Nhộn nhạo hầm biogas
Với lợi ích thiết thực và được sự hỗ trợ của dự án Hỗ trợ nông nghiệp cá bon thấp (LCASP), xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học (KSH) tại Sơn La đang lan tỏa thành phong trào rộng khắp.
Tuy nhiên, trên thị trường đang có nhiều chủng loại sản phẩm hầm biogas bằng nhiều chất liệu khác nhau, có loại có giá bán rất rẻ nhưng người dân không thể biết thực hư chất lượng ra sao.
Theo BQL Dự án LCASP Sơn La, chỉ sau 2 năm triển khai, số lượng công trình KSH được xây dựng trên địa bàn tỉnh đã tăng lên nhanh chóng. Đến cuối năm 2014, đã lắp đặt được tổng cộng 730 công trình khí sinh học.
Song qua rà soát, chỉ có 422 công trình đã xây dựng hoàn thành đầy đủ các hạng mục (gồm 108 hầm xây và 314 hầm bằng vật liệu composite). Còn lại 308 hầm không đạt theo yêu cầu kỹ thuật của dự án nên không thuộc diện được hỗ trợ kinh phí theo quy định của dự án LCASP.
9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã xây dựng mới được 974 công trình KSH, tuy nhiên qua rà soát chỉ có 373 công trình đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, còn lại tới 601 công trình không đạt tiêu chuẩn nên không được hỗ trợ.
Như vậy tính chung từ khi triển khai dự án đến nay, Sơn La đã có thêm hơn 1.700 công trình KSH. Trong số này, chỉ có gần 800 công trình, chiếm dưới 50% được nghiệm thu đạt tiêu chuẩn dự án, còn lại hơn 900 công trình khác không đạt tiêu chuẩn và không được nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng.
Theo ông Lò Thanh Bang, Trưởng BQL Dự án LCASP Sơn La, sở dĩ có trên 50% công trình KSH thời gian qua không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu do người dân không sử dụng đúng chủng loại hầm biogas thuộc các đơn vị đã được BQL Dự án LCASP Trung ương chỉ định.
Cụ thể theo sổ tay hướng dẫn của BQL Dự án LCASP Trung ương, hiện có 4 Cty đã được lựa chọn làm đơn vị cung sản phẩm hầm biogas cho dự án trên phạm vi cả nước, với các chủng loại vật liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ KH-CN bao gồm: Hầm biogas vật liệu composit của Cty Môi trường xanh, Cty Quang Huy, Cty Hưng Việt và vật liệu composit KT3C của Cty TNHH SX và Thương mại Thành Lộc.
Tuy nhiên tại thị trường Sơn La thời gian qua, các đơn vị cung ứng hầm biogas đang mọc lên như nấm, với rất nhiều chủng loại vật liệu nằm ngoài chỉ định của dự án với giá rất rẻ.
Theo ông Bang, ngay cả các Cty đã được dự án chỉ định cũng mời chào người dân rất nhiều chủng loại vật liệu không nằm trong dự án, chẳng hạn Cty Môi trường xanh được dự án chỉ định cung ứng sản phẩm hầm biogas vật liệu composit, nhưng lại chào mời dân mua rất nhiều loại bể được ghép bằng vật liệu hạt nhựa tái sinh nên những hộ dân lắp đặt hầm biogas loại vật liệu này không được hỗ trợ kinh phí của dự án.
“Loại bể này được ghép bằng 16 mảnh ghép với nhau bằng các vít sắt, rất có thể qua thời gian vít sắt bị gỉ thì nguy cơ rò rỉ rất nguy hiểm. Mặc dù hiện nay người dân mới lắp đặt, chưa có biểu hiện sự cố gì, nhưng chẳng biết chất lượng thế nào”, ông Bang lo lắng.
Cũng theo vị này, ngay tại Sơn La trước đây cũng đã từng có một DN là Cty Ngọc Thúy (huyện Mai Sơn) tự nhập khẩu nguyên liệu về SX bể biogas và bán với giá chỉ 5 triệu đồng/hầm, rẻ chưa bằng ½ so với loại bể của dự án.
Theo một cán bộ phụ trách triển khai dự án LCASP của Trạm Khuyến nông huyện Mai Sơn, hiện các đại lý cung cấp bể biogas tại địa bàn này mọc lên như nấm, họ cử cả nhân viên thị trường tới từng bản làng tung ra đủ trò khuyến mại với giá rất rẻ.
Chẳng hạn trong khi mỗi công trình KSH của dự án LCASP, nếu trừ đi kinh phí 3 triệu đồng do dự án hỗ trợ, người dân vẫn phải chi “đối ứng” thêm từ 10 – 13 triệu đồng, tuy nhiên nhiều Cty bán hầm biogas sẵn sàng khuyến mãi thêm cả bếp gas, bộ nồi nấu… cho mỗi công trình chỉ có giá từ 7 – 8 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện tình trạng thương lái nước ngoài thu mua con banh lông với giá cao nên một bộ phận ngư dân đã đầu tư nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ khai thác con banh lông; tuy nhiên việc thu mua sản phẩm của thương lái nước ngoài rất bấp bênh, giá cả không ổn định, nguy cơ rủi ro cao.
Sản lượng cá ngừ khai thác được lớn, nhưng giá sản phẩm thấp, dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, nên đa số các tàu hòa vốn hoặc lỗ, một số ít tàu có lời nhưng ở mức thấp.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP Hồ Chí Minh triển khai dự án “Chăn nuôi bò giống, bò thịt tại tỉnh Lâm Đồng”.
Theo chân anh Nguyễn Xuân Danh cán bộ Nông lâm ngư diêm nghiệp xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ ở thôn 1, xã Xuân Hải với gần 7 năm trong nghề nuôi hải sâm kết hợp với tôm sú cho hiệu quả.
Hạn chế được ô nhiễm môi trường, dễ áp dụng cho cả trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hiệu quả kinh tế... đó là những hiệu quả tích cực mà người chăn nuôi heo trong tỉnh Hậu Giang nhận thấy được sau khi áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học.