Nhộn nhạo hầm biogas

Với lợi ích thiết thực và được sự hỗ trợ của dự án Hỗ trợ nông nghiệp cá bon thấp (LCASP), xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học (KSH) tại Sơn La đang lan tỏa thành phong trào rộng khắp.
Tuy nhiên, trên thị trường đang có nhiều chủng loại sản phẩm hầm biogas bằng nhiều chất liệu khác nhau, có loại có giá bán rất rẻ nhưng người dân không thể biết thực hư chất lượng ra sao.
Theo BQL Dự án LCASP Sơn La, chỉ sau 2 năm triển khai, số lượng công trình KSH được xây dựng trên địa bàn tỉnh đã tăng lên nhanh chóng. Đến cuối năm 2014, đã lắp đặt được tổng cộng 730 công trình khí sinh học.
Song qua rà soát, chỉ có 422 công trình đã xây dựng hoàn thành đầy đủ các hạng mục (gồm 108 hầm xây và 314 hầm bằng vật liệu composite). Còn lại 308 hầm không đạt theo yêu cầu kỹ thuật của dự án nên không thuộc diện được hỗ trợ kinh phí theo quy định của dự án LCASP.
9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã xây dựng mới được 974 công trình KSH, tuy nhiên qua rà soát chỉ có 373 công trình đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, còn lại tới 601 công trình không đạt tiêu chuẩn nên không được hỗ trợ.
Như vậy tính chung từ khi triển khai dự án đến nay, Sơn La đã có thêm hơn 1.700 công trình KSH. Trong số này, chỉ có gần 800 công trình, chiếm dưới 50% được nghiệm thu đạt tiêu chuẩn dự án, còn lại hơn 900 công trình khác không đạt tiêu chuẩn và không được nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng.
Theo ông Lò Thanh Bang, Trưởng BQL Dự án LCASP Sơn La, sở dĩ có trên 50% công trình KSH thời gian qua không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu do người dân không sử dụng đúng chủng loại hầm biogas thuộc các đơn vị đã được BQL Dự án LCASP Trung ương chỉ định.
Cụ thể theo sổ tay hướng dẫn của BQL Dự án LCASP Trung ương, hiện có 4 Cty đã được lựa chọn làm đơn vị cung sản phẩm hầm biogas cho dự án trên phạm vi cả nước, với các chủng loại vật liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ KH-CN bao gồm: Hầm biogas vật liệu composit của Cty Môi trường xanh, Cty Quang Huy, Cty Hưng Việt và vật liệu composit KT3C của Cty TNHH SX và Thương mại Thành Lộc.
Tuy nhiên tại thị trường Sơn La thời gian qua, các đơn vị cung ứng hầm biogas đang mọc lên như nấm, với rất nhiều chủng loại vật liệu nằm ngoài chỉ định của dự án với giá rất rẻ.
Theo ông Bang, ngay cả các Cty đã được dự án chỉ định cũng mời chào người dân rất nhiều chủng loại vật liệu không nằm trong dự án, chẳng hạn Cty Môi trường xanh được dự án chỉ định cung ứng sản phẩm hầm biogas vật liệu composit, nhưng lại chào mời dân mua rất nhiều loại bể được ghép bằng vật liệu hạt nhựa tái sinh nên những hộ dân lắp đặt hầm biogas loại vật liệu này không được hỗ trợ kinh phí của dự án.
“Loại bể này được ghép bằng 16 mảnh ghép với nhau bằng các vít sắt, rất có thể qua thời gian vít sắt bị gỉ thì nguy cơ rò rỉ rất nguy hiểm. Mặc dù hiện nay người dân mới lắp đặt, chưa có biểu hiện sự cố gì, nhưng chẳng biết chất lượng thế nào”, ông Bang lo lắng.
Cũng theo vị này, ngay tại Sơn La trước đây cũng đã từng có một DN là Cty Ngọc Thúy (huyện Mai Sơn) tự nhập khẩu nguyên liệu về SX bể biogas và bán với giá chỉ 5 triệu đồng/hầm, rẻ chưa bằng ½ so với loại bể của dự án.
Theo một cán bộ phụ trách triển khai dự án LCASP của Trạm Khuyến nông huyện Mai Sơn, hiện các đại lý cung cấp bể biogas tại địa bàn này mọc lên như nấm, họ cử cả nhân viên thị trường tới từng bản làng tung ra đủ trò khuyến mại với giá rất rẻ.
Chẳng hạn trong khi mỗi công trình KSH của dự án LCASP, nếu trừ đi kinh phí 3 triệu đồng do dự án hỗ trợ, người dân vẫn phải chi “đối ứng” thêm từ 10 – 13 triệu đồng, tuy nhiên nhiều Cty bán hầm biogas sẵn sàng khuyến mãi thêm cả bếp gas, bộ nồi nấu… cho mỗi công trình chỉ có giá từ 7 – 8 triệu đồng.
Related news

Công nghệ nuôi này có thể tăng mật độ nuôi lươn tối đa lên đến 600 con/m2, năng suất lên 25kg lươn thương phẩm/m2, cao gấp 2,5 - 4 lần so với thông thường.

Từ những cặp dúi giống ban đầu, đến nay anh Bùi Thanh Lương sở hữu trang trại nuôi dúi với quy mô hơn 500 con, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Lươn nuôi đạt tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại hộ nuôi của anh Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ ấp B1, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị

Gabriel Sachter-Smith đang làm nhiệm vụ tìm ra giống chuối hoàn hảo cho Hawaii. Anh đã tìm được 200 giống chuối.

Nuôi chuyên canh cá mú hai giai đoạn, mỗi năm anh Trấn Quang Phú ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.