Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Từ vườn tạp đến vườn cây ăn quả

Từ vườn tạp đến vườn cây ăn quả
Ngày đăng: 04/10/2015

Ông Đặng Hoa bên vườn thanh long ruột đỏ.

Nỗ lực phát triển kinh tế vườn

Câu chuyện của ông Đặng Hoa, thôn An Châu, xã Hòa Phú xoay quanh vấn đề cây ăn quả.

Vườn mía quen thuộc lâu nay đã trở thành vườn thanh long ruột đỏ, trái chín như thắp lửa suốt cành. Vừa kể chuyện về cây thanh long, ông vừa nhẩm tính, xưa nhà trồng 4 sào mía, thu hoạch mỗi năm chừng hơn 10 triệu đồng nhưng đầy thấp thỏm lo âu.

Theo thời gian, những lò nấu đường bát bị phá bỏ, mía ở Hòa Vang không có đầu ra đành vất vưởng theo mấy xe bán nước mía vỉa hè.

Có những năm, mía già ngả rợp một góc vườn, chẳng có thương lái nào tìm đến, ông Hoa lặng lẽ cầm dao ra vườn chặt phăng, châm lửa đốt. Sau những vất vả, thu không đủ bù chi, khu vườn bị bỏ hoang vì ông Hoa không biết trồng cây gì, nuôi con gì thay mía.

Ngày chạy xe máy lên huyện nghe phổ biến Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2013 - 2015, ông thoáng chút ngần ngại trước thông tin thôn An Châu được chọn trồng thí điểm cây thanh long ruột đỏ.

Cả đời vốn chỉ quen trồng lúa, trồng mía, ươm trồng keo tai tượng chứ có biết gì về thanh long.

Thế rồi, với kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng làm vườn, cùng sự hướng dẫn kỹ thuật từ đội ngũ cán bộ, kỹ sư nông nghiệp, ông Hoa mạnh dạn trồng gần 100 ụ thanh long ruột đỏ.

Với giống cây mới, ông vừa chăm, vừa ghi nhớ cách trồng, thỉnh thoảng bổ sung phân chuồng kích thích cây ra nhiều rễ tơ, cho dây mập.

Trời không phụ công, sau một năm cần mẫn vun trồng, những cành thanh long đã bắt đầu bung những bông hoa trắng muốt. Ngày thanh long bắt đầu những quả chín đầu mùa, bà Lê Thị Kim Anh, vợ ông bỏ công việc rảo một vòng quanh chợ Túy Loan, khảo sát giá cả thị trường.

Mỗi ký thanh long loại 1, bà bán ở chợ khoảng 30.000 đồng, loại 2 giá 25.000 đồng, loại 3 giá 20.000 đồng. Mỗi đợt thu hoạch chừng 150 đến 200 ký. Cứ thế, từ đầu năm đến nay, thanh long đã cho mấy mùa quả, mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 8 triệu đồng.

Giống thanh long ruột đỏ dường như rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Hòa Phú nên hương vị thơm và ngọt. Hôm chúng tôi đến, vườn thanh long nhà ôngHoa đang ra nụ, chỉ còn sót lại vài trái chín mọng.

Sau thời gian trồng thử nghiệm, được thị trường đón nhận, vợ chồng ông Hoa quyết định trồng thêm một sào nữa, với mong muốn cùng 9 hộ dân khác ở An Châu xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ An Châu.

Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn trên địa bàn huyện Hòa Vang được triển khai từ năm 2013 theo hướng thâm canh, chuyên canh chất lượng cao.

Sau gần 3 năm thực hiện đã có gần 300 hộ đăng ký trồng các loại bưởi da xanh, mít, dừa xiêm dây, thanh long ruột đỏ, bơ ghép, tre lấy măng, tiêu, ổi, chôm chôm… trên diện tích khoảng 47ha.

Theo bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, đề án đã góp phần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ, lẻ của bà con nông dân, tập trung vào khai thác những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Những hộ dân có từ 500m2 đất vườn trở lên mới đủ điều kiện tham gia đề án và được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí, giống cây trồng.

Người dân phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, thực hiện tốt việc chăm sóc theo định kỳ.

Trước khi tiến hành trồng trọt, bà con nông dân được tham gia các lớp tập huấn, được hỗ trợ thiết kế vườn mẫu.

Không chỉ cung cấp nguồn giống, kinh phí đầu tư ban đầu, cán bộ kỹ thuật còn thường xuyên xuống tận vườn kiểm tra quá trình phát triển của cây, nhanh chóng có biện pháp xử lý khi phát hiện sâu bệnh.

Nhìn những thân cây phát triển vững chắc, ít sâu bệnh, người dân ai cũng mơ đến một ngày không xa, những khu vườn tạp chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những vườn cây ăn quả cho hoa, trái bốn mùa.

Mơ về những khu vườn rợp bóng cây ăn quả

Cùng với chủ trương đa dạng hóa cây trồng, làm phong phú mô hình vườn đồi, hiện nay, người dân huyện Hòa Vang vẫn ưu tiên trồng mít Thái và bưởi da xanh. Anh Đỗ Hữu Phong, thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn là một trong những hộ dân xung phong trồng mít Thái.

Trong khu vườn vốn trồng hoa màu, anh dành khoảng 1 sào đất trồng 30 cây. Sau 1 năm, thân mít giờ đã cao chừng 4m, cho cành lá sum suê.

Từ hiên nhà hướng ánh nhìn về vườn mít, anh chia sẻ từ nhỏ vốn đã thích mít, nay chỉ cần nghĩ đến tương lai vài ba năm nữa, mỗi cây mít cho thu hoạch chừng 1 triệu/năm là thấy sướng rồi. Nông dân đâu cần gì hơn thế.

Tương tự, ông Nguyễn Quang (75 tuổi), thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn sáng nào cũng ra khu vườn phía trước nhà bắt sâu, vun gốc cho hơn 20 cây bưởi da xanh đang đến mùa kết nụ.

Ông là 1 trong 18 hộ dân tại thôn Trước Đông được chọn tham gia đề án, được cán bộ kỹ thuật xuống tận vườn hướng dẫn cách chăm sóc, cung cấp chế độ dinh dưỡng cho cây.

Trồng bưởi da xanh không khó, cái khó là làm thế nào để tăng năng suất cây trồng.

Đi giữa khu vườn rộng mấy sào đất, trồng đủ các loại cây từ chuối, đu đủ, cà tím, mướp, bưởi da xanh, ông cười nói mình thế là giàu rồi. Có lẽ, cái giàu của ông được tính bằng những gốc bưởi hứa hẹn những nhánh, cành trĩu quả trong thời gian tới.

Không chỉ người dân nông thôn mới mơ đến cảnh điền viên trong ngôi nhà phủ đầy bóng mát cây ăn quả.

Từ thành phố Đà Nẵng, vợ chồng ông Nguyễn Khắc Quý quyết định bán ngôi nhà mặt phố, dồn tiền mua lại mảnh đất rộng 1ha tại thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú để trồng trọt, chăn nuôi.

Sau 3 năm gây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, ông Quý mang về khu vườn của mình hàng chục cây bơ, mít, xoài, chuối, ổi, mãng cầu, khế, chanh...

Trong đó, ông trồng khoảng 200 gốc ổi trên diện tích 3 sào đất.

Trung bình, mỗi cây ổi cho chừng 100 ký trái, đến mùa thương lái vào tận vườn thu hái với giá 8.000 đồng/ký, mang lại cho ông nguồn thu không nhỏ.

Hiện nay, sản lượng cây ăn quả ở địa bàn Hòa Vang chỉ đủ phục vụ thị trường tại chỗ

. Chị Vân, buôn mặt hàng hoa quả tại chợ Túy Loan cho biết, nói đến đặc sản Hòa Vang phải nhắc đến bưởi da xanh ở Hòa Ninh; mít, vú sữa ở Hòa Liên, hay ổi, thanh long ruột đỏ ở Hòa Phú. Riêng dưa hấu, ở Hòa Vang có khoảng 15ha nằm rải rác ở các thôn Trường Định (xã Hòa Liên), Phú Sơn 2, 3 (xã Hòa Khương), Ninh An (xã Hòa Nhơn).

Ngoài dưa hấu, những loại quả trên chủ yếu được người dân trồng vài cây ăn chơi trong vườn nhà, khi trái nhiều thì hái bán vài ba ký, số lượng không đáng kể.

Những ai đã một lần ăn qua các loại quả kể trên đều tấm tắc khen ngon, thường tìm mua nhưng không có mà bán. Do đó, số lượng về chợ bao nhiêu đều bán hết trong ngày, với giá nhỉnh hơn giá các loại cây trái thông thường.

So với cách đây chừng 3 năm, những khu vườn ở Hòa Vang giờ xanh mát và phong phú hơn bởi các loại cây ăn quả.

Chưa dám nghĩ đến viễn cảnh mùa nào quả nấy, nhưng vẫn tin rằng, một lúc nào đó, về Hòa Vang sẽ được dạo chơi trong những vườn bưởi, thanh long, mít, xoài sai trĩu quả.

Đó cũng là mong muốn của ông Nguyễn Văn Diệu, một người dân sống ở làng Thái Lai, Hòa Nhơn trong một lần trả lời phỏng vấn đài DRT khi dong ghe trên dòng sông Túy Loan: Tôi vẫn ước mơ có một ngày, những vạt đất hai bên bờ sông sẽ rợp bóng cây ăn quả.

Ở đó, người dân không chỉ hái hoa quả mang ra chợ bán, đem lại nguồn thu, mà còn biếu tặng nhau, như món quà quê thơm thảo dành tặng những tấm lòng.


Có thể bạn quan tâm

Quy chuẩn quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản Quy chuẩn quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 16/2015/TT-BNNPTNT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản, có hiệu lực thi hành từ 10/10/2015.

23/04/2015
Trồng dây thuốc cá giúp nông dân thêm thu nhập Trồng dây thuốc cá giúp nông dân thêm thu nhập

Cây thuốc cá còn gọi là dây thuốc cá, dây duốc cá, dây mật, dây có, lẩu tín, tên khoa học là Derris tonkinensishay Derris elliptic, thuộc bộ đậu.

23/04/2015
Xuất khẩu rau vào thị trường Nhật Bản: Khó nhất vẫn là chất lượng Xuất khẩu rau vào thị trường Nhật Bản: Khó nhất vẫn là chất lượng

Tỉnh Lâm Đồng đang thực hiên Dự án rau sạch - sản xuất rau chất lượng cao xuất khẩu (XK) sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, để rau Lâm Đồng XK “xuôi chèo mát mái” vào thị trường triển vọng nhất châu Á này còn nhiều việc phải làm.

23/04/2015
Xuất khẩu rau vào thị trường Nhật Bản khó nhất vẫn là chất lượng Xuất khẩu rau vào thị trường Nhật Bản khó nhất vẫn là chất lượng

Tỉnh Lâm Đồng đang thực hiên Dự án rau sạch - sản xuất rau chất lượng cao xuất khẩu (XK) sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, để rau Lâm Đồng XK “xuôi chèo mát mái” vào thị trường triển vọng nhất châu Á này còn nhiều việc phải làm.

23/04/2015
Diện tích nhiễm các đối tượng dịch hại trên lúa hè thu tăng Diện tích nhiễm các đối tượng dịch hại trên lúa hè thu tăng

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, hiện tổng diện tích nhiễm các đối tượng dịch hại trên lúa hè thu 2015 khoảng 1.115 ha, tăng hơn 247 ha so với cùng kỳ năm 2014. Các đối tượng gây hại chủ yếu là rầy nâu, bù lạch và bệnh đạo ôn lá.

23/04/2015