Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Làng Quê Ôm Nợ Bi Đát Mang Tên Tôm Hùm

Những Làng Quê Ôm Nợ Bi Đát Mang Tên Tôm Hùm
Ngày đăng: 20/06/2013

Dọc ven biển các tỉnh Nam Trung bộ có rất nhiều vùng nuôi tôm hùm, sú, thẻ chân trắng. Trước đây, ở những làng nuôi tôm này có không ít người trở thành tỷ phú, vậy mà bây giờ họ thành "chúa Chổm".

Nằm bên vịnh Vân Phong, làng Xuân Tự 1, Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hoà) những năm về trước có nhiều đại phất lên nhờ nuôi tôm hùm. Nhưng nay một số đại gia ôm cục nợ vài trăm triệu đồng buộc ngân hàng xiết nợ, kê biên tài sản nên không biết đi đâu, về đâu.

CANH BẠC TÔM HÙM

Nằm bên vịnh Vân Phong, làng Xuân Tự 1,2 từ bao đời này người dân sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản là chính. Cuộc sống vùng biển nhờ vào con tôm, con cá đủ ăn qua ngày. Năm 1992, phong trào nuôi tôm hùm xuất hiện tại đây, người dân đổ xô sắm lồng bè nuôi.

Trong làng, trăm nhà như một, vét hết vốn liếng trong gia đình cất trữ bấy lâu nay, cộng với vốn vay tiền ngân hàng thế chấp tài sản. Mạnh ai người ấy làm, chỉ trong trong một thời gian ngắn lồng bè xuất hiện dày đặc trên vịnh Vân Phong. Cuộc chuyển đổi đánh bắt sang nuôi trồng thời điểm này được xem là hướng đi mới, cứu cánh của vùng biển nơi đây. Người dân tin rằng, con tôm sẽ đem lại cuộc sống no ấm.

Ở Xuân Tự 1, 2 có đến 500 hộ, với trên 6.500 ô lồng nuôi tôm hùm. Mỗi gia đình bỏ vốn đầu từ ít cũng đến 200 triệu, nhà nhiều gần 1 tỷ đồng. Thời điểm đó mỗi vụ thu hoạch tôm hùm không khí trên vịnh Vân Phong không thiếu những tiếng cười, những cuộc nhậu ăn mừng vừa hốt được đống tiền. Cứ nuôi khoảng 500 con tôm hùm thì lãi ròng vài ba trăm triệu, nuôi nhiều thì thu nhiều. Hiệu quả trước mắt đã rõ, người dân xem tôm hùm không phải con thoát nghèo mà con đem lại cuộc sống sung túc. Bộ mặt làng biển nghèo Xuân Tự cũng thay da đổi thịt, nhà tầng, nhà kiên cố mọc lên như nấm sau mưa.

Nhưng đó là chuyện của những năm về trước, còn bây giờ, làng biển Xuân Tự đìu hiu lắm. Lồng bè thì bỏ mặc ở giữa vịnh, khung cảnh trên vịnh vắng người qua lại. Ngày trước, người dân kỳ vọng vào tôm hùm bao nhiêu thì nay thất vọng tràn trề bấy nhiêu. Điều này cũng dễ hiểu, tôm chết do dịch bệnh, thiên tai gây họa nên những hộ nuôi tôm nhà ít cũng “dính” ngân hàng 200 triệu, nhà nhiều gần 1 tỷ đồng. Họ sống quay quắt trong nợ nần chồng chất.

Ông Trần Hon, Xuân Tự 1, một trong những người phất lên từ nuôi tôm hùm nhưng sau mấy vụ tôm thất bại trở về con số không. Kết cục những lồng tôm đã để lại cho một khối nợ khổng lồ hơn 600 triệu đồng, trong khi đến thời điểm trả nợ cho ngân hàng thì chỉ hai bàn tay trắng. Do đó ngân hàng buộc phải xiết nợ, ngôi nhà được cơ quan chức năng kê biên. Tuy nhiên, thấy hoàn cảnh khó khăn, họ không đuổi ra khỏi nhà mà cho ông tạm trú cho đến lúc có người mua, ông phải dọn.

Ngồi thẩn thờ tiếp tôi ở cái giường không còn manh chiếu trải, ông Hon kể: “Năm 1992, tôi vay ngân hàng 200 triệu đầu tư lồng bè nuôi tôm hùm. Vụ đầu tiên thu về gần 100 triệu đồng, thấy con tôm đem lại hiệu quả kinh tế khá lớn, lời lãi sau mấy vụ nuôi tôi dốc hết đầu tư thêm lồng, mua thêm con giống tiền sinh ra rất nhiều. Tiền ngân hàng tôi đã trả hết, cuộc sống gia đình có đồng ra, đồng vào”.

Ấy vậy mà năm 2007 mấy chục lồng tôm sắp thu hoạch thì bắt đầu xuất hiện bệnh. Mức độ lây lan quá nhanh khiến ông Hon trở tay không kịp, với số vốn bỏ ra 500 triệu đồng mất trắng. Còn một ít vốn, ông thế chấp ngôi nhà vay ngân hàng 400 triệu đánh quả lớn. Tổng chi phí bỏ ra gần 1 tỷ đồng ông mua 2000 con tôm hùm giống. Ước tính vụ thu hoạch, ít nhất ông Hon cũng có lãi hơn 800 triệu đồng. Nhưng ông trời đã cướp đi tất cả, cơn bão số 11, năm 2009 đã nhấn chìm lồng tôm xuống biển. Canh bạc tôm hùm để lại số nợ ngân hàng 400 triệu đồng.

CHẲNG CÒN NHÀ ĐỂ Ở

Ngày trước, ở Xuân Tự nhiều người trở đại gia tôm hùm thì nay trở thành “bại gia”. Sự phá sản của làng tôm Xuân Tự 1 không chỉ đẩy nhiều chủ lồng bỏ xứ ra đi mà còn cuốn hàng trăm hộ dân bám biển vào vòng vây của nợ nần. Cứ mỗi ngày trôi qua con số nhà bị ngân hàng xiết nợ tăng lên kéo theo nhiều người không còn nhà để ở.

Theo ông Trần Ưng, trưởng thôn Xuân 1, trong số hơn 200 hộ nuôi tôm hùm thì nay có 43 hộ ôm nợ ngân hàng, trong đó có 20 hộ nợ trên 500 triệu đồng, còn lại vài chục triệu. Giả sử số nợ này đến hạn trả thì chắc chắn rằng họ đều bị ngân hàng xiết nhà, đất ở. Bởi tiền của đã theo tôm hùm ra đi, trong khi muốn tìm kiếm đầu tư nuôi tôm tiếp thì không còn vốn.

Ông Ưng buồn bã nói: “Ngày mai, ngày kia chưa biết thế nào nhưng trước mắt con tôm hùm đã cướp đi hai ngôi nhà của người dân trong thôn. Họ bị ngân hàng lấy nhà bán cho chủ mới. Mới đây có 7 gia đình cũng bị cơ quan Thi hành án thực hiện bản án, kê biên tài sản”.

Tôi nhờ ông Ưng đưa đến gặp nhưng người nuôi tôm đã bị kê biên tài sản để hỏi thăm. Ngồi nhẩm tính một hồi lâu và ông quả quyết: “Cái này khó cho chú rồi! Các hộ này người thì bỏ quê đi nơi khác làm ăn, hoặc đi biển hết”. Lục danh sách từng gia đình, ông Ưng nói: “Cả thôn này chú có thể gặp được ông Võ Hữu Thiện. Nhà cửa đã bị kê biên, ông đang xin vào làm ở một trại giống ở cùng thôn”.

Ông Thiện nuôi tôm hùm cũng giống như mọi người trong thôn. Năm 1992, ông bắt đầu bước vào nghề. Mỗi vụ nuôi trôi qua, ông Thiện cả vốn lẫn lãi được bao nhiêu ông đem hết đầu tư vụ tiếp theo nhằm thu lãi nhiều. Vậy mà cơn bão số 11 năm 2009 đã cướp sạch, mấy chục lồng tôm nhấn chìm trong biển nước. Máu làm ăn, ông thế chấp sổ đỏ, nhà ở vay ngân hàng 400 triệu đồng sửa chữa lồng bè tiếp tục nuôi nhưng tôm nuôi bị dịch bệnh chết 80%. Lãi mẹ đẻ lãi con, tính đến cuối năm 2012, từ 400 triệu đẻ lên 530 triệu đồng”.

Gặp tôi, ông Thiện tỏ vẻ ngại ngùng. Hằng ngày hai vợ chồng làm công cho trại giống kiếm được hơn 100 ngàn đồng, còn 3 người con vào Sài Gòn kiếm việc làm. Hỏi chuyện ông đành buông xuôi: “Nhà thì ngân hàng đã lấy, giờ ra đây làm thuê kiếm sống thôi chú ạ! Nuôi tôm tức là chấp nhận canh bạc lớn, lời thì có ăn, lỗ thì hai bàn tay trắng. Mình làm mình chịu chứ mong chờ gì ở ai bố thí”.

Cũng lâm vào hoàn cảnh tưng tự, ở thôn Xuân Tự 2, trưởng thôn Võ Cao, cho biết: Trước đây cả thôn có 240 hộ nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong thì nay có đến 30 hộ ôm nợ ngân hàng, nhà ít gần 200 triệu đồng, có nhà trên 500 triệu đồng. Tổng cộng trong thôn hiện đang nợ hàng khoảng 15 tỷ đồng.

Ông Cao cho biết: “Đến nay, ngân hàng đã niêm phong 5 nhà nhưng họ vẫn cho người dân ở tạm, đến lúc nào thanh lý thì đi”. Tôi hỏi ông Cao: Giả sử bây giờ ngân hàng đòi nợ 15 hộ này họ có tiền trả không? Ông Cao đáp: “Chắc chắn là không rồi! Họ đã trắng tay không có khả năng trả nợ. Nếu cơ quan Thi hành án thực hiện bản án, kê biên tài sản thì họ không biết đi đâu, về đâu?”.

Ông Phan Văn Yên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng, cho biết: “Thông qua kênh Hội Nông dân, hiện trên toàn xã người dân đang vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 8.702 tỷ đồng, Ngân hàng NN-PTNT 7.095 tỷ đồng. Mặc dù đến thời gian phải trả nhưng người dân không có trả, buộc ngân hàng phải đáo nợ. Còn việc nuôi tôm hùm thông qua hai ngân hàng này không nhiều. Ở địa bàn xã bà con chủ yếu thế chấp nhà vay các ngân hàng thương mại cổ phần, cái này chúng tôi không nắm rõ. Tuy nhiên đã nuôi tôm hùm thì phải vay số tiền lớn để đầu tư”. v


Có thể bạn quan tâm

Về “Tân An Phố” Mùa Hồng Chín Về “Tân An Phố” Mùa Hồng Chín

Tháng Tám, nắng dát vàng trên những vườn hồng lúc lỉu quả. Về Tân An (Văn Bàn) ngày này, chúng tôi gặp người dân ở đây đang khẩn trương thu hoạch hồng quả; thương lái chen chân, len lỏi đến tận vườn để mua loại quả ngon nức tiếng, có một không hai của Lào Cai.

27/08/2014
Nhãn Tiêu Da Bò Tăng Giá Nhẹ Nhãn Tiêu Da Bò Tăng Giá Nhẹ

Sau một thời gian tuột xuống mức thấp, giá nhãn tiêu da bò tại ĐBSCL đã tăng nhẹ trở lại khoảng 1.000-2.000 đồng/kg so với cách nay 2 tuần.

27/08/2014
Hậu Giang Chủ Động Phòng Ngừa Sâu, Bệnh Trên Vườn Cây Ăn Trái Hậu Giang Chủ Động Phòng Ngừa Sâu, Bệnh Trên Vườn Cây Ăn Trái

Do mưa nhiều trong những ngày qua, nên khả năng bệnh vàng lá gân xanh (Greening) và vàng lá thối rễ trên cây có múi (nhất là trên cam sành và quýt đường) sẽ phát triển và lây lan sang diện rộng. Ngoài ra, mưa nhiều còn gây ra tình trạng ở những tán cây bị che phủ sẽ thiếu ánh nắng làm ẩm độ trong vườn cao, đây là điều kiện thuận lợi cho sâu đục trái sinh sôi và gây hại trên các vườn bưởi.

27/08/2014
Hồ Tiêu Việt Nam Vững Vàng Trên Thương Trường Quốc Tế Hồ Tiêu Việt Nam Vững Vàng Trên Thương Trường Quốc Tế

Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới - IPC đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia, quốc gia có lượng hồ tiêu nhiều nhất trước đây, sang Việt Nam.

27/08/2014
Sinh Nhai Từ Lá Gòn Sinh Nhai Từ Lá Gòn

Bà Nguyễn Thị Nưng đã gắn bó với nghề này gần 20 năm cho biết, vì gia đình không có đất trồng trọt, trước đây vợ chồng bà thường đi làm mướn nhiều việc như cắt lúa, dệt chiếu...

27/08/2014