Dân Ta Trồng Măng Tây
Thời gian gần đây, vào một số nhà hàng ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) thực khách được thưởng thức các món ngon được chế biến từ cây măng tây. Người thưởng thức rất ngạc nhiên khi biết món ăn có nguồn gốc từ các nước Âu - Mỹ này lại được trồng ngay chính trên đất Nghệ An và một số địa phương khác. Tại Nghệ An, chỉ sau hơn một năm du nhập, cây măng tây đã thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và đang hứa hẹn mang lại thu nhập cao.
Chúng tôi tìm lên xã miền núi Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp) - nơi được xem là địa phương khởi đầu đưa cây măng tây vào trồng thử nghiệm. Ông Nguyễn Khắc Thế, Chủ nhiệm HTX Sơn Tây, cho biết, từ tháng 4-2012, ông và 8 hộ dân đưa măng tây về trồng thử nghiệm trên diện tích đất 2,2ha. Thời điểm đầu, thấy cây măng tây lạ nên ai cũng ngại. Sau đó một thời gian, khi cây nhú mầm rồi phát triển nhanh, đặc biệt khi cây mẹ cho măng và bắt đầu mang lại thu nhập cao thì ai cũng vui. “Đã có kinh nghiệm hàng chục năm trồng các loại rau, rồi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc măng tây rất kỹ, nhưng mới đầu bọn tôi ai cũng run vì sợ thất bại. Đến nay thì đã khẳng định được cây trồng này rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Nghệ An. Nó cho thu nhập cao hơn trồng rau nhiều lần” - ông Thế đúc kết và cho biết, cây măng tây khá dễ trồng. Loại cây này nếu đã bén rễ là mọc rất nhanh vì nó có bộ rễ khỏe. Cây phù hợp với đất ráo nước, có pha ít cát. Theo tính toán, vốn đầu tư cây giống ban đầu cho 1 sào đất (500m²) khoảng 16 triệu đồng. Với kỹ thuật chăm sóc tốt, mỗi lứa măng tây có thể kéo dài 7 - 8 năm mới phải thay cây mẹ. Đặc biệt, việc chăm sóc cây măng tây chỉ dùng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nước tưới cho cây phải dùng nước sạch lấy từ giếng khoan. Sau 5 tháng kể từ khi gieo hạt, cây măng tây của gia đình ông Thế và 8 hộ dân khác bắt đầu đẻ măng, cho sản phẩm. Măng tây phải hái trước 8 giờ sáng hàng ngày, trước khi mặt trời chiếu xuống làm măng già, giảm dinh dưỡng và độ ngon. Hiện tại, mỗi ngày vườn măng của ông Thế cho khoảng 4 kg măng/sào, bán cho đơn vị cung ứng cây giống và bao tiêu sản phẩm là Công ty TNHH Hạ Hiệp (đóng ở thị xã Thái Hòa) với giá 60.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi năm cây măng mẹ cho măng khoảng 7 tháng (trừ những tháng quá rét, măng không ra), mỗi tháng thu khoảng 4 triệu đồng/sào, như vậy 1 sào măng sẽ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng rau. Hiện số măng hái được đều được Công ty TNHH Hạ Hiệp thu mua hết. Ông Thế khoe: “Nhiều khách hàng ở xa gọi điện đến đặt mua với số lượng lớn để bán lại cho các nhà hàng nhưng chúng tôi không đủ để cung cấp cho họ. Mình làm ra sản phẩm mà không kịp để bán ra thị trường, vui lắm chứ”. Ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Hạ Hiệp, cho biết, sau 7 năm đưa về Việt Nam và trồng thực nghiệm năm 2011, cây măng tây được doanh nghiệp của ông phổ biến cho nhiều địa phương trồng. Hiện đã có trên 70ha măng tây được trồng ở một số tỉnh phía Bắc và phía Nam. Riêng tại Nghệ An, cây măng tây đã có mặt tại 8 huyện. Người dân và lãnh đạo các địa phương đang muốn phát triển, nhân rộng loại cây này vì giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Ông Hoàng cho biết: “Ngoài việc cung ứng giống cây, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, chúng tôi cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm lâu dài cho người trồng”. Măng tây là loại thực vật một lá mầm, thuộc bộ loa kèn, có thân rễ sống dai, được trồng phổ biến tại các nước Âu, Mỹ. Theo các tài liệu khoa học, măng tây là loại rau có vị ngọt, mềm, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Ngoài làm thực phẩm chế biến trong các bữa ăn, măng tây còn được xem như là một loại dược liệu giúp lợi tiểu, giảm stress, bảo vệ tim và ngăn ngừa suy tĩnh mạch, tốt cho phụ nữ mang thai...Có thể bạn quan tâm
Những tháng đầu năm nay, nông dân huyện Phú Tân (Cà Mau) phát triển mạnh loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, riêng diện tích phát triển mới trong tháng qua hơn 500 ha, nâng tổng số đến nay huyện có 6.140 ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến.
Cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi có nhiều ưu điểm như kích thước lớn, nhanh to, chất lượng thịt thơm ngon, dễ thích nghi với môi trường nuôi. Đặc biệt, đây là loài thủy sản có tốc độ sinh trưởng nhanh, tạo điều kiện cho các hộ dân rút ngắn thời gian quay vòng vốn
Mỗi con bò trước khi giết mổ được chủ cơ sở bơm nước cưỡng bức vào bụng sẽ thu lợi thêm khoảng 2-3 triệu đồng. Đây không chỉ là hành vi gian lận mà nguy hại hơn, chất lượng thịt giảm đáng kể do nước bơm vào đều bị ô nhiễm.
Chị Ba, cư ngụ tại ấp II (Thạnh Lộc, Cai Lậy, Tiền Giang) thở dài, nói: “Sau một thời gian suy nghĩ, đắn đo lợi hại, cuối cùng tôi đã phải đứt ruột bỏ ra 20 triệu đồng thuê cơ giới san lấp 4.000 m2 (4 công đất) ao ương cá tra giống để tái trồng lúa trong vụ đông xuân 2013 - 2014 tới”.
Chiều 18.9, ông Nguyễn Thế Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết: Mưa lớn kéo dài suốt 5 ngày qua kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn khiến nhiều diện tích hồ tôm nuôi của 15 hộ dân tại thôn Công Lương bị vỡ bờ bao và ngập úng nặng. Qua thống kê, hiện có 15 hồ nuôi với diện tích 4,5 ha trên địa bàn chịu ảnh hưởng, ước tính thiệt hại gần 3 tỉ đồng.