Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhọc Nhằn Mùa Biển Động

Nhọc Nhằn Mùa Biển Động
Publish date: Friday. December 26th, 2014

“Thời tiết xấu, ngư dân chúng tôi không dám đùa giỡn với tính mạng và tài sản của mình nên phải cho tàu nằm bờ gần một tháng nay”, thuyền trưởng Nguyễn Công (chủ tàu BĐ 95279, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang neo đậu tàu tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ.

Nằm bờ vì thời tiết xấu

Neo hai con tàu giã cào tại Âu thuyền Thọ Quang, những ngày qua, thuyền trưởng Nguyễn Công cùng với 2 lao động còn lại của mình ngày nào cũng nhìn thời tiết mà thở dài. Sáng cà-phê, chiều mua rượu, bia cùng với mấy con mực khô nhâm nhi cho qua ngày. Anh Công than thở: “Mặc dù trên tàu đầy đủ mọi thứ cho chuyến ra khơi mới rồi, nhưng gió bão liên tục, không khí lạnh tăng cường, sóng cao 2 - 3m, nên anh em không ai dám đùa giỡn với tính mạng của mình. Tàu nằm bờ, lao động đã về quê hết”.
Những ngày qua, Âu thuyền Thọ Quang đông nghẹt tàu thuyền. Hầu hết tàu thuyền ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa và duyên hải miền Trung đều về trú tránh ở đây.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cương (chủ tàu QNg 94303, trú Đức Phổ, Quảng Ngãi) chia sẻ: “9 tháng đầu năm, tàu chúng tôi thường khai thác ở ngư trường Hoàng Sa. Tuy nhiên, hơn một tháng nay phải nằm bờ do thời tiết xấu”. Nghỉ biển lâu, các lao động trên tàu anh Cương đã về quê hết. “Tôi sợ thời tiết kéo dài mãi thế này thì lao động của tôi cũng chán. Lao động mà bỏ tàu thì mình cũng cho tàu nằm bờ luôn, vì không có người đi biển”, anh Cương lo lắng nói.
Hàng trăm tàu cá của thành phố Đà Nẵng cũng đang trong tình trạng nằm bờ và đậu dọc vịnh Mân Quang, phía sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo và khu vực cầu Rồng). Tàu Sang Fish 01 của Lê Văn Sang cũng nằm bờ hơn một tháng nay. Ngoài ra, vì hầu hết ngư dân miền Trung ít ra khơi nên hai con tàu hậu cần cũng rảnh rỗi hơn trước rất nhiều. Trong khi đó, tại Cảng cá Thọ Quang, đa phần các tàu trở về bến đều đánh bắt ở vùng lộng và vùng bờ, nên cá nhỏ, sản lượng ít…
Nhọc nhằn làm ăn mùa biển động
Theo các lão ngư, mùa biển động thường cá nhiều. Lý giải nguyên nhân, một số ngư dân cho biết là con cá thường đi theo con nước lớn. Để đánh bắt được nhiều cá, vượt qua sóng gió thì đòi hỏi ngư dân phải có nhiều kinh nghiệm về biển cả. Bằng kinh nghiệm của mình, trong tháng 11-2014, tàu ông Lê Văn Khăng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) ra khơi hai chuyến và đều trúng đậm.
Theo các thuyền viên, trong hai chuyến ra khơi vừa qua đã cho thu nhập bằng 4 chuyến ra khơi trước đó cộng lại. Tuy làm ăn được nhưng ông Khăng cho biết, công việc khá vất vả vì gió mạnh, sóng lớn, nước chảy xiết nên mỗi lao động phải gắng hết sức. Dẫu vậy, vì có con cá, con mực nên anh em ai cũng ham, quên cả mệt nhọc.
Còn ông Lê Văn Xin (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, dù hơn 20 ngày qua vẫn còn nằm bờ, nhưng giờ đây ông đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu để ra khơi, cho dù thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, bất thường. Để làm ăn trong mùa mưa gió, ông Xin chuyển từ nghề chụp mực sang nghề lưới rê 3 lớp.
“Ngày nào anh em cũng điện hỏi tôi thời tiết những ngày tới thế nào. Tâm trạng ai nấy cũng nôn nóng lắm. Mà không nôn nóng sao được, ai cũng nghỉ hơn 20 ngày chưa cho tàu ra biển mà”, ông Xin nói. Theo ông Xin thì sóng lớn, gió nhiều, làm nghề lưới rê 3 lớp cũng đỡ vất vả hơn.
Có mặt tại Âu thuyền Thọ Quang – khu vực gần cầu Mân Quang, mấy ngày qua cũng có một số tàu Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam ghé vào các nhà máy để lấy đá. Các tàu này cũng đã nằm bờ hơn một tháng nay, giờ nôn nóng ra khơi “kiếm cơm” cuối năm.
“Nằm bờ cũng đã lâu rồi, chừ tranh thủ lấy đá, nhiên liệu để chuẩn bị ra khơi. Biết là vất vả, nhọc nhằn, thậm chí là rất nguy hiểm nhưng hy vọng sẽ có nhiều cá, mực để trang trải cuộc sống cho dịp Tết đang đến”, ngư dân Phan Văn Toàn (chủ tàu cá có công suất 1.000 CV, ngụ Quảng Bình) chia sẻ.


Related news

Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Tôm Sinh Thái, Bền Vững Ở Đông Hải (Bạc Liêu) Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Tôm Sinh Thái, Bền Vững Ở Đông Hải (Bạc Liêu)

Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của một huyện vùng ven biển, năm 2012, Đông Hải (Bạc Liêu) đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp. Đồng thời, thực hiện phương châm nuôi trồng đa con gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Friday. April 12th, 2013
Thanh Long Ruột Đỏ Bén Rễ Trên Đất Thủ Đô Thanh Long Ruột Đỏ Bén Rễ Trên Đất Thủ Đô

Từ một hộ trồng thanh long ruột đỏ (TLRĐ), đến nay Hà Nội đã có hàng chục hộ trồng, với diện tích hơn 30ha, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. Cây TLRĐ đã và đang dần khẳng định thế đứng trên đất Thủ đô.

Friday. April 12th, 2013
Chủ Động Dập Dịch Lợn Tai Xanh Ở Thái Bình Chủ Động Dập Dịch Lợn Tai Xanh Ở Thái Bình

Tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo dập dịch lợn tai xanh tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Hiện tình hình dịch bệnh tai xanh trên địa bàn 2 xã này bước đầu được khống chế, số lợn bị ốm cơ bản đã được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.

Saturday. April 13th, 2013
Kỹ Thuật Nuôi Cá Koi Cơ Bản Kỹ Thuật Nuôi Cá Koi Cơ Bản

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.

Monday. April 15th, 2013
Nắng Nóng Ảnh Hưởng Đến Tiến Độ Thả Nuôi Tôm Càng Xanh Ở Đồng Tháp Nắng Nóng Ảnh Hưởng Đến Tiến Độ Thả Nuôi Tôm Càng Xanh Ở Đồng Tháp

Ngày 10/4/2013, Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã đi kiểm tra tiến độ thả nuôi tôm càng xanh năm 2013. Đến nay đã có 18 hộ nông dân ở xã Phú Thọ, Phú Thành B, An Long và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông thả nuôi được trên 90 ha tôm càng xanh. Diện tích tôm giống thả nuôi đạt từ 10 ngày đến trên 75 ngày, đàn tôm đang phát triển tốt, chưa thấy dấu hiệu bị bệnh.

Monday. April 15th, 2013