Những Bậc Thầy Trồng Nấm
Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Long Khánh (phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh - Đồng Nai) hiện có 10 hội viên chuyên sản xuất nấm. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường cả trăm tấn nấm các loại. Trong đó, thế mạnh của HTX là nấm mèo và nấm linh chi.
Đây còn là địa chỉ chuyên sản xuất và cung cấp bịch phôi nấm với số lượng lớn cho người trồng nấm ở Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng.
* “Làng” nấm của cựu chiến binh
Ông Nguyễn Quang Hòe, Chủ nhiệm HTX dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Long Khánh, cho biết nghề nấm ở Long Khánh hình thành và phát triển gần 30 năm nay. “Chúng tôi thành lập tổ hợp tác của những cựu chiến binh chuyên trồng nấm. Năm 2013, chúng tôi mới quyết định chuyển đổi lên mô hình HTX với 10 hội viên đều là cựu chiến binh, có người là thương binh” - ông Hòe nói.
Ông Hòe kể: “Bản thân tôi cũng là một trong những thành viên đầu tiên đầu tư trồng nấm ở vùng này. Mấy mươi năm học từ thực tế lao động, tôi mới tự tin khẳng định về kỹ thuật nuôi trồng, sản xuất. Các thành viên của HTX cũng vậy, người trẻ nhất cũng có 20 năm gắn bó với nghề trồng nấm. Nhờ nghề, họ đều có cuộc sống khá giả, giàu có.”
* Tạo quy trình khép kín
Thấy nghề trồng nấm mang lại hiệu quả cao, có thời nhà nhà đua nhau trồng nấm. Người ta cứ nghĩ trồng nấm rất đơn giản, nhưng để làm giỏi nghề này không dễ. Chỉ những người biết yêu nghề, dồn hết tâm huyết vào nó thì mới phát triển một cách bền vững. Chính vì vậy, sau một thời gian đi vào hoạt động, Hội Cựu chiến binh đã hướng đến xây dựng được quy trình sản xuất khép kín, từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng. Trong đó, khâu sản xuất bịch phôi trồng nấm cần rất nhiều công đoạn và tay nghề kỹ thuật. Các hội viên mạnh về vốn, kỹ thuật thì đầu tư lò hấp chuyên sản xuất bịch phôi nấm.
Hiện tại, một ngày HTX có thể cung cấp ra thị trường 100 ngàn bịch phôi nấm. Nhờ uy tín, chất lượng ngày càng cao, nhiều người trồng nấm ở Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng tin tưởng mua bịch phôi nấm của HTX.
HTX tập trung làm dòng nấm mèo vì loại nấm này có năng suất cao, nhu cầu thị trường lớn. “Sau thu hoạch, chúng tôi bỏ công sơ chế, làm sạch sản phẩm, có loại để nguyên tai nấm, có loại đã được sơ chế cắt sợi và người tiêu dùng chỉ cần ngâm qua nước là sử dụng được ngay, rất tiện lợi. Chính vì vậy, nấm của HTX được thị trường ưa chuộng” - ông Hòe cho biết.
Thấy mặt hàng nấm linh chi được thị trường ưa chuộng, giá cao, từ 10 năm trước HTX đã đưa vào sản xuất dòng nấm này. Chính nhờ sự phát triển theo hướng đa dạng này, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động và khoảng 120 lao động thời vụ. Sản phẩm nấm của HTX không chỉ tiêu thụ rộng rãi tại thị trường nội địa, mà còn cung cấp cho nhiều đơn vị chuyên xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có gần 15.000 ha vườn cây lâu năm; trong đó, đa số các vườn cây có thể kết hợp để nuôi gà thả vườn. Nhằm giúp những nhà vườn trong huyện có dự định nuôi gà thả vườn nắm vững kỹ thuật nuôi, thị trường tiêu thụ; vừa qua, phòng Nông nghiệp & PTNT Kế Sách tổ chức Hội thảo về mô hình nuôi gà ta thương phẩm quy mô gia trại tại Tổ hợp tác nuôi gà Nam Hải, xã Đại Hải. Tham dự Hội thảo có gần 50 đại biểu, gồm đại diện các đoàn thể cấp huyện, các đơn vị nông nghiệp có liên quan và nông dân trong huyện.
Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa là một trong những dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam. Đây là dự án duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chọn khởi công để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Những năm gần đây, nông dân xã Phước An (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã phát triển tốt nghề chăn nuôi bò vỗ béo. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, hoạt động chăn nuôi ngày càng hiệu quả, đem lại thu nhập đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân.
Những năm qua, phong trào nuôi ong lấy mật ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã phát triển mạnh mẽ. Tận dụng thế mạnh của địa phương là có nhiều đồi rừng, các hộ dân đã tích cực chăm sóc và nhân rộng đàn ong. Hiện nay, việc nuôi ong lấy mật thực sự trở thành một trong những nghề cho thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và nhiều hộ còn làm giàu từ nghề này.
Với phần lớn diện tích đất tự nhiên là vùng gò đồi, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, trong đó có thế mạnh về nuôi gà đồi.