Những Bất Hợp Lý Trong Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp

Năm qua, Bến Tre đã triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (TĐBHNN) tại 24 xã của 6 huyện, trong đó bảo hiểm đối với tôm biển 15 xã và bảo hiểm đối với cá tra 9 xã (Ba Tri 5 xã, Bình Đại 5 xã, Thạnh Phú 5 xã, Chợ Lách 3 xã, Giồng Trôm 3 xã, Châu Thành 3 xã).
Từ khi triển khai Chương trình TĐBHNN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Công ty Bảo Minh Bến Tre, các địa phương tổ chức tuyên truyền đến từng hộ nuôi, như: hội thảo 7 cuộc tại tỉnh và 6 huyện, với tổng số 212 lượt người tham dự; tập huấn 33 lớp tại các xã, với 1.485 lượt người tham dự; in và photo 4.000 quyển tài liệu phát rộng rãi cho người dân. Tổng số lượt người được đào tạo tham gia làm đại lý là 111 người, đối tượng là Trưởng, Phó Ban quản lý vùng nuôi thủy sản và các cơ sở, doanh nghiệp chuyên kinh doanh thức ăn, con giống thủy sản.
Mặc dù trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo các sở, Công ty Bảo Minh Bến Tre và chính quyền địa phương phối hợp thực hiện, nhưng công tác triển khai chưa được chặt chẽ, tiến độ giải quyết bồi thường còn chậm. Trong thời gian đầu có khó khăn, do Công văn số 1950 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Phải có công bố hoặc xác nhận của Chủ tịch UBND tỉnh về loại thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại địa bàn, thì mới bồi thường.
Ngoài ra, có một số loại bệnh mới đã phát sinh trên diện rộng, như: hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) ở tôm sú và tôm chân trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) ở tôm sú và tôm chân trắng, hoại tử cơ hay còn gọi đục cơ do vi-rút (IMNV) ở tôm chân trắng. Những loại bệnh này không có trong danh mục các bệnh được bảo hiểm bồi thường, nên người nuôi còn e ngại tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Hiện nay, trong tỉnh chỉ xét nghiệm được 4 loại bệnh: đốm trắng, Taura, hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô, đục cơ do vi-rút; còn bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đầu vàng chưa có xét nghiệm, gây khó khăn trong công tác giải quyết bồi thường. Đối với bảo hiểm tôm sú, tỷ lệ bồi thường còn thấp, chưa thu hút người dân tham gia bảo hiểm.
Về bảo hiểm cá tra, chỉ được 2 hợp đồng bảo hiểm, do nuôi cá tra trong tỉnh hầu hết là doanh nghiệp nên mức hỗ trợ của Nhà nước là 20%, còn lại người nuôi phải tự đóng tới 80% phí bảo hiểm.
Ngoài ra, qui tắc, biểu phí bảo hiểm tôm ban hành theo Quyết định 3035 ngày 16/12/2011 của Bộ Tài chính chưa phù hợp thực tế. Tỷ lệ bồi thường tôm thẻ chân trắng từ dưới 49 ngày tuổi thấp, trong khi đó tôm nuôi từ 50 - 69 ngày tuổi, người nuôi có thể hoàn vốn hoặc có lời ít nhưng lại được bồi thường tỷ lệ cao (54 - 64%).
Vì vậy, người tham gia bảo hiểm dựa vào điểm này để tìm cách kéo dài thời gian tôm nuôi đã nhiễm bệnh và có nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các hộ xung quanh để được bồi thường theo tỷ lệ cao hơn, gây khó khăn trong công tác xác định thiệt hại. Sự phối hợp giữa các ban ngành, địa phương và Công ty Bảo Minh trong việc triển khai thực hiện thí điểm chưa đồng bộ. Trong công tác thẩm định điều kiện và giải quyết bồi thường, Đại lý chưa tuân thủ đúng quy trình BHNN, bán bảo hiểm còn nhiều trường hợp chưa đến trực tiếp tại ao nuôi, giám sát trong lúc thả giống, kiểm tra định kỳ trong quá trình nuôi.
Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tôm/cá như: đối với tôm chân trắng: “Tăng tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm ở giai đoạn từ 11- 49 ngày nuôi, giảm tỷ lệ thiệt hại bảo hiểm ở giai đoạn từ 50 - 64 ngày tuổi và không bồi thường bảo hiểm ở giai đoạn từ 65-80 ngày tuổi”. Đối với tôm sú: “Tăng tỷ lệ thiệt hại bảo hiểm từ 4 - 6% mỗi khung ngày nuôi ở tôm sú để thu hút người dân tham gia bảo hiểm”.
Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) vắc xin, hóa chất sát trùng thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ 3 địa phương phòng, chống dịch bệnh.

Vững tâm, không dao động bởi lời “nói vào – nói ra” của những người xung quanh, họ quyết tâm đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng trên những thửa vườn cây ăn trái đang ở giai đoạn cho thu hoạch tốt. Sau những tháng ngày chăm sóc, hiệu quả bước đầu về kinh tế, môi trường từ loài cây ăn quả mới đã đến với những chủ vườn dám nghĩ, dám làm trên đất Hưng Yên.

Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn vừa thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh ký văn bản về việc thu hồi đất lâm nghiệp của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển, bởi vậy nhiều nhà vườn đang hy vọng một vụ mùa năng suất cao. Tuy nhiên, từ khoảng một tháng trở lại đây, nhiều nông dân khá lo lắng trước tình trạng cà phê liên tiếp bị rụng trái bởi bệnh nấm hồng.

Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã chú trọng phát triển các mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trong tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tại xã Điệp Nông (Hưng Hà), mô hình này bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.