Nấm Rơm Dễ Trồng, Thu Nhập Khá

Những năm qua, huyện Thới Bình đã mở rộng nhiều mô hình sản xuất mới để giúp nông dân có cuộc sống ổn định, trong đó, mô hình trồng nấm rơm ở xã Thới Bình được xem là hiệu quả nhất, bởi vốn đầu tư ít, mau thu hoạch và mang lại lợi nhuận cao.
Trong thời gian gần đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm, nguồn nguyên liệu rơm của xã Thới Bình rất phong phú, nhưng không được bà con nông dân tận dụng trồng nấm rơm mà đốt bỏ. Trước tình trạng trên, vừa qua Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với Hội Nông dân huyện Thới Bình tổ chức triển khai mô hình trồng nấm rơm tại ấp 2 và ấp 3, xã Thới Bình, có 41 hộ tham gia.
Trong đó, nông dân khi tham gia mô hình trồng nấm rơm đều được hỗ trợ 100% nguyên vật liệu sản xuất và được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, thành viên trong mô hình trồng nấm rơm, cho biết, sau khi tham gia lớp tập huấn trồng nấm rơm, gia đình ông đã mạnh dạn tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà gần 500 m2 để trồng nấm rơm. Kết quả hơn 20 ngày ủ rơm, cấy meo và làm đúng theo kỹ thuật, đến nay rơm đã cho nấm. Mỗi ngày ông thu từ 7-10 kg, bán với giá 40.000-45.000 đồng/kg.
Theo nhiều bà con trồng nấm rơm, trung bình 500 kg rơm nguyên liệu và 40 bịt meo sẽ thu về trên 150 kg nấm rơm, lãi gần 6-7 triệu đồng/vụ trồng.
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, ấp 3, xã Thới Bình, cho biết: “Trước đây, khi thu hoạch lúa xong, tôi thường bỏ một lượng rơm lớn ngoài đồng. Nay nhờ tập huấn được mô hình trồng nấm, tôi có thể tận dụng nguồn rơm dư thừa, vừa tận dụng khoảng trống quanh nhà để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
Anh Quách Công Hè cùng ấp với anh Nguyên, là người thực hiện khá thành công mô hình trồng nấm. Hiện anh đang tất bật với công việc ủ khoảng 1.000 kg rơm nguyên liệu để chuẩn bị cho vụ mới.
Anh Quách Công Hè cho biết, nếu ủ rơm đúng kỹ thuật thì diệt được nấm tạp, giảm được lượng phân bón, nấm rơm nhanh lớn, đẹp. Anh Hè cho biết thêm: "Không nghề nào làm ra tiền nhanh như trồng nấm rơm. So với trồng các loại cây khác thì nấm rơm mau cho lợi nhuận hơn, quay vòng nhanh.
Trồng loại này thời gian thu hoạch rất ngắn, sau khi rải meo giống khoảng 25 ngày là thu hoạch được. Giá bán nấm rơm hiện nay cũng khá ổn định. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế thì trồng nấm rơm thu nhập gấp 3-4 lần trồng lúa”.
Trồng nấm có thể tận dụng diện tích khoảng sân trống, góc vườn nhà nên dễ thực hiện và thu hút nhiều hộ dân tham gia. Chi phí đầu tư trồng nấm rơm tương đối thấp hơn so với những ngành nghề khác.
Ngoài lợi nhuận trực tiếp từ nấm, người tham gia mô hình còn có thể tận dụng nguồn rơm sau khi làm nấm xong để làm phân trồng hoa màu, bón cho đồng ruộng, cải tạo được đồng ruộng, giữ được môi trường sinh thái ở địa phương.
Ông Huỳnh Văn Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Bình, cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức thêm các lớp tập huấn trồng nấm rơm, đồng thời nhân rộng mô hình này cho bà con trong toàn xã.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, trên thị trường lương thực trong tỉnh, nhiều người tiêu dùng biết và tìm mua gạo của huyện Krông Nô; bởi sản phẩm này có ưu điểm như hạt nhỏ, cơm dẻo, hương thơm, vị đậm…

Vì vậy, sau sản phẩm có rau của Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Tia Sáng (Gia Nghĩa) được cấp giấy chứng nhận VietGap vào năm 2012 thì trong năm 2013, tỉnh có thêm hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn này. Đó là sản phẩm sầu riêng của trang trại Gia Trung ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và quýt, sầu riêng của trang trại Lộc Hồng ở xã Quảng Khê (Đắk Glong).

Không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nông dân dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tự mình vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, cùng góp sức xây dựng quê hương.

Tháng 9/2013, từ nguồn vốn của Dự án 3 EM, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai cấp 500 con gà giống J Dabaco cùng các loại vật tư, thức ăn cho 5 hộ dân tại các thôn Đắk Mrê, Đắk Suôn, Mê Ra, xã Quảng Tân (Tuy Đức).

Mùa mưa năm 2011, Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Hợp Tiến (Đắk Glong) đã đưa 20.000 cây giống thanh long ruột đỏ về cho xã viên trồng trên diện tích 5 ha tại xã Quảng Sơn. Sau 3 năm, những vườn cây này đã bước vào thời kỳ kinh doanh, cho thu nhập cao.