Những Cơn Sốt Nuôi Con Đặc Sản
Xuất phát từ thông tin về một số người giàu nhanh do nắm được cơ hội nhất thời của thị trường, những mô hình nuôi con đặc sản như nhím, rắn, ba ba, rùa,... mau chóng được nhân rộng tới mọi vùng, mọi nhà. Để rồi mỗi khi “cơn sốt” qua đi, nhiều nông dân nhận ra, nuôi con đặc sản không phải “cuộc chơi” của số đông người.
Ông Nguyễn Mạnh Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bắc Ninh chia sẻ: “Thực tế cho thấy, việc nuôi con gì, trồng cây nào cũng có một thời sôi động, nhưng phần lớn người nông dân nhận thức về con đặc sản rất hạn chế. Khi thấy con vật nào đang thịnh hành, được giá là thử nuôi mà không tính đến đầu ra của sản phẩm”. Mặc dù thông qua một số lớp tập huấn về chăn nuôi nói chung, các cán bộ Khuyến nông cũng đã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc một số con đặc sản và dự báo về thị trường đầu ra. Tuy nhiên, các dự báo này mới dừng lại ở dạng định tính nên mức độ chính xác chưa cao, chưa tạo được sự tin tưởng của người dân.
Gia đình ông Nguyễn Sỹ Hạ, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim duy trì được mô hình nuôi rùa và ba ba gai giống đem lại thu nhập đến 200 triệu đồng/năm.
Vì thế, câu chuyện về nuôi con nhím hay chồn nhung đen là một bài học đắt giá cho các hộ có suy nghĩ làm giàu theo “cơn sốt”. Ở thời điểm đỉnh cao, nhiều hộ mua nhím giống với giá đến 20 triệu đồng/cặp. Còn hiện tại giá bán nhím rớt thê thảm xuống còn 2 - 3 triệu/cặp, những hộ không đủ vốn dài hơi hoặc vay lãi ngân hàng đã phải bán tháo trước khi khánh kiệt. Ông Định phân tích, nguyên nhân lỗ ở đây là do hiện tượng “trao tay” về giá con giống.
Các chủ trang trại làm trước bán giống giá cao cho người làm sau. Khi nuôi được nhiều, giá giống xuống thấp, chuyển sang bán thịt thương phẩm thì người đi sau thường bị thua thiệt. Một thực tế nữa, nuôi con đặc sản là để khai thác thế mạnh cạnh tranh bởi số ít và quý hiếm nhưng khi đặc sản trở nên “bão hoà”, nguồn cung vượt cầu, đầu ra của sản phẩm đương nhiên bế tắc.
Bên cạnh đó, hai yếu tố quan trọng đối với các hộ nuôi con đặc sản là nguồn vốn và kỹ thuật sinh học về giống, đảm bảo điều kiện chuồng trại và thức ăn. Hiện nay, các hộ chăn nuôi chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, chưa có quy trình chính thức nên các biện pháp quản lý để tránh nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái còn rất yếu kém.
Anh Nguyễn Thế Đang, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, một người có 10 năm kinh nghiệm nuôi ba ba gai chia sẻ: “Tính đến nay, ở thôn Lũng Giang có 140 hộ nuôi con đặc sản chủ yếu là rùa và ba ba. Đã có nhiều hộ khác cũng tham gia nuôi con đặc sản nhưng không phải hộ nào cũng trụ được nếu không chăm sóc cẩn thận và có nguồn vốn vững để duy trì”.
Trước đây, khi các hộ chưa chủ động được giống thường phải bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Mỗi con ba ba gai phải mất 3 năm mới bắt đầu cho bán thương phẩm, 5 năm mới cho sinh sản. Mặc dù thức ăn cho ba ba gai không tốn kém, chỉ mất từ 7.000 - 10.000 đồng/ngày, nhưng để nuôi giữ trong thời gian dài gối vụ lại bị các loại bệnh đe dọa xảy ra thì không phải điều đơn giản.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh, các chủ nuôi thường ngăn thành các bể chứa nhỏ và phải đều đặn kiểm tra hàng ngày. Do đó, nếu nuôi ba ba ở quy mô lớn khó có khả năng chăm sóc tốt mỗi con có giá trị hàng triệu đồng này. Dẫu vậy, theo đánh giá của các cán bộ Khuyến nông-Khuyến ngư nuôi con đặc sản thuộc các giống thủy sản vẫn ít rủi ro hơn các con thú khác.
Những năm qua, thu nhập từ nuôi ba ba và rùa mang lại kinh tế khá giả cho nhiều hộ dân ở Lũng Giang. Trung bình mỗi năm, ông Đang xuất bán 25 con ba ba gai thương phẩm và hàng chục con giống, doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng một năm.
Trong khi ngành chăn nuôi quy mô công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thì việc chăn nuôi con đặc sản là một hướng đi có triển vọng. Vấn đề đặt ra là công tác tư vấn, định hướng của ngành chức năng như Khuyến nông – Khuyến ngư, Thú y, Kiểm lâm cần bám sát thực tiễn hơn nữa để những “cơn sốt” về con đặc sản không trở thành con đường làm giàu “ảo” cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Bảo quản tôm sau thu hoạch là một khâu quan trọng nhằm làm tăng giá trị sản phẩm. Trước khi thu hoạch tôm cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và vật liệu như tấm bạt bằng nhựa, rổ và xô nhựa, thùng cách nhiệt, nước sạch để rửa tôm, nước đá sạch để gây chết và bảo quản tôm.
Việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN đang làm giảm sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam
Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại Khu công nghiệp Mỹ Tho. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Trong dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, một trong những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp là xây dựng thương hiệu và thị trường sản xuất rau sạch và thịt sạch.
Một số chuyên gia tính toán, nếu có 100 triệu cây dó bầu (100.000ha) tác động mỗi cây cho ra 1kg trầm loại chất lượng thấp, bán với giá 100USD/kg thì Việt Nam sẽ thu về 10 tỷ USD/chu kỳ 10 năm.