Người nuôi tôm mỏi mòn chờ lũ về
Ngoài huyện Tam Nông, Cao Lãnh, Lấp Vò có diện tích nuôi tôm càng xanh lớn thì những năm gần đây, TX.Hồng Ngự cũng phát triển nhanh diện tích nuôi tôm càng xanh với gần 72,5ha. Những năm qua, nghề nuôi tôm càng xanh góp phần giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân vùng biên giới.
Năm nay tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, dù đã gần cuối tháng 7 âm lịch, song mực nước tại các kênh, sông đầu nguồn vẫn còn khá thấp. Theo phản ánh của người dân huyện Hồng Ngự và TX.Hồng Ngự, mực nước năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 từ 1,2 - 1,5m. Lũ về muộn nên nhiều hộ nuôi tôm ở vùng đầu nguồn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Giếng ở ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự tâm sự: “Gắn bó với nghề nuôi tôm nhiều năm, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh gần đến tháng 8 mà nước lũ vẫn “biệt tăm” thế này. Để tôm phát triển tốt, hơn 1 tháng nay ngày nào tôi cũng phải bơm nước liên tục lên ruộng để thay đổi cho đáy ao sạch.
Nhưng đây chỉ là biện pháp “chữa cháy”, vì nguồn nước bơm lên đồng thời điểm này không có nguồn thức ăn phong phú như khi lũ về. Ngoài việc tốn nhiều chi phí đầu tư hơn những năm trước thì năm nay tình trạng tôm chậm lớn cũng khiến người nuôi tôm lo lắng”.
Những năm gần đây diện tích nuôi tôm càng xanh phát triển mạnh ở TX. Hồng Ngự
Cùng tâm trạng với ông Giếng, anh Lê Văn Hiếu ở ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh chia sẻ: “Tôm của tôi đã đến ngày lên ruộng, nhưng do không có đê bao lửng nên tới giờ tôm vẫn còn treo lại trong ao. Hiện mực nước trên ruộng chỉ khoảng 2 tấc (20cm), trong khi mực nước ít nhất phải 8 tấc thì cho tôm lên đồng mới đảm bảo phát triển tốt.
Hiện tôi đã bao lưới 3,5ha chờ cho tôm ra đồng nhưng mãi không thấy nước lên. Hi vọng con nước cuối tháng 7 sẽ lớn và cầm lâu để cho tôm lên ruộng, chứ nước thấp thế này thì năm nay có nguy cơ lỗ vốn nặng”.
So với cùng kỳ những năm trước, thời gian này là lúc nuôi tôm ở TX.Hồng Ngự bắt đầu thu hoạch tôm trứng. Năm nay lũ về muộn nên gần cuối tháng 7 nhưng toàn TX.Hồng Ngự vẫn chưa có diện tích thu hoạch tôm. Trước tình trạng nắng nóng và lũ về muộn năm nay, Trạm Thủy sản TX.Hồng Ngự luôn cập nhật tình hình sản xuất của bà con.
Đơn vị khuyến cáo người nuôi cần quản lý tình trạng ao nuôi chặt chẽ, thường xuyên bơm nước đối lưu để tránh tình trạng đáy ao dơ, bổ sung kịp thời các loại khoáng chất cần thiết để tôm phát triển và có sức đề kháng tốt...
Ông Nguyễn Huấn - Phó trưởng Phòng Kinh tế TX.Hồng Ngự cho biết: “Tôm càng xanh là một trong những đối tượng chiến lược được TX.Hồng Ngư ưu tiên lựa chọn phát triển trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thị xã.
Để tạo điều kiện cho ngành hàng này phát triển, từ năm 2013, thị xã dành nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi tôm càng xanh. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí giúp nông dân xây đê bao lửng với mục đích chủ động hơn khi nuôi tôm vào mùa lũ.
Theo đó, mỗi ha nuôi tôm càng xanh, TX.Hồng Ngự sẽ hỗ trợ cho người nuôi 12 triệu đồng. Đây là đòn bẩy, là động lực - một trong những quyết sách góp phần kịp thời giúp người dân vùng đầu nguồn tăng thu nhập, phát triển sinh kế vào mùa lũ”.
Thông thường để nuôi tôm càng xanh vào mùa lũ (vụ thuận), nông dân thường thả con giống trong các ao đầm vào tháng 3 âm lịch. Khoảng 3 tháng sau, khi tôm đã thành thục, nông dân sẽ cho tôm lên đồng để tận dụng nguồn thức ăn phù du trên ruộng vào mùa lũ. Đến khoảng tháng 10 âm lịch, khi lũ rút cũng là thời điểm cư dân vùng đầu nguồn thu hoạch tôm.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù diện tích xuống giống giảm, nhưng do thời tiết tương đối thuận lợi, lúa được giá phần nào khuyến kích nông dân đầu tư, chăm sóc nên năng suất
Việt Nam vừa thỏa thuận ký hợp đồng cung cấp cho phía Philippines 200.000 tấn gạo 25% tấm với giá tương đương 475 USD/tấn; cung cấp cho phía Indonesia 200.000 tấn gạo (trong đó 50.000 tấn gạo 5% tấm với giá 443,5 USD/tấn (FOB) và 150.000 tấn gạo 15% tấm với giá 442,1 USD/tấn).
Tính đến nay, tổng diện tích mía tại khu vực phía Đông tỉnh đạt 24.000 ha, tăng gấp 10 lần so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng mía đường năm 1999-2000, mía trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của các địa phương trong khu vực. Những năm qua, Nhà máy Đường An Khê trở thành đơn vị đầu tư, thu mua phần lớn nguyên liệu mía khu vực phía Đông.
Năm nay, Hương Trà (Thừa Thiên Huế) thả nuôi 306 ha thuỷ sản các loại như: cá kình, tôm sú, tôm rảo, cua…, tập trung chủ yếu ở 2 xã Hải Dương và Hương Phong.
Sáng 27/9, tại UBND xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Tiểu Ban quản lý Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (gọi tắt là CRSD) Khánh Hòa đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP trên 4 ao nuôi tôm tại xã Ninh Phú.