Những Lưu Ý Khi Nuôi Cá Rô Đồng
Cá rô đồng nuôi theo hướng công nghiệp là một mô hình được nhiều hộ gia đình thuộc khu vực ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng áp dụng. Vì loại hình vật nuôi này thường mang lại nguồn lợi nhuận khá cao và rủi ro về dịch bệnh không lớn. Nếu người nuôi am tường về con giống, áp dụng tốt kỹ thuật nuôi cũng như quy luật cung cầu cá thịt.
Cá rô là loại cá tương đối dễ nuôi, có mức tăng trưởng khá nhanh, nuôi 4-5 tháng nếu áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật phù hợp thì cá đạt trọng lượng từ 10-15 con/Kg và năng suất từ 3-5 tấn/1.000m2. Thịt cá rô đồng rất ngon, được ưa chuộng và có giá bán khá cao trên thị trường.
Trong thời gian qua Trung Tâm khuyến Nông đã kết hợp với Chi Cục Thuỷ Sản, Hội Nông Dân thành phố triển khai nhiều lớp tập huấn cho nông dân có nhu cầu nuôi qua đó giúp nông dân có thêm kỹ thuật tốt và đa số những nông dân được tập huấn đều nuôi có hiệu quả.
Có thể nói hiệu quả của cá rô đồng ở Cần Thơ chỉ đứng sau con cá tra và tôm càng xanh, tuy nhiên hiện nay quy hoạch vùng nuôi đối với loài cá này chưa được xác định cụ thể như cá tra và tôm càng xanh.
Mặc dù cá rô đồng đưa vào nuôi dưới hình thức công nghiệp nhưng với đặc tính thường xuyên bơi lội, quẫy mình, nên chất lượng thịt của cá vẫn không có sự thay đổi về mùi vị và độ dai của thịt như cá tự nhiên, do đó cá rô nuôi vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, chứ không như loại cá lóc nuôi cho thịt bở, mất vị thơm và độ ngọt.
Trong quá trình nuôi chúng ta cần hết sức lưu ý đến các đặc điểm mang tính bắt buộc đối với loài cá này như:
- Nên nuôi bằng con giống nhân tạo và nhất là phải kiểm soát được nguồn giống, tốt hơn cả là nên tự tạo được nguồn giống để chủ động theo kế hoạch nuôi. Khi ương cá bột khoảng 40-45 ngày thì có thể lọc lồng để cá đồng cở và qua đó chọn được đàn cá có tỉ lệ cá cái cao nên nuôi cá mau lớn và đạt năng suất cao.
- Cần cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên có hàm lượng đạm cao trên 30% ở 2 tháng đầu và sau đó phối hợp với thức ăn tự chế từ nguồn phụ phẩm có nguồn gốc động vật, tuy nhiên cần theo tỉ lệ nhất định( không nên quá 50% tổng lượng thức ăn) và cần cho cá ăn thúc liên tục vì nếu không cho cá ăn đủ số lượng và chất lượng thức ăn cá sẽ chuyển sang thành thục sinh dục sớm và sẽ chậm lớn không hiệu quả.
- Cứ 1.000 mét vuông ao nuôi, người nuôi cần có nguồn vốn chuẩn bị khoảng 100 - 120 triệu đồng.
- Con cá rô khi đến giai đoạn bán thì không thể trì hoãn được. Nếu kéo dài thì cá sẽ ôm trứng rồi không phát triển nữa, hoặc cá giảm ăn và ốm đi… thường là thương lái hay chê rồi ép giá.
- Giống như các loại cá khác, nuôi cá rô cũng cần sắp xếp mùa vụ làm sao để tránh xuất bán vào các tháng 8, 9, 10 âm lịch, vì đây là lúc lượng cá tự nhiên nhiều, nên cá bán không được giá.
- Mặc dù là loài sống tốt được trong môi trường khắc nghiệt như nước tù bẩn và hàm lượng Oxy hoà tan trong nước thấp..., Song con cá rô khi nuôi với mật độ cao trong ao thì cần định kỳ thay nước sạch thường xuyên. Mặt khác cá cũng hay phát sinh một số bệnh như: Xuất huyết, bệnh đường ruột, bệnh nấm nhớt, và một vài bệnh khác nhất là vào các giai đoạn giao mùa… Các bệnh này chủ yếu do môi trường nước xấu mang lại.
Chính vì vậy, trong quá trình nuôi, cần chú ý giữ cho nước trong ao thật tốt để phòng bệnh cho cá, nhất là ở giai đoạn giữa vụ trở đi, vì lúc này số lượng chất thải từ cá và các lớp tảo chết tích tụ dưới đáy ao rất nhiều. Biểu hiện dễ thấy nhất là khi độ pH tăng trên 7.0 (pH tốt nhất cho cá rô đồng là từ 6.5 - 7.0). Vì vậy trong suốt quá trình nuôi, cần chú ý sử dụng các chất xử lý nền đáy như zeolite hoặc các loại chế phẩm sinh học xử lý ao khác.
Có thể bạn quan tâm
Cá rô đồng (Anabas testudineus Bloch, 1792) là loài cá nước ngọt, phân bố rộng ở nhiều nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines…
Cá rô đồng Anabas testudineus phân bố ở các nước Nam Á và Đông Nam Á. Cá rô thường sống trong kinh rạch, đầm lầy, các ao tù.
Vào cuối vụ nuôi, cá rô đồng thường xuất hiện bệnh nấm nhớt làm ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế.
Thí nghiệm trên cá mú vằn (zebrafish) cho thấy một lượng quá nhiều axit béo omega-6 có thể gây rối loạn sự cân bằng mỏng manh giữa sự hình thành và phân hủy xương là điều cần thiết cho sự phát triển của một bộ xương khỏe mạnh. Cả hai quá trình diễn ra liên tục và cả hai đều cần thiết cho xương phát triển bình thường và tối ưu.
Bệnh ký sinh trùng thường gặp trên cá nuôi bao gồm: Bệnh do trùng mỏ neo, rận cá, nấm thủy my, trùng bánh xe, bệnh do bào tử trùng