Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những mô hình hay trong phát triển nông nghiệp đô thị

Những mô hình hay trong phát triển nông nghiệp đô thị
Ngày đăng: 07/05/2015

Các mô hình này không những góp phần giải quyết việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân ở địa phương mà còn giúp giải quyết hiệu quả nhu cầu về sử dụng sản phẩm nông nghiệp tươi sống, chất lượng của cộng đồng dân cư ở khu vực thành thị.

Là nhà vườn có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất hoa lan, ông Văn Phú Kinh ngụ ấp 2, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Trên cùng một đơn vị diện tích thì trồng hoa lan cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Đối với vườn lan đang tuổi trưởng thành, trung bình 1.000m2 nhà vườn có thể lãi từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên hoa lan rất khó chăm sóc, vốn đầu tư cao. Do đó, đòi hỏi nhà vườn phải có tay nghề và kỹ thuật canh tác tốt mới đảm bảo được lợi nhuận”.

Hiện mô hình trồng hoa lan đang phát triển mạnh ở TP.Cao Lãnh, chủ yếu là trồng hoa lan cắt cành. Bên cạnh đó, những dịp lễ, Tết, nhiều nhà vườn cũng đầu tư cung cấp sản phẩm lan chậu nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Theo một số nhà vườn trồng lan ở TP.Cao Lãnh, những năm gần đây, xu hướng chơi lan phát triển rất mạnh do đó ngoài thị trường cho hoa lan cắt cành thì lan chậu cũng là một đầu ra tiềm năng cho nhà vườn.

Một số nhóm lan chính được trồng nhiều ở TP.Cao Lãnh hiện nay là nhóm Dendrobium và Mokara (giống chủ yếu nhập từ Thái Lan), Catleya, Phalaenopsis (nhập từ Đài Loan). Theo tính toán của nông dân, trung bình 1ha trồng hoa lan cắt cành mỗi năm có thể thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Không cho lợi nhuận hấp dẫn như mô hình trồng hoa lan nhưng mô hình trồng nấm bào ngư đang phát triển mạnh ở nhiều khu vực trên địa bàn TP.Cao Lãnh. Cô Võ Kim Phương ngụ tổ 4, ấp Hòa Hưng, xã Hòa An chia sẻ: “Hiệu quả trồng nấm bào ngư rất khả quan. Ban đầu tôi được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thành phố hỗ trợ 2.000 bịch phôi trồng thử nghiệm. Sau lần được hỗ trợ, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư tiếp 2.500 bịch phôi. Ưu điểm của nấm bào ngư là không cần sử dụng thuốc, phân bón, nông dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng. Đặc biệt, trồng nấm bào ngư không tốn nhiều diện tích đất nên rất phù hợp phát triển ở vùng ven đô thị. Trung bình 2.000 bịch phôi trồng khoảng 8 tháng có thể cho lãi trên 15 triệu đồng”.

Nấm bào ngư dễ trồng, cho thu nhập khá lại không tốn nhiều diện tích đất và nhẹ công chăm sóc. Mô hình này góp phần cải thiện kinh tế cho người dân, đồng thời tạo thêm nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng ở khu vực thành thị.

Bên cạnh phát triển các mô hình canh tác loại cây trồng mới, TP.Cao Lãnh cũng tập trung phát triển thế mạnh nông nghiệp theo chiều sâu như xây dựng vùng chuyên canh xoài theo hướng an toàn, phát triển du lịch sinh thái miệt vườn nhằm tăng cao giá trị kinh tế cho người nông dân.

Ông Lê Thành Tính - Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thành phố cho biết: “Hiện nay, trong định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, TP.Cao Lãnh lựa chọn hoa lan là loại cây trồng ưu tiên; đối với cây xoài, thành phố cũng định hướng xây dựng thành vùng chuyên canh sản xuất xoài theo hướng an toàn và sẽ gắn kết phát triển du lịch sinh thái tại một số điểm trọng yếu. Ngoài ra, thành phố cũng đang đề xuất phát triển thêm một số mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện ở địa phương, nhằm góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân”.

Trong nhịp độ phát triển đô thị, thì việc lựa chọn phát triển mô hình nông nghiệp đô thị phù hợp là một hướng đi tất yếu. Phát triển nông nghiệp đô thị góp phần giảm chi phí đóng gói, lưu trữ và vận chuyển nông sản phẩm để cung ứng cho khu vực đô thị. Nếu tổ chức tốt việc sản xuất theo công nghệ sạch, nông nghiệp đô thị có thể tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống và an toàn, góp phần to lớn vào việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị. Điều này càng trở nên có ý nghĩa thiết thực trong điều kiện hiện nay, khi yêu cầu về thực phẩm ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.


Có thể bạn quan tâm

Thành Công Bước Đầu Thành Công Bước Đầu

Sau gần 1 năm triển khai, đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa” đã ghi nhận những kết quả bước đầu: tạo được nguồn giống nhân tạo, đạt hiệu quả khá cao về kinh tế.

13/11/2013
Đưa Cá Đối Thành Sản Phẩm Hàng Hóa Đưa Cá Đối Thành Sản Phẩm Hàng Hóa

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá đối trong ao nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Thấy rõ hiệu quả, năm 2013 bà con ngư dân mở rộng diện tích nuôi, không những cải thiện môi trường ao nuôi mà còn cho lợi nhuận cao.

13/11/2013
Còn Đâu Thời Hoàng Kim Của Làng Nuôi Cá Giống Độc Nhất Miền Tây Còn Đâu Thời Hoàng Kim Của Làng Nuôi Cá Giống Độc Nhất Miền Tây

Đã có một thời, người ta gọi làng nuôi cá giống An Hòa Xương là làng của những người giàu, bởi nhà nào cũng có xe cúp, xe dream, tivi, tủ lạnh, ruộng đất mênh mông vì trúng cá tra, basa giống… Còn nay, làng này trở nên đìu hiu sau nhiều năm làm ăn thất bát!

13/11/2013
Trao Chứng Nhận VietGAP, GlobalGAP Cho 3 Trại Chăn Nuôi Heo, Gà Và Thuỷ Sản Trao Chứng Nhận VietGAP, GlobalGAP Cho 3 Trại Chăn Nuôi Heo, Gà Và Thuỷ Sản

Sáng 12/11/2013, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng VI đã trao chứng nhận VietGAP cho trại nuôi heo Minh An (ấp Cái Cạn, xã Mỹ Phước - Mang Thít - Vĩnh Long), trại gà Nguyễn Khoa (ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ - Trà Ôn); Công ty Intertek Việt Nam đã trao chứng nhận GlobalGAP nuôi thủy sản cho Công ty TNHH Tầm Zu (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) (ảnh).

13/11/2013
Bà Bà "Chúa" Nuôi Ong

Nhìn vẻ ngoài trẻ trung, đầy nữ tính, ít ai biết được bà Phan Thị Ngọc Điệp (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã bước vào tuổi 44 với gần 30 năm phiêu bạt, rày đây mai đó theo bầy ong đi tìm mật.

13/11/2013