Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Bảo Vệ Đàn Trâu, Bò

Chủ Động Bảo Vệ Đàn Trâu, Bò
Ngày đăng: 04/11/2013

Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, ảnh hưởng đến chăn nuôi và trồng trọt. Để giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc.

Huyện Hàm Yên hiện có hơn 16.500 con trâu, hơn 1.000 con bò, tập trung nhiều ở các xã: Hùng Đức, Yên Phú, Thành Long, Minh Hương, Phù Lưu, Thái Sơn... Để đàn trâu, bò của huyện phát triển tốt trong mùa đông, Hàm Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh tốt, tuân thủ nghiêm những quy định hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Đồng thời dự trữ nguồn thức ăn từ rơm rạ, tận dụng đất đai để trồng thêm các loại cỏ, trồng ngô làm thức ăn cho gia súc, chế biến thêm các tinh bột từ sản phẩm công nghiệp để nuôi dưỡng cho đàn trâu.

Vụ đông năm nay, toàn huyện đã trồng trên 700 ha ngô ruộng, trong đó 1/3 là diện tích ngô trồng theo mật độ dày làm thức ăn cho gia súc. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Trạm Thú y huyện giám sát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, xử lý kịp thời khi có dịch phát sinh, không để dịch lây lan ra diện rộng. Đến nay, các xã, thị trấn đã tổ chức tiêm phòng cho 28.000 lượt con trâu, 1.400 lượt con bò. Việc kiểm soát giết mổ, phòng dịch lây lan cũng được quản lý chặt.

Xã Phù Lưu có gần 1.000 con trâu, bò; UBND xã chỉ đạo các thôn, bản hướng dẫn bà con cách làm chuồng trại hợp lý, chủ động nguồn thức ăn trong mùa rét. Gia đình ông Phạm Lễ Hưng ở thôn Phù Yên có đàn trên 30 con trâu cho biết: Trước đây gia đình không dám chăn nuôi trâu theo số lượng lớn vì không biết cách chăm sóc đàn trâu trong mùa lạnh cũng như những đợt bùng phát dịch bệnh. Những năm gần đây, cách chăm sóc, nuôi dưỡng đàn được phổ biến, tuyên truyền thường xuyên nên gia đình cũng yên tâm hơn. Năm nào gia đình ông cũng dự trữ sẵn rơm rạ, trồng thêm cỏ làm thức ăn cho trâu như cỏ voi, cỏ VA06…

Gia đình chị Hoàng Thị Tạ, thôn Khởn, xã Thái Sơn nuôi 3 con trâu để lấy sức kéo. Chị Tạ cho biết, để có thức ăn cho trâu trong mùa đông, gia đình chị tranh thủ phơi rơm để sẵn sàng những lúc rét đậm rét hại. Gia đình chị còn trồng hơn 4 sào ngô đông để làm thức ăn cho đàn trâu. Cùng với việc chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, chính quyền các xã, thị trấn vận động người chăn nuôi đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, phòng tránh gió rét. Tại xã Minh Khương, công tác bảo vệ đàn trâu bò trong mùa rét đang được triển khai đến từng thôn, bản, hộ chăn nuôi. Theo anh Lê Nguyên Long, Chủ tịch UBND xã Minh Khương, xã hiện có trên 600 con trâu, bò, trong đó riêng trâu 579 con. Từ đầu tháng 10, xã đã vận động bà con chuẩn bị bạt, bao tải để quây chuồng trại, qua đánh giá sơ bộ, hiện khoảng 50% chuồng trại của những người chăn nuôi đã đạt tiêu chuẩn, số còn lại một phần do tập quán chăn thả, một phần do nhận thức của người dân nên xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động để từng bước thay đổi.

Ông Hà Mạnh Tường, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên cho biết, qua kinh nghiệm từ các năm trước, nên Hàm Yên chủ động thực hiện tốt kế hoạch phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trong mùa đông. Đến nay, hầu hết các gia đình có đàn trâu, bò đã đầu tư kinh phí để gia cố lại chuồng trại, trồng cỏ voi và ngô đông làm thức ăn cho gia súc. Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ tích cực phối hợp cán bộ các xã, thị trấn phổ biến kinh nghiệm chống rét cho gia súc như làm áo, đốt ủ trấu; hướng dẫn bà con che chắn, sửa chữa, làm mới chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo khô ráo, kín gió; tích cực trồng cỏ, ngô dày trên diện tích đất trống, đất soi bãi, đất hoang để làm thức ăn cho trâu, bò. Đồng thời kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của từng thôn bản, khu dân cư.


Có thể bạn quan tâm

Lục Nam (Bắc Giang) được mùa na Lục Nam (Bắc Giang) được mùa na

Thời điểm này, na Lục Nam (Bắc Giang) đang thu hoạch rộ. Tuy thời tiết không thuận lợi như một số năm trước song nhờ chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năm nay na lại được mùa.

17/08/2015
Người nuôi gà công nghiệp đang bị lỗ nặng Người nuôi gà công nghiệp đang bị lỗ nặng

Theo thống kê, tổng đàn gà công nghiệp của cả nước khoảng 14,4 triệu con, được chăn nuôi tập trung tại 5.000 trang trại. Hiện, người nuôi đang lỗ 10.000 đồng/con gà. Như vậy, trong 11 tháng qua, người nuôi gà cả nước thiệt hại trên 1.300 tỉ đồng.

17/08/2015
Hai nông dân kể chuyện nuôi heo rừng Hai nông dân kể chuyện nuôi heo rừng

Đầu năm 2010, ông Lê Dũng ở phường 8, ông Nguyễn Việt Hùng ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau “thử sức” nuôi heo rừng. Động cơ khiến 2 ông thử sức nuôi heo rừng rất đơn giản: heo rừng là “của hiếm”, giá trị kinh tế cao. Và trong quá trình nuôi, 2 ông trải qua không ít chuyện cười đau cả bụng và chảy cả nước mắt.

17/08/2015
Mô hình nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế cao Mô hình nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Xuân Cảnh (thôn 7, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu nuôi heo, bò song việc chăn nuôi khá vất vả, công sức bỏ ra nhiều mà thu nhập lại không đáng kể.

17/08/2015
Gà nhập khẩu đá bại gà trong nước Gà nhập khẩu đá bại gà trong nước

Suốt 11 tháng qua, các doanh nghiệp và người chăn nuôi gà công nghiệp trong nước đều đang bán dưới giá thành. Ước tính với số lỗ khoảng 10 nghìn đồng/con gà như hiện nay, trong 11 tháng qua, ngành chăn nuôi đã lỗ gần 1.376 tỷ đồng.

17/08/2015