Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Cơn Sốt Nuôi Con Đặc Sản

Những Cơn Sốt Nuôi Con Đặc Sản
Publish date: Wednesday. July 17th, 2013

Xuất phát từ thông tin về một số người giàu nhanh do nắm được cơ hội nhất thời của thị trường, những mô hình nuôi con đặc sản như nhím, rắn, ba ba, rùa,... mau chóng được nhân rộng tới mọi vùng, mọi nhà. Để rồi mỗi khi “cơn sốt” qua đi, nhiều nông dân nhận ra, nuôi con đặc sản không phải “cuộc chơi” của số đông người.

Ông Nguyễn Mạnh Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bắc Ninh chia sẻ: “Thực tế cho thấy, việc nuôi con gì, trồng cây nào cũng có một thời sôi động, nhưng phần lớn người nông dân nhận thức về con đặc sản rất hạn chế. Khi thấy con vật nào đang thịnh hành, được giá là thử nuôi mà không tính đến đầu ra của sản phẩm”. Mặc dù thông qua một số lớp tập huấn về chăn nuôi nói chung, các cán bộ Khuyến nông cũng đã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc một số con đặc sản và dự báo về thị trường đầu ra. Tuy nhiên, các dự báo này mới dừng lại ở dạng định tính nên mức độ chính xác chưa cao, chưa tạo được sự tin tưởng của người dân.

Gia đình ông Nguyễn Sỹ Hạ, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim duy trì được mô hình nuôi rùa và ba ba gai giống đem lại thu nhập đến 200 triệu đồng/năm.

Vì thế, câu chuyện về nuôi con nhím hay chồn nhung đen là một bài học đắt giá cho các hộ có suy nghĩ làm giàu theo “cơn sốt”. Ở thời điểm đỉnh cao, nhiều hộ mua nhím giống với giá đến 20 triệu đồng/cặp. Còn hiện tại giá bán nhím rớt thê thảm xuống còn 2 - 3 triệu/cặp, những hộ không đủ vốn dài hơi hoặc vay lãi ngân hàng đã phải bán tháo trước khi khánh kiệt. Ông Định phân tích, nguyên nhân lỗ ở đây là do hiện tượng “trao tay” về giá con giống.

Các chủ trang trại làm trước bán giống giá cao cho người làm sau. Khi nuôi được nhiều, giá giống xuống thấp, chuyển sang bán thịt thương phẩm thì người đi sau thường bị thua thiệt. Một thực tế nữa, nuôi con đặc sản là để khai thác thế mạnh cạnh tranh bởi số ít và quý hiếm nhưng khi đặc sản trở nên “bão hoà”, nguồn cung vượt cầu, đầu ra của sản phẩm đương nhiên bế tắc.

Bên cạnh đó, hai yếu tố quan trọng đối với các hộ nuôi con đặc sản là nguồn vốn và kỹ thuật sinh học về giống, đảm bảo điều kiện chuồng trại và thức ăn. Hiện nay, các hộ chăn nuôi chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, chưa có quy trình chính thức nên các biện pháp quản lý để tránh nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái còn rất yếu kém.

Anh Nguyễn Thế Đang, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, một người có 10 năm kinh nghiệm nuôi ba ba gai chia sẻ: “Tính đến nay, ở thôn Lũng Giang có 140 hộ nuôi con đặc sản chủ yếu là rùa và ba ba. Đã có nhiều hộ khác cũng tham gia nuôi con đặc sản nhưng không phải hộ nào cũng trụ được nếu không chăm sóc cẩn thận và có nguồn vốn vững để duy trì”.

Trước đây, khi các hộ chưa chủ động được giống thường phải bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Mỗi con ba ba gai phải mất 3 năm mới bắt đầu cho bán thương phẩm, 5 năm mới cho sinh sản. Mặc dù thức ăn cho ba ba gai không tốn kém, chỉ mất từ 7.000 - 10.000 đồng/ngày, nhưng để nuôi giữ trong thời gian dài gối vụ lại bị các loại bệnh đe dọa xảy ra thì không phải điều đơn giản.

Để kiểm soát tốt dịch bệnh, các chủ nuôi thường ngăn thành các bể chứa nhỏ và phải đều đặn kiểm tra hàng ngày. Do đó, nếu nuôi ba ba ở quy mô lớn khó có khả năng chăm sóc tốt mỗi con có giá trị hàng triệu đồng này. Dẫu vậy, theo đánh giá của các cán bộ Khuyến nông-Khuyến ngư nuôi con đặc sản thuộc các giống thủy sản vẫn ít rủi ro hơn các con thú khác.

Những năm qua, thu nhập từ nuôi ba ba và rùa mang lại kinh tế khá giả cho nhiều hộ dân ở Lũng Giang. Trung bình mỗi năm, ông Đang xuất bán 25 con ba ba gai thương phẩm và hàng chục con giống, doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng một năm.

Trong khi ngành chăn nuôi quy mô công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thì việc chăn nuôi con đặc sản là một hướng đi có triển vọng. Vấn đề đặt ra là công tác tư vấn, định hướng của ngành chức năng như Khuyến nông – Khuyến ngư, Thú y, Kiểm lâm cần bám sát thực tiễn hơn nữa để những “cơn sốt” về con đặc sản không trở thành con đường làm giàu “ảo” cho nông dân.


Related news

Vũ Yên Sơn Với Mô Hình Trại Gà Siêu Trứng Vũ Yên Sơn Với Mô Hình Trại Gà Siêu Trứng

Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo trang trại là hình thức sản xuất đang có xu hướng ngày càng phát triển ở tỉnh ta…Nhờ chủ động được nguồn giống, công tác phòng chống dịch bệnh và nguồn thức ăn, nên chăn nuôi theo hình thức trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuesday. July 30th, 2013
Mô Hình Trồng Xen Gừng Dưới Tán Cây Ăn Quả Mô Hình Trồng Xen Gừng Dưới Tán Cây Ăn Quả

Trồng xen canh gừng dưới tán các cây công nghiệp, cây ăn quả như điều, vải thiều tăng thêm nguồn thu nhập, cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Tuesday. July 30th, 2013
Trồng Măng Tre Lục Trúc Để Xóa Đói Giảm Nghèo Trồng Măng Tre Lục Trúc Để Xóa Đói Giảm Nghèo

Anh Nguyễn Quốc Trị 59 tuổi, thôn Ninh Quí 3, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước trồng giống tre Lục Trúc để thu hoạch măng nhằm xóa đói giảm nghèo.

Wednesday. July 31st, 2013
Mô Hình Mới Trong Nuôi Tôm Mô Hình Mới Trong Nuôi Tôm

Trước thực trạng diễn ra của bệnh tôm, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm (viết tắt EMS hoặc AHPNS) chưa xác định tác nhân gây ra, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) tỉnh đã đề xuất người nuôi triển khai nuôi tôm theo mô hình mới.

Wednesday. July 31st, 2013
Cán Bộ Xã Giỏi Làm Kinh Tế VAC Cán Bộ Xã Giỏi Làm Kinh Tế VAC

Anh Phạm Thận, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Bắc Phong (Thuận Bắc) không những tích cực công tác xã hội mà còn làm kinh tế gia đình giỏi. Anh là người đi đầu ở thôn Mỹ Nhơn thực hiện mô hình “vườn - ao - chuồng” (VAC) mang lại hiệu quả cao.

Wednesday. July 31st, 2013