tìm kiếm công thu hái từ các huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và lao động từ các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định…
Vì nếu để đến ngày thu hoạch mới kêu thì rất khó tìm nhân công cho đủ số lượng để thu hoạch. Với diện tích này phải mất gần 2 tháng mới thu hoạch xong, sau đó họ tiếp tục phơi, sàn sảy… Nhân công hái cà phê cho gia đình được nuôi ăn ở trong nhà, sau đó trả tiền lương từ 3,6 triệu đồng đến 3,8 triệu đồng/tháng. Hiện nay bà con trong thôn nhà nào cũng nuôi từ 5 đến 6 người như vậy để hái cà. Một hình thức khác là cho họ số điện thoại và cứ đến tháng này là họ liên lạc với mình. Để đảm bảo chủ vườn thường đi đăng ký tạm trú tạm vắng cho nhân công hái cà phê”.
Hiện nay người hái cà có hai phương án chọn lựa để tính tiền công lao động của mình là khoán theo sản phẩm hàng ngày, hoặc nhận tiền công 150 ngàn đồng/ngày/người lao động. Thời gian làm việc của lao động cũng khá thoải mái buổi sáng bắt đầu làm việc từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút kiểm cà phê hái được đem về.
Anh Rmah Mép (làng Gok A, xã Ia Pia, huyện Phú Thiện) cho hay: “6 anh em trong làng lên thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) hái cà phê được gần một tháng nay, ăn nghỉ trong nhà chủ vườn. Mọi người cùng hái chung ăn theo sản phẩm một tạ 70 ngàn đồng. Trung bình mỗi người kiếm được 200 ngàn đồng/ngày sau khi trừ các chi phí. Ngoài ra chủ vườn còn hỗ trợ thêm thức ăn nên 6 người chúng tôi đều vui vẻ, tuân thủ mọi điều kiện chỉ bảo của chủ vườn.
Một trong những nỗi lo thường trực trong mỗi vụ thu hoạch là tình trạng mất cắp cà phê hầu như năm nào cũng có. Năm nay tình trạng này đã được ngăn chặn khá hiệu quả. Những diện tích bị mất trộm chủ yếu là ở những vườn xa khu dân cư, ít người trông coi, còn lại không đáng kể.
Anh Ngô Thanh Việt (thôn Cây Điệp, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho hay: Năm nay không còn tình trạng mất trộm cà phê như những năm trước nữa. Vì hầu hết các thôn, làng đều thành lập các tổ tự quản chia nhau túc trực, khi phát hiện có người lạ vào khu vực vườn cà phê thì lập tức bị kiểm tra và theo dõi, các chủ vườn chỉ hỗ trợ một ít tiền cho tổ tự quản hoạt động.
Bên cạnh đó các tổ tự quản ở các thôn, làng và xã tuần tra thường xuyên giúp người dân ngăn chặn tình trạng trộm cắp, chặt phá cây cà phê như những năm trước. Cùng với các tổ tự quản, tại nhiều địa phương các chủ vườn liền kề nhau thường thay phiên túc trực coi giùm lẫn nhau góp phần bảo vệ tài sản khá hiệu quả.
Nguồn bài viết: http://baogialai.com.vn/channel/722/201411/mua-thu-hoach-ca-phe-2355059/
Có thể bạn quan tâm
Các cơ quan chức năng thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã tích cực triển khai thực hiện việc tháo dỡ bẫy tôm hùm con, nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn hàng ngàn bẫy đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi việc thực hiện Chỉ thị số 01 của UBND tỉnh Bình Thuận vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Vào tháng 8-2012, Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre thực hiện đề tài “Du nhập và nuôi thích nghi gà Đông Tảo tại Bến Tre”. Huyện Châu Thành được hỗ trợ 4 mô hình: 2 mô hình nuôi gà Đông Tảo lai và 2 mô hình nuôi gà Đông Tảo thuần tại xã Sơn Hòa và Tam Phước.
Từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi cho việc vươn khơi bám biển, nên sản lượng khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 16.170 tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác cá ngừ đại dương đạt hơn 470 tấn, tăng gần 3,5%.
Theo chân ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), qua chợ vải thiều những ngày cuối vụ, cảnh mua bán đã không còn tấp nập như vài ngày trước. Người viết muốn tìm mua một chùm vải thiều VietGap loại 1 để thưởng thức cũng thật khó, bởi thương lái đã bao tiêu toàn bộ lượng vải ở chợ cho đến cuối vụ.
Thời gian gần đây, cụm từ chuyển đổi đất sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) sang trồng màu đã không ít lần được một số nhà chuyên môn lẫn lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhắc đến. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: “chuyển sang trồng màu, ai lo đầu ra cho nông dân?