Nhiều Hộ Vươn Lên Khá Giàu Nhờ Nuôi Cá Sấu
Những năm gần đây, mô hình nuôi cá sấu thương phẩm được nhiều nông dân xã Định Thành (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) thực hiện vì hiệu quả và lợi nhuận khá cao. Mỗi vụ, người nuôi lãi hàng trăm triệu đồng.
Mô hình nuôi cá sấu thương phẩm ở xã Định Thành ra đời vào cuối năm 2011, gồm 13 hộ nông dân tham gia. Từ khi tham gia mô hình này, nhiều hộ thoát khỏi cuộc sống khó khăn, vươn lên khá giàu. Bởi, sau một vụ (từ 15 - 18 tháng) người nuôi lãi hàng trăm triệu đồng. Không chỉ cho lợi nhuận kinh tế cao, mà đầu ra của cá sấu cũng tương đối ổn định. Các doanh nghiệp cung cấp cá sấu giống sẽ thu mua lại cá sấu thương phẩm của người nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Minh, hộ nuôi cá sấu thương phẩm (xã Định Thành) phấn khởi nói: “Cá sấu là một loại động vật dễ nuôi, ít nhiễm bệnh, thức ăn chủ yếu là cá tạp. Hiện nay, giá cá sấu dao động từ 140.000 - 160.000 đ/kg. Tính bình quân 100 con cá sấu sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 70 triệu đồng. Đầu ra của cá sấu khá ổn định”.
Về kỹ thuật nuôi cá sấu thương phẩm, nhiều hộ nuôi cho biết, hai yếu tố quyết định thành công trong việc nuôi cá sấu là chất lượng con giống và thức ăn. Con giống phải đạt chất lượng, thức ăn cần đảm bảo vệ sinh, an toàn. Về mật độ nuôi, có thể thả cá sấu từ 1 - 3 con/m2, diện tích của chuồng khoảng 18 - 20m2 (tùy thuộc vào mật độ cá). Bên cạnh đó, cần quan tâm làm vệ sinh chuồng trại.
Mô hình nuôi cá sấu thương phẩm mở ra hướng đi mới cho bà con xã Định Thành, giúp họ cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để phát huy tính hiệu quả của mô hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh cần tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật nuôi cho nông dân, cũng như hướng dẫn cách phòng bệnh cho cá sấu.
Có thể bạn quan tâm
Với trên 80% dân số sống bằng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên những năm qua, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có tính bền vững, điển hình là mô hình nuôi bò thịt.
Dù mới chỉ có vài chục hộ ở TP Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bắt đầu sử dụng né gỗ để nuôi tằm và máy để gỡ kén tằm, thế nhưng, hiệu quả của việc nuôi tằm theo công nghệ mới này đã giúp người nông dân giảm được nhiều công lao động và tăng cao thu nhập.
Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), nhiều nông dân (ND) xã Hòa Tiến đã hình thành nên những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp vượt qua khó khăn, thoát đói nghèo.
Tuy nhiên, lượng phân bón còn tùy thuộc loại phân và các điều kiện đất đai, thời tiết, sinh trưởng, mùa vụ, giống lúa, màu sắc lá lúa, tình hình sâu bệnh...
Thay vì trồng 3 vụ lúa/năm, ở một số nơi bà con đã áp dụng giải pháp luân canh lúa- ngô, nhờ thế mỗi ha trồng ngô có thể cho thu 40 triệu đồng/ha.