Nho xanh bén rễ trên đất nhiễm phèn
Quyết chơi trò may rủi
Mỗi mùa, hơn 3ha nho xanh của nhóm 3 người bạn: Hoàng Quý Dương, Nguyễn Thị Tường Vy và Nguyễn Văn Quy cho năng suất khoảng 30 tấn. Với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lời khoảng 60%.
Chị Tường Vy giới thiệu sản phẩm nho xanh trong hội chợ rau sạch TP.HCM vào 12.9.2015.
Là một người nông dân trồng nho lâu năm, được đi nhiều nơi trên thế giới nên anh Dương nhận thấy giá nho khi bán ra cho người tiêu dùng có sự chênh lệch lớn với giá mua tại vườn. Thương lái mua tại vườn chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg nhưng khi bán tại các siêu thị với giá 75.000 - 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, khi nho trúng mùa thương lái lại ép giá bà con nông dân, giá đôi khi chỉ còn vài ngàn, nho mất mùa người trồng chịu hết rủi ro.
Hiểu những cay đắng, gian khổ của người trồng nho sau bao năm chắt chiu từng giọt mồ hôi công sức vào từng chùm nho nhưng thu lại không được bao nhiêu, anh Dương cùng nhóm bạn của mình đã quyết tâm gây dựng một thương hiệu nho xanh cho vùng đất nắng và gió này.
Vùng đất Thành Sơn, Ninh Thuận xưa nay hầu như đều nhiễm phèn. Áp dụng khoa học kỹ thuật, nhóm anh Dương đã thử nghiệm trồng 2 sào nho xanh. Ngày đầu trồng nho, nhiều người khuyên anh nên trồng theo cách cũ, tức trồng giống nho đỏ như đa số mọi người hoặc tìm vùng đất tốt, không nhiễm phèn mà canh tác.
Liệu có cho năng suất, hiệu quả như giống nho địa phương, hay chỉ là trò chơi may rủi? Không chỉ người ngoài nhìn vào bàn tán mà bản thân anh cũng tự đặt câu hỏi này. Nhưng quyết thì phải làm. Nếu không thay đổi sao có một vùng nho xanh, sạch đáp ứng thị trường.
Và quan trọng hơn hết, với cách trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, giống nho xanh này cho ra một hương vị rất đặc biệt, khác hẳn các giống nho đang có trên thị trường. Một đặc sản mang tính địa phương đang chờ được khai phá.
Đất mặn hóa tiền tỷ
Trải qua gần 4 năm miệt mài cải tạo đất, chăm bón vườn cây, những tưởng có lúc anh Dương phải ngừng lại vì quá nhiều khó khăn ập đến khi khí hậu, nước tưới, sâu bệnh… bủa vây. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt, có chiến lược và định hướng đúng dần dần những sào nho của nhóm anh Dương đã cho lãi.
Mỗi năm 1 sào nho xanh cho năng suất khoảng 2 tấn. Với giá cao hơn nho đỏ 10.000 – 15.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi ha, một mùa nhóm anh Dương lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Kế hoạch từ nay đến cuối năm, anh sẽ mở rộng diện tích từ 3 - 5ha.
Không chỉ phát triển vùng nguyên liệu dồi dào, chị Nguyễn Thị Tường Vy, thành viên của nhóm cho biết nhóm còn có tham vọng đưa thương hiệu nho Thạnh Sơn ra thị trường trong và ngoài nước. Nho xanh Thành Sơn đã xuất hiện ở một số cửa hàng, các đại lý và được nhiều người dân đặt hàng thường xuyên.
Ngay cả các cơ sở cung cấp nho lớn cũng thường xuyên tới mua nho xanh của nhóm. Nhu cầu thị trường với loại trái cây này rất lớn nên nhóm thu hoạch được bao nhiêu đều bán hết.
Tuy vậy, trong kế hoạch phát triển của nhóm mình, chị Vy cho biết sẽ kết nối các siêu thị, trung tâm thương mại để đưa được giống nho đặc sản địa phương này đến tận tay người tiêu dùng. “Khi giảm trừ được các khâu trung gian, người sản xuất và người tiêu dùng sẽ được lợi. Nhà nông sẽ không phải phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái, không bị ép giá hay gặp nhiều rủi ro kinh tế khác.
Người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm, lại được thưởng thức giống nho xanh sạch, hương vị lạ, tránh tình trạng mua nhầm nho dỏm. Đây là điều mà chúng tôi ấp ủ và đang quyết tâm thực hiện” - chị Vy tâm huyết.
Tháng 8 vừa qua, dự án nho xanh của nhóm 3 tác giả Hoàng Quý Dương, Nguyễn Thị Tường Vy và Nguyễn Văn Quy đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi dự án khởi nghiệp 2015 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Vượt qua hàng trăm dự án đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, dự án của nhóm đã thuyết phục được ban giám khảo về tính khả thi và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Có thể nói, trong tương lai, các hệ thống phân phối siêu thị sẽ trở thành một kênh XK hàng nông sản khá quan trọng.
Hội nghị thành lập Liên hiệp hợp tác xã (HTX) thanh long Bình Thuận vừa diễn ra vào sáng 10/6 tại TP. Phan Thiết. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Thu - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, một số sở, ban, ngành và các thành viên.
Đến nay, huyện Tánh Linh đã xây dựng vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao 3.170 ha, đạt 105,7% kế hoạch, với năng suất bình quân vụ đông xuân đạt 75 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với năng suất lúa ngoài vùng quy hoạch, trong đó có 4 xã thực hiện vượt kế hoạch là Đức Phú, Đức Tân, Gia An, Đức Bình.
Cao su, mặt hàng từng được mệnh danh là “vàng trắng” vì giá trị kinh tế to lớn mang lại thì nay lại đang khiến người trồng lẫn DN XK “sống dở chết dở” khi liên tục trượt giá, ế hàng.
Những ngày gần đây, nông dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đang như “ngồi trên đống lửa”, bởi hàng ngàn hécta trồng ổi của địa phương đang rơi vào tình cảnh rớt giá thê thảm.