Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhọc Nhằn Mùa Biển Động

Nhọc Nhằn Mùa Biển Động
Ngày đăng: 26/12/2014

“Thời tiết xấu, ngư dân chúng tôi không dám đùa giỡn với tính mạng và tài sản của mình nên phải cho tàu nằm bờ gần một tháng nay”, thuyền trưởng Nguyễn Công (chủ tàu BĐ 95279, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang neo đậu tàu tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ.

Nằm bờ vì thời tiết xấu

Neo hai con tàu giã cào tại Âu thuyền Thọ Quang, những ngày qua, thuyền trưởng Nguyễn Công cùng với 2 lao động còn lại của mình ngày nào cũng nhìn thời tiết mà thở dài. Sáng cà-phê, chiều mua rượu, bia cùng với mấy con mực khô nhâm nhi cho qua ngày. Anh Công than thở: “Mặc dù trên tàu đầy đủ mọi thứ cho chuyến ra khơi mới rồi, nhưng gió bão liên tục, không khí lạnh tăng cường, sóng cao 2 - 3m, nên anh em không ai dám đùa giỡn với tính mạng của mình. Tàu nằm bờ, lao động đã về quê hết”.
Những ngày qua, Âu thuyền Thọ Quang đông nghẹt tàu thuyền. Hầu hết tàu thuyền ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa và duyên hải miền Trung đều về trú tránh ở đây.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cương (chủ tàu QNg 94303, trú Đức Phổ, Quảng Ngãi) chia sẻ: “9 tháng đầu năm, tàu chúng tôi thường khai thác ở ngư trường Hoàng Sa. Tuy nhiên, hơn một tháng nay phải nằm bờ do thời tiết xấu”. Nghỉ biển lâu, các lao động trên tàu anh Cương đã về quê hết. “Tôi sợ thời tiết kéo dài mãi thế này thì lao động của tôi cũng chán. Lao động mà bỏ tàu thì mình cũng cho tàu nằm bờ luôn, vì không có người đi biển”, anh Cương lo lắng nói.
Hàng trăm tàu cá của thành phố Đà Nẵng cũng đang trong tình trạng nằm bờ và đậu dọc vịnh Mân Quang, phía sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo và khu vực cầu Rồng). Tàu Sang Fish 01 của Lê Văn Sang cũng nằm bờ hơn một tháng nay. Ngoài ra, vì hầu hết ngư dân miền Trung ít ra khơi nên hai con tàu hậu cần cũng rảnh rỗi hơn trước rất nhiều. Trong khi đó, tại Cảng cá Thọ Quang, đa phần các tàu trở về bến đều đánh bắt ở vùng lộng và vùng bờ, nên cá nhỏ, sản lượng ít…
Nhọc nhằn làm ăn mùa biển động
Theo các lão ngư, mùa biển động thường cá nhiều. Lý giải nguyên nhân, một số ngư dân cho biết là con cá thường đi theo con nước lớn. Để đánh bắt được nhiều cá, vượt qua sóng gió thì đòi hỏi ngư dân phải có nhiều kinh nghiệm về biển cả. Bằng kinh nghiệm của mình, trong tháng 11-2014, tàu ông Lê Văn Khăng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) ra khơi hai chuyến và đều trúng đậm.
Theo các thuyền viên, trong hai chuyến ra khơi vừa qua đã cho thu nhập bằng 4 chuyến ra khơi trước đó cộng lại. Tuy làm ăn được nhưng ông Khăng cho biết, công việc khá vất vả vì gió mạnh, sóng lớn, nước chảy xiết nên mỗi lao động phải gắng hết sức. Dẫu vậy, vì có con cá, con mực nên anh em ai cũng ham, quên cả mệt nhọc.
Còn ông Lê Văn Xin (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, dù hơn 20 ngày qua vẫn còn nằm bờ, nhưng giờ đây ông đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu để ra khơi, cho dù thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, bất thường. Để làm ăn trong mùa mưa gió, ông Xin chuyển từ nghề chụp mực sang nghề lưới rê 3 lớp.
“Ngày nào anh em cũng điện hỏi tôi thời tiết những ngày tới thế nào. Tâm trạng ai nấy cũng nôn nóng lắm. Mà không nôn nóng sao được, ai cũng nghỉ hơn 20 ngày chưa cho tàu ra biển mà”, ông Xin nói. Theo ông Xin thì sóng lớn, gió nhiều, làm nghề lưới rê 3 lớp cũng đỡ vất vả hơn.
Có mặt tại Âu thuyền Thọ Quang – khu vực gần cầu Mân Quang, mấy ngày qua cũng có một số tàu Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam ghé vào các nhà máy để lấy đá. Các tàu này cũng đã nằm bờ hơn một tháng nay, giờ nôn nóng ra khơi “kiếm cơm” cuối năm.
“Nằm bờ cũng đã lâu rồi, chừ tranh thủ lấy đá, nhiên liệu để chuẩn bị ra khơi. Biết là vất vả, nhọc nhằn, thậm chí là rất nguy hiểm nhưng hy vọng sẽ có nhiều cá, mực để trang trải cuộc sống cho dịp Tết đang đến”, ngư dân Phan Văn Toàn (chủ tàu cá có công suất 1.000 CV, ngụ Quảng Bình) chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Mía Giải Khát Thận Trọng Khi Đầu Tư Trồng Mía Giải Khát Thận Trọng Khi Đầu Tư

Ở Diên Khánh - vùng trồng cây mía giải khát lớn nhất tỉnh Khánh Hòa - trong những ngày nắng hạn này, nông dân rất phấn khởi bởi mía bán được giá. Ông Lê Chơn (xã Diên Lâm) hồ hởi: “Tôi vừa bán 5 sào (5.000m2) mía tuần trước được 9,5 triệu đồng, so với giá mía đường hiện nay lãi gấp 3 lần nhưng thương lái vẫn hỏi mua vì đang hút hàng…”.

14/07/2014
Thủy Sản Lòng Hồ Trị An Bị Tận Diệt Thủy Sản Lòng Hồ Trị An Bị Tận Diệt

Chỉ thị trên yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố cùng các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, nắm chắc các đối tượng tàng trữ, lắp ráp và vận chuyển vật dụng cấm dùng khai thác thủy sản; Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai chủ trì phối hợp với các sở, ngành cùng các địa phương vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ, ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản bằng chất cấm và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

04/12/2014
Diện Tích Cây Ăn Quả Ở Hậu Giang Tăng 14.415 Ha Diện Tích Cây Ăn Quả Ở Hậu Giang Tăng 14.415 Ha

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, do hiệu quả kinh tế cao cộng với khai thác được các lợi thế về khí hậu, đất đai và lao động cùng với chủ trương chuyển đổi cây trồng, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển cây có múi sạch bệnh và cây ăn trái đặc sản, trong đó có các cây trồng thế mạnh như: bưởi Năm Roi, cam mật, cam sành, quít đường, xoài cát Hòa Lộc…

14/07/2014
Tuyên Quang Tổng Kết Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Tuyên Quang Tổng Kết Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi

Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa tổng kết mô hình nuôi cá rô phi đơn tính xã Năng Khả (Nà Hang. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại thôn Nà Reo, quy mô 1 ha với 5 hộ tham gia, thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 11-2014 với tổng kinh phí hơn 193 triệu đồng.

04/12/2014
Bình Thuận Cấm Bẫy Tôm Hùm Con Nhiều Đối Tượng Vẫn Cố Tình Chống Đối Bình Thuận Cấm Bẫy Tôm Hùm Con Nhiều Đối Tượng Vẫn Cố Tình Chống Đối

Hiện đang bắt đầu vào mùa bẫy tôm hùm con. Trên địa bàn thành phố Phan Thiết, nhiều ngư dân đã tiến hành đặt bẫy tại các vùng biển ven bờ. Mặc dù Chỉ thị 01 năm 2012 của UBND tỉnh Bình Thuận về quản lý bẫy, bắt tôm hùm con đã cấm bẫy, bắt tôm hùm con từ ngày 1/3 đến 30/9 hàng năm, đồng thời cấm đặt bẫy tại các bãi tắm trước các khu du lịch, các bãi tắm cộng đồng, các khu neo đậu tàu thuyền; các vùng cửa sông, cửa biển và các luồng tuyến giao thông đường thủy tàu thuyền thường xuyên qua lại.

04/12/2014