Mùa Nhãn Nở Hoa
Cuối tháng Tư, từ thành phố Yên Bái bầu trời nặng nước từ sau tết khiến cả vùng đầy ẩm ướt và nồm nhưng vượt qua đèo Ách, nắng bừng lên làm lòng người rộn rã. Ơ kìa! Hoa nhãn đã nở rộ dọc quốc lộ 32, ong lấy mật mùa này đủ mật ngọt…
Bên đõ ong mật, trong mỗi đõ có 10 cầu ong có các ong thợ bám đầy, anh Phạm Văn Hùng trú ở thôn Hà Thịnh, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) phấn khởi: "Vụ này thắng anh ạ, từ hôm có hoa nhãn nở đến nay, tôi đã thu được 20 tấn mật ong từ 570 đàn ong Ý nhập khẩu, giá bán hiện tại cho tư thương là 80.000 đồng/kg (giá chợ là 160.000 đồng/lít - PV).
Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi đõ ong đến cuối vụ được 40kg mật thì cầm chắc 300 triệu đồng". Bên chén chè Suối Giàng pha mật ong ngọt và đặc trưng của vị vùng cao, Chủ tịch UBND huyện Hồ Đức Hợp khẳng định: "Mật phấn hoa và mật ong nhãn vùng Sơn Thịnh tuyệt đối an toàn, không có thuốc bảo vệ thực vật can thiệp vì toàn huyện Văn Chấn có 2.400ha cây ăn quả như nhãn, vải, cam, quýt, na, táo mèo... Riêng nhãn có hơn 700ha, sản lượng thu hoạch năm 2013 hơn 2.000 tấn quả tươi cũng là nhờ có các đàn ong thụ phấn hoa".
Hiện tại, các xã Đồng Khê, Sơn Thịnh, Suối Bu và thị trấn Nông trường Liên Sơn, Nghĩa Lộ, hoa nhãn nở rộ nhờ thời tiết nắng và không có mưa phùn. Vậy nên các "nhà ong" từ Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Thọ, Hà Giang, Phú Thọ... khẩn trương đưa các đàn ong mật đến khai thác.
Từ huyện Vị Xuyên (Hà Giang), anh Lý Văn Lập, 28 tuổi đem gần 200 đõ ong tới vùng nhãn khai thác mật nhỏ nhẹ: "Hoa nhãn mùa này tốt, cứ ba ngày vắt mật ong được bốn lít một đõ (mỗi đõ có 10 cầu ong), tôi tính trừ hết các chi phí cũng được trăm triệu đồng anh ạ". Chính quyền và các hộ dân trồng nhãn ủng hộ, khuyến khích đưa ong vùng khác đến thụ phấn hoa với quan điểm: nhà vườn được quả nhiều, nhà ong được mật tốt, hai bên đều hưởng lợi, không đi đâu mà thiệt.
Qua khảo sát, cả vùng nhãn Văn Chấn hiện thời có hơn 15.000 đõ ong lấy mật, trong đó người dân bản địa chỉ có khoảng 1.500 đõ, còn lại là từ các vùng khác đến khai thác mùa vụ, hết mùa hoa lại đưa đi các vùng hoa khác khai thác. Như vậy, sơ ước, mỗi vụ hoa nhãn có cả trăm tấn mật hoa nhãn, góp thêm thu nhập cho việc xóa đói giảm nghèo của nông dân nơi đây.
Anh Phạm Mạnh Hùng bảo: "Tôi chỉ khai thác mật hoa nhãn đến cuối tháng, sau đó đưa về Phú Thọ đúng vụ hoa keo lá chàm kéo dài hai tháng, sau đó vỗ cho ong để tháng 10 đưa ong vào Đức Cơ (Gia Lai) và Buôn Hồ (Đắc Lắc) tìm vụ cao su, cà phê cho ong thu mật".
Vất vả là thế nhưng nhìn vào cơ ngơi: nhà xây, các phương tiện đi lại, nghe, nhìn, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ đã khẳng định, nghề nuôi ong lấy mật vừa giúp cho cây thụ phấn tốt vừa đem lại thu nhập cho người dân sở tại cũng như vừa có nguồn thu làm giàu cho những người tâm huyết với con ong mật.
Ngoài việc nộp 3.000 đồng/đõ ong cho việc quản lý địa bàn, người cho ong đi lấy mật hoa nhãn ở Văn Chấn không phải lo nộp bất cứ khoản phí gì bởi sau khi quay lấy mật, đã có các xe ô tô đông lạnh đến tận vườn nhãn thu mua trả tiền ngay. Chỉ vướng mỗi khi di chuyển các đàn đến địa phương khác, các chốt kiểm dịch địa phương còn khó khăn về giấy tờ trong quản lý vật nuôi nên cần sớm được tháo gỡ.
Đồng thời, huyện Văn Chấn cũng nên sớm triển khai thành lập Hiệp hội ong mật để các hội viên có nơi trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm nhằm phát triển đàn ong bền vững, tiến tới xây dựng thương hiệu mật ong Văn Chấn.
Có thể bạn quan tâm
Giá lúa gạo ở ĐBSCL đang dao động ở mức thấp, sức tiêu thụ chậm khiến nông dân và thương lái như ngồi trên lửa. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng rối bời vì sản lượng tồn kho nhiều nhưng đầu ra cứ ì ạch. Thị trường lúa gạo diễn biến trong cảnh chợ chiều đìu hiu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam đang tốt hơn nhờ thị trường Trung Quốc.
Đà tăng của giá cao su tại Tokoyo chững lại do tín hiệu tiêu cực từ lĩnh vực sản xuất Trung Quốc và Mỹ.
Gạo Việt được mùa mất giá chính là do các nhà khoa học đã quá thành công trong việc nâng cao năng suất mà bỏ qua chất lượng.
Có thể nói, trong khi nhiều mặt hàng nông sản còn đang “tìm đường”, thì ngay từ năm 2006 ngành điều Việt Nam đã thành “cường quốc” khi xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng với thị trường gồm trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.